(Baonghean) - Tự dưng bỗng nhớ nôn nao hàng duối quê nhà thuở ấy! Có lẽ đất trời chuyển sang thu nên lòng người chùng xuống, thường hướng về gốc cội sâu đằm. Màu nắng vàng nhạt, những làn mây trắng lan tỏa khắp trời và thỉnh thoảng ào lên những cơn mưa rào bất chợt. Thu về rồi đấy chăng? Dẫu màu thu chỉ thấp thoáng e ấp cùng vạt cỏ bên đường; cùng với những cánh chuồn chuồn bay dập dờn trong gió nhẹ. Khoảnh khắc diệu kỳ ấy bỗng hiện về hình ảnh hàng duối quê nhà, mở ra bao la những chân trời thơ ấu…
Không rõ tự bao giờ, cây duối mọc lên và trở nên vô cùng gần gũi, thân thuộc, gắn bó với làng quê. Có lẽ cây duối dễ trồng, không kén đất; duối dễ sống nên được trồng làm hàng rào, làm cây buộc trâu, bò. Lá duối là món ăn khoái khẩu của đàn dê ông nội nuôi. Ông nội cắt lá khi trời mát, tránh gặp mưa vì dê ăn vào bị đau bụng) và bỏ vào chuồng cho chúng thưởng thức.
Duối mọc khắp nơi, từ đầu làng đến cuối xóm, đi đâu cũng gặp hàng duối thân bạc phếch, cành lá xanh rờn… Quanh thân cây là những vết cắt ngang dọc. Đó là vết cắt của lũ trẻ chúng tôi lấy nhựa duối về phết giấy làm diều mỗi khi gió nồm nam bắt đầu thổi lộng. Nhựa duối bền lắm, khi đã khô; diều bay cao cỡ nào cũng không bị bung ra. Rồi nữa, những cây duối ở bờ giậu là nơi chúng tôi vẫn hay đến chặt nhựa hứng vào mảnh vỏ trai và chưng lên làm keo đi chấm ve. Vườn cây xum xuê, bờ giậu cây cối xanh mướt như vậy nên các loài chim muông về tụ hội rất đông, những trưa hè oi ả mắc võng nằm dưới khu vườn nghe chim hót mới tuyệt làm sao. Tuổi thơ tôi đã trải qua biết bao nhiêu những trưa hè như thế, nó đẹp đẽ, êm đềm mà đến tận bây giờ tôi vẫn như cảm thấy nó mới ở ngày hôm qua.
Dưới bóng duối mát xanh là nơi dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện đồng áng, làng quê của dân làng sau buổi làm đồng vất vả. Dưới bóng duối, trâu, bò nằm nghỉ ngơi; nhai cỏ nhai rơm như vừa ăn vừa ngẫm nghĩ công việc ngày tới. Dưới bóng duối là chú bé con đang rình bắt con “xén tóc”, đem về buộc dây kéo đi chơi. Lũ “xén tóc” này không rõ sinh sản ở đâu mà khi gió heo may về là chúng kéo hàng đàn về bay xè xè trên cành. Chúng háu ăn kỳ lạ. Chỉ thoáng chốc là cây duối trọc trụi lá, chỉ còn trơ cành. Hai cái răng đen hình lưỡi hái, đưa qua đưa lại nghe ken két. Thân mình mặc áo giáp cứng, điểm những hạt cườm vàng nhạt; hai cái râu dài quá khổ như hai sợi ăng ten thu sóng …
Khi nắng thu về cũng là vào mùa duối chín. Lũ trẻ chúng tôi “phân loại” thành hai thứ duối tẻ và “duối nếp. Trái duối nếp to bằng hạt ngô, chín vàng ươm thật thơm, thật ngọt. Trái duối tẻ tròn bằng hạt đậu nhưng số lượng nhiều hơn. Khi hái, nhớ đập cây quanh tàn duối cho rắn bò đi nơi khác vì rắn cũng thường khoái món duối chin này. Thân duối có thớ gỗ xoăn nên rất bền. Khi duối già, người ta chặt xuống; lấy lõi bên trong làm chày giã ngô, giã gạo.
Giờ miền quê có đường bê tông, đường nhựa ngang dọc khắp nơi; chẳng còn thấy bóng tre; nói gì đến hàng duối già gắn bó, thân thương thuở nào! Lang thang gặp hàng duối quê; ngỡ hồn của đất, của quê gọi mình về trong rưng rưng nỗi nhớ…
Cũng thân duối bạc màu năm tháng, cũng cành lá rì rào mơn man cơn gió thổi.. Cây duối nơi cuối trời có phải hồn duối quê tôi?Thân thương quá, tôi nhẹ bước đến gần. Những trái duối màu vàng ươm, lấp ló sau vòm lá biếc. Quê mẹ hiện về cùng hàng duối nơi đồng bằng châu thổ. Nghe đâu đây văng vẳng câu đồng dao về tình yêu đôi lứa thuở nào: “Đầu làng có cây duối/ Cuối làng có cây đa/ Ở giữa ngã ba/Có dây tơ hồng/ Con gái chưa chồng/ Trong lòng hớn hở/ Con trai chưa vợ/ Ruột tợ múi chanh/ Ngó lên mây trắng trời xanh/ Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi!”.
Lê Đức Đồng