(Baonghean) - Nhà văn hoá khu dân cư là nơi diễn ra nhiều hoạt động chung của cộng đồng và là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa có ý nghĩa. những năm qua, công tác xây dựng nhà văn hóa được các địa phương quan tâm chú trọng…

Xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) có 9 xóm, từ năm 1993 xã đã trích ngân sách đầu tư xây nhà văn hóa dân cư kiên cố cho các xóm với diện tích từ 65m2 trở lên. Tuy nhiên, qua thời gian quy mô dân số phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao nên các nhà văn hóa cũ không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Để vận động bà con xây dựng nhà văn hóa mới, xóm 3 đã lên kế hoạch và dự trù kinh phí cụ thể, trên cơ sở đó kêu gọi người dân đóng góp. Quá trình triển khai, xóm trực tiếp cử dân giám sát và thi công công trình. Sau hơn 3 tháng xây dựng, công trình nhà văn hóa xóm đã hoàn thành với đầy đủ các thiết chế văn hóa như loa, đài, trang trí khánh tiết, bàn ghế, tranh ảnh tuyên truyền, bảng tin... trở thành điểm đến cho tất cả người dân trong xóm. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh cũng sôi động hơn nhiều.
images1380339_mot_buoi_sinh_hoat_ve_dan_ca_vi_dam_xu_nghe_o_dinh_lang_ngoc_son___thanh_chuong_.jpeg.jpgBuổi sinh hoạt về Dân ca ví, giặm xứ Nghệ tại đình làng Ngọc Sơn (Thanh Chương).
 
Tính đến nay, Hưng Phúc đã có 6/9 xóm xây dựng nhà văn hóa mới, với mức đầu tư trung bình từ 400 - 600 triệu đồng/nhà, bằng nguồn vốn xã hội hóa và nhân dân đóng góp cùng với sự hỗ trợ của huyện, xã (60 triệu đồng/nhà). Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, các nhà văn hóa đã đáp ứng phần nào nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của bà con và ngày càng thu hút nhiều người dân đến tham gia thể thao, vui chơi giải trí… Anh Nguyễn Văn Hưng, Công chức văn hóa xã Hưng Phúc chia sẻ: Từ khi các nhà văn hóa trên địa bàn xã đi vào hoạt động, việc sinh hoạt cộng đồng của các xóm thuận lợi hơn rất nhiều. Nhân dân có nơi hội họp, học tập, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây vừa là nơi vui chơi, giải trí của các cháu thiếu nhi vào những ngày lễ, tết, hội hè vừa là địa điểm tổ chức các cuộc thi, tuyên truyền phục vụ những ngày lễ lớn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
 
Để phát huy hiệu quả của các nhà văn hóa, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) chủ trương xây dựng lại các nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng trên nền tảng của các đình làng cũ. Đình Phúc Xá (ở thôn Lam Hồng) có từ đầu thế kỷ thứ VII, là nơi thờ Vua Mai Hắc Đế và cũng là nơi hội họp của dân làng vào các ngày lễ hội. Đình được làm bằng gỗ có 3 gian, 2 hồi, xung quanh xây bằng đá ong, nhưng trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và đế quốc Mỹ, đình Phúc Xá đã hư hỏng nhiều. Trước thực tế này, đầu năm 2012, UBND xã Ngọc Sơn đã thành lập ban vận động để kêu gọi con em đóng góp, tu bổ lại đình Phúc Xá. Khi khởi công tôn tạo lại đình làng, bà con nhân dân ai cũng phấn khởi đóng góp từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, người nhiều nhất công đức gần 700 triệu đồng. Nay đình đã được hoàn thiện với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, chưa kể hàng ngàn ngày công lao động công ích của nhân dân và công thợ. Ông Phạm Duy Trinh, Trưởng Ban duy tu đình Phúc Xá cho biết: Từ sau khi đình được phục dựng đã trở thành ngôi nhà chung của làng Lam Hồng, Hợp tác xã và các hội, đoàn thể luôn chọn đình làm nơi sinh hoạt văn hoá. Vào ngày Yên lãng đầu Xuân, mùng Một và ngày Rằm bà con trong làng và con em xa quê vẫn về đình làng dâng hương để cầu phúc cầu an.
 
Đình Ngọc Sơn (ở xóm 4, xã Ngọc Sơn) được xây dựng từ thời Vua Tự Đức, thờ Thành Hoàng làng và là nơi sinh hoạt cộng đồng làng, xã. Với kiến trúc nhà gỗ 5 gian, ở đình thượng được chạm trổ hoa văn, đình hạ 3 gian 2 hồi, có dãy cột lim người ôm không xuể, mái lợp ngói âm dương. Cổng đình 2 cột uy nghi, Nghê chầu trên đỉnh... Qua thời gian đình đã bị hư hỏng và xuống cấp. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vùng muốn khôi phục lại đình để làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi cầu an, cầu phúc, vừa là nơi hội họp của dân làng. Cũng trong năm 2012, ban vận động đình Ngọc Sơn được thành lập để kêu gọi con em đóng góp, tu bổ lại ngôi đình; gần 2 tỷ đồng đã được huy động. Đến 26/1/2013, đình Ngọc Sơn đã được khôi phục và xây dựng lại trên nền đất cũ. Từ khi đền được phục dựng, các cuộc họp của chi bộ xóm, các đoàn thể, sinh hoạt văn hóa cộng đồng như hoạt động của CLB dân ca đều diễn ra ở đình... 
 
Cụ Phạm Bá Dương (83 tuổi) một bậc cao niên có uy tín trong xóm được giao quản lý đình cho biết thêm: "Những hoạt động lớn của đình thường diễn ra trùng vào các dịp lễ, tết là để tạo điều kiện cho con cháu Ngọc Sơn xa gần hay khách thập phương có điều kiện về chung vui với làng. Tôi cũng rất mừng là sau bao nhiêu thăng trầm đình làng vẫn được giữ và tiếp tục phát huy vai trò trong hoàn cảnh mới. Như vậy, vừa giữ được những nét đẹp cổ truyển của dân tộc lại giúp cho con cháu sau này có ý thức bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống”…
 
Anh Nguyễn Thái An, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thanh Chương cho biết: Toàn huyện hiện có 205/504 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các nhà văn hóa, sau khi xây xong đều đã phát huy hiệu quả và tạo nên bộ mặt mới cho các vùng nông thôn. Chúng tôi cũng khuyến khích các xã, xóm xây dựng nhà văn hóa trên cơ sở phục dựng lại các đình làng cũ. Vì thực tế, điều đó không chỉ thỏa mãn được nhu cầu tâm linh mà còn là nét văn hóa riêng, gắn với văn hóa làng. 
 
Ở huyện Quỳ Hợp, dù hiện nay 263/287 đã có nhà văn hóa nhưng phát huy hiệu quả nhất vẫn là những nhà văn hóa được xây dựng theo đúng hình thức nhà sàn truyền thống. Nhà văn hóa bản Vi (xã Bắc Sơn) trước đây được Bộ Văn hóa - Thông tin hỗ trợ hơn 500 triệu đồng được xây dựng bằng nhà sàn theo thiết kế của đồng bào Thái trên diện tích 2.600m2, sau khi đi vào sử dụng đã phát huy hiệu quả và  thực sự trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con trong bản. Qua đó cũng góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc, xây dựng lối sống văn hóa, đưa bản Vi trở thành bản đầu tiên thành công trong mô hình xây dựng bản thuần Thái… Ông Đậu Ngọc Tuân, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết: Huyện đã chỉ đạo, khuyến khích các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhà văn hóa, theo kiến trúc nhà sàn. Nhờ vậy trên địa bàn huyện ngoài 8 xã xây dựng công trình nhà văn hóa, nhà truyền thống kiêm thư viện xã theo kiến trúc nhà sàn mà nhiều thôn bản khác cũng đã triển khai theo mô hình này. Tổng kinh phí để đầu tư hỗ trợ xây dựng thiết chế VHTT TT toàn huyện trong 10 năm là: 93,3 tỷ đồng (vượt 14%/kế hoạch đề án là 81,3 tỷ đồng), trong đó: kinh phí đầu tư từ ngân sách Trung ương là 8,98 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 5,692 tỷ đồng, ngân sách huyện là 9,152 tỷ đồng, ngân sách xã là 9,116 tỷ đồng, nguồn do nhân dân đóng góp và từ xã hội hóa là 21,150 tỷ đồng. Số còn lại là do kinh phí đầu tư từ các chương trình, dự án, Trung ương, tỉnh hỗ trợ. 
 
Kinh phí để xây dựng các nhà văn hóa thôn xóm phần lớn được trích từ các nguồn xã hội hóa. Thống kê cho thấy trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 toàn tỉnh đã huy động được gần 200 tỷ đồng để xây dựng các nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó hơn một nửa là do đóng góp của dân và huy động các nguồn lực khác. Bên cạnh đó, nhiều huyện đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù và có nhiều cách làm sáng tạo nhằm  huy động tối đa sự đóng góp của nhân dân và các nguồn tài trợ.
 
Đơn cử như ở Nam Đàn có cơ chế hỗ trợ 50 - 100 triệu đồng cho một nhà văn hóa xã, 10 triệu đồng cho một nhà văn hóa xóm. Các huyện Anh Sơn, Hưng Nguyên hỗ trợ 40 triệu đồng cho một nhà văn hóa xã và hỗ trợ 10 tấn xi măng cho mỗi đơn vị làng văn hóa để xây dựng thiết chế. Thị xã Cửa Lò hỗ trợ 30% kinh phí cho mỗi xã, phường xây dựng thiết chế văn hóa. Các làng, bản đặc biệt khó khăn chưa xây dựng được nhà văn hóa hoặc sân thể thao tỉnh cũng có mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/1 làng, bản… Nhờ những nỗ lực này, đến nay  số thôn, xóm, khối phố có thiết chế văn hoá và khu thể thao thôn đảm bảo hoạt động là: 5298/5887, đạt 90%. Đạt theo tiêu chí Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là 4.120/5887, đạt 71%. Nhiều nhà văn hóa được đầu tư quy mô, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ. 
 
Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: Mặc dù Nghệ An là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng đây là một kết quả khả quan cho thấy sự nỗ lực của tất cả nhân dân và chính quyền địa phương trong việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Đây thực sự là mái nhà chung, là điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của nhân dân, giữ vài trò nòng cốt trong đời sống văn hóa cơ sở. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền các hoạt động nhiệm vụ, chính trị, xã hội của địa phương, làm tiền đề cho việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
 
Bài, ảnh: Ngọc  Anh - Mỹ Hà