Nhiều vụ việc đau lòng
Khoảng 21 giờ đêm một ngày tháng 7/2020, Lương Văn Công (trú tại xã Nậm Nhoóng, Quế Phong) điều khiển xe mô tô đi đến nhà cháu L.T.N, SN 2005, trú tại xã Châu Thôn để dự sinh nhật của một cô gái.Sau khi dự sinh nhật xong, Lương Văn Công điều khiển xe mô tô đi ra ngoài chơi, đến khoảng 1 giờ đêm cùng ngày thì Công quay trở lại nhà thì thấy chị L.T.N (15 tuổi) là em gái của chủ nhân sinh nhật đang nằm ngủ trên sàn nhà. Công đã gạ gẫm quan hệ tình dục cùng N. Sự việc sau đó được mẹ của N phát hiện.
Ngày 1/8/2020 đại diện gia đình của cháu L.T.N có đơn trình báo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong về hành vi của Lương Văn Công. Cùng ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong đã tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lương Văn Công để điều tra, làm rõ. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong đã quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Quế Phong để xét xử bị can Lương Văn Công về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự.
Trước đó, ngày 22/6, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lương Văn Dậu (SN 1993), trú xã Đồng Văn, huyện Quế Phong về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Sự việc xảy ra khi Lương Văn Dậu rủ cháu L.T.L. (SN 2013) trú cùng bản đi thăm bẫy thú rừng. Khi đến khu vực rừng vắng, nam thanh niên này đã có hành vi xâm hại tình dục đối với cháu bé. Để che giấu hành vi phạm tội, Dậu đã cho L. 10 ngàn đồng và dặn nạn nhân không được kể với ai. Tuy nhiên, sau đó hành vi của Dậu bại lộ, và Dậu đã phải lãnh mức án 20 năm tù, bồi thường cho bị cáo 30 triệu đồng.
Không chỉ ở Quế Phong, tháng 6/2020, tại huyện Yên Thành cũng xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em gây rúng động dư luận một vùng quê. Thủ phạm là ông Nguyễn Phi Hùng (SN 1950, trú xã Văn Thành, huyện Yên Thành). Trong đơn tự thú, ông Hùng thừa nhận chiều 9/6, khi sang nhà hàng xóm chơi, thấy bé gái 9 tuổi đang học bài một mình nên nảy sinh ý định xâm hại tình dục. Sau đó, Hùng dặn nạn nhân không được nói với ai rồi ra về. Tuy nhiên, đến tối, sợ việc mình làm bị bại lộ, ông Hùng làm đơn tự thú. Ông Hùng còn khai đã thực hiện hành vi xâm hại bé gái 3 lần. Trong khi đó, nạn nhân khai báo ông Hùng đã 8 lần dụ dỗ. Ngoài vụ việc nói trên, ông Hùng còn thừa nhận đã từng xâm hại một bé gái 8 tuổi khác trú cùng xóm.
Xử phạt nghiêm, tuyên truyền sâu rộng
Trong 10 tháng đầu năm 2020, Công an Nghệ An đã phát hiện, khởi tố, điều tra 38 vụ, 42 bị can về các tội phạm xâm hại trẻ em; trong đó, 32 vụ, 33 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em; 01 vụ, 02 đối tượng mua bán trẻ em; 05 vụ, 07 đối tượng có hành vi giết người, cố ý gây thương tích đối với trẻ em. Đồng thời, tổ chức 3 lượt, giải cứu thành công 9 em bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo bỏ nhà đi, làm tiếp viên karaoke tại các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa...
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã xét xử các vụ án về hành vi vi phạm quyền trẻ em (người bị hại là trẻ em). Cụ thể, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 31 vụ/33 bị cáo mà người bị hại là trẻ em, đã giải quyết 31 vụ/33 bị cáo. Trong đó, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi đã xét xử 14 vụ/16 bị cáo; Giao cấu với người dưới 16 tuổi đã xét xử 7 vụ/7 bị cáo; Dâm ô với người dưới 16 tuổi đã xét xử 8 vụ/8 bị cáo.
Bên cạnh việc phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng. Sở Văn hóa và Thể thao trong năm 2020 đã xây dựng được 10 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình gắn tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Hội LHPN tỉnh mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền phổ biến Luật Trẻ em cho 40 báo cáo viên cấp tỉnh, hơn 400 báo cáo viên cấp huyện và gần 3.000 tuyên truyền viên cấp xã và cộng tác viên ở khối, xóm, bản; chỉ đạo các cấp hội tổ chức 1.260 buổi truyền thông về “Luật Trẻ em”, “Quyền Trẻ em”. Bên cạnh đó, tổ chức 42 diễn đàn phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, các diễn đàn dành cho trẻ em; tổ chức 560 buổi giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh xâm hại và tai nạn thương tích.
Sở LĐ-TB&XH là đơn vị “chủ trì” công tác phối hợp giữa các cấp, ngành về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, nắm rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, năm 2020 các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã có nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em và góp phần ngăn ngừa tội phạm về xâm hại trẻ em.
Ngoài phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương, sở đã chỉ đạo, hướng dẫn huy động nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được gần 14 tỷ đồng, nhờ vậy năm 2020 đã giúp đỡ cho 7.500 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. “Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh thực hiện tốt Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26 /5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em” - Bà Nguyệt cho biết.