Sau nhiều nỗ lực cùng sự cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu ở thời kì hết sức khó khăn về việc mở rộng thị trường, trong 10 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kì và tương đương tăng 14,5 tỷ USD; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 121,2 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kì năm 2013.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết, tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, theo đánh giá chung của các thành viên và hội đồng khoa học, việc tăng kim ngạch nhập khẩu trong thời điểm này đang có biểu hiện của sự phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Với đà tăng trưởng này, Bộ Công Thương dự đoán,trong năm 2014 Việt Nam có thể xuất siêu vào khoảng 1,5 tỷ USD. So với các năm trước như 2013 suất siêu 300.000 USD và năm 2011 xuất siêu 749 triệu USD thì đây là con số đạt cao kỉ lục từ trước đến nay.
Năm 2015 sẽ lại tăng nhập siêu
Mặc dù có thể đạt được mức xuất siêu rất ấn tượng của năm 2014, nhưng trong quá trình xây dựng chỉ tiêu xuất, nhập khẩu, đặc biệt là cán cân thương mại của năm 2015 để báo cáo Quốc hội thông qua, Bộ Công Thương nhận định năm 2015 có khả năng nước ta sẽ quay trở lại với mức nhập siêu 6 - 8 tỷ USD.
Sở dĩ có việc này theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích tạm thời có 6 nguyên nhân. Thứ nhất là trong thời gian qua, cán cân thương mại với xuất siêu chủ yếu từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng thời gian tới, việc xuất siêu từ khối này sẽ tăng trưởng chậm lại.
Đơn cử như năm 2012, các doanh nghiệp FDI đã tăng kim ngạch xuất khẩu lên đến 31%. Tuy nhiên đến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của khối này chỉ tăng 22%và 10 tháng năm 2014 là 12%. Đây cũng là ngưỡng xuất khẩu khi các doanh nghiệp FDI đã đạt được công suất nhất định, đảm được lợi nhuận đã đề ra.
Nếu tiếp tục đà giảm này, trong năm 2015, nhiều khả năng tăng trưởng về xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI sẽ còn chậm hơn nhiều so với những năm trước, đáng chú ý là đối với mặt hàng điện thoại di động - sản phẩm xuất khẩu đến nay đã giảm xuống mức đáng kể.Trong khi đó,các doanh nghiệp trong nước từ trước đến nay vẫn đang tiến hành nhập siêu.
Nguyên nhân thứ hai theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển về xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu năm, xuất khẩu ở Việt Nam thường chưa có khả năng tăng cao về lượng do nguồn hàng trong nước chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng để thâm nhập vào các thị trường. Hơn nữa, từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm dần do giá trị tuyệt đối đang ở mức cao.
Ngoài ra, kinh tế thế giới năm 2015 được dự báo tăng trưởng tốt hơn, triển vọng thu hút đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do sắp được kí kết, trong bối cảnh đó nguồn lực đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam để đón bắt cơ hội từ các hiệp định sắp được kí kết sẽ gia tăng. Đây là nguyên nhân thứ ba làm gia tăng giá trị nhập siêu, bởi các doanh nghiệp sẽ tập trung nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra nguyên nhân thứ tư: Từ bất ổn chính trị trong quan hệ với Trung Quốc thời gian qua đã khiến việc Việt Nam phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để không quá phụ thuộc vào một thị trường. Việc phải nhập khẩu ở nhiều quốc gia khác với chất lượng hàng hóa tốt hơn đồng nghĩa với giá thành cao hơn sẽ dẫn tới tổng kim ngạch nhập khẩu tăng, điều này cũng sẽ dẫn đến việc tăng nhập siêu.
Giá trị nhập khẩu tăng trong năm 2015 còn có ảnh hưởng của việc chuyển dịch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài từ các quốc gia khác vào Việt Nam, trước triển vọng phát triển xuất khẩu sau các Hiệp định Thương mại tự do FTA sắp được kí kết với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan… hay tương lai gần là TPP. Điều này sẽ khiến chính các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tăng cường nhập khẩu máy móc để tận dụng đón bắt cơ hội đón đầu các hiệp định.
Mặt khác, trong thời gian tới, đặc biệt là từ năm 2015, một số nhà máy nhiệt điện sẽ đi vào hoạt động, Việt Nam phải nhập khẩu than vì nguồn cung than trong nước chưa đáp ứng đủ. Hiện Việt Nam đã tìm hiểu nhiều thị trường có thể đáp ứng đảm bảo được nhu cầu về than của các nhà máy điện cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Trong lĩnh vực dầu khí, mặc dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay đã đáp ứng được khoảng 30%nhu cầu xăng dầu trong nước, nhưng trong thời gian tới, ngoài việc giảm lượng xuất khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu thay cho việc nhập khẩu trực tiếp.
Từ 6 nguyên nhân kể trên đã khiến Bộ Công Thương nhận định,mặc dù năm 2015 Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu cỡ 163 tỷ USD (tăng 10%) so với năm 2014 nhưng kim ngạch nhập khẩu sẽ phải tăng nhiều hơn, do đó mức dự báo nhập siêu sẽ ở trong khoảng 6 - 8 tỷ USD.
Theo VOV