Từ 5 năm lại nay trên địa bàn tỉnh đã có tới 114 trẻ em bị xâm hại (108 em nữ, 6 em nam). Trong đó, có 82 trẻ em bị xâm hại tình dục; 26 em bị mua bán trái pháp luật; 6 em bị xâm hại bạo lực. Đáng báo động là các tội phạm xâm hại trẻ em thường là người thân, hoặc bạn bè thân của bố mẹ, ông bà, hoặc hàng xóm láng giềng, những người từng tiếp xúc gần với trẻ.

Trẻ bị chính người thân xâm hại

Vụ việc đã xảy ra cách nay hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn làm cho những người biết chuyện bàng hoàng xót xa. Đó là việc cháu bé mới chỉ học lớp 8 ở Châu Lý – Quỳ Hợp bỗng dưng có thai, và đau xót vô cùng khi tác giả cái thai đó là chính bố đẻ của bé gái. Sự việc chỉ vỡ lỡ khi cháu kêu mệt và mẹ cháu đưa cháu đi khám tại trạm y tế xã. Mãi sau này cháu mới chia sẻ rằng cháu đã bị chính bố mình hãm hiếp trong thời gian dài nhưng đành phải cắn răng chịu đựng vì sau mỗi lần thỏa mãn thú tính ông bố đều kề dao vào cổ dọa giết nếu cháu nói với mẹ hoặc bất kỳ ai.

thogn_diep_tre_dung_giu_im_lang9546851_1362020.jpgThông điệp trẻ đừng giữ im lặng, được nhắc nhiều trong các buổi truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian gần đây. Ảnh tư liệu của Mỹ Hà.

Vụ việc khác cũng gây bức xúc không kém, đó là vụ cháu bé 12 tuổi tại Đồng Văn, Tân Kỳ bị một người hàng xóm thân hãm hiếp khi chở cháu về nhà từ cuộc ăn uống của một gia đình hàng xóm khác. Điều đáng nói là cháu bé dù đã tiên lượng được sự việc nhưng vẫn đi theo người đàn ông đã rắp tâm lên kịch bản hãm hiếp mình. Dù sau đó tên yêu râu xanh đã nhận bản án thích đáng nhưng những hậu quả để lại cho cháu bé là vô cùng nặng nề cả tâm lý, tinh thần lẫn thể chất.  

Trẻ em huyện Quỳ Hợp phát biểu trong lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020. Ảnh: Thanh Nga

Ngay như đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 vụ xâm hại trẻ em, và cả 3 đối tượng xâm hại đều bị pháp luật trừng trị, nhưng đó không phải là con số phản ánh đúng thực trạng này. Bởi hiện có rất nhiều vụ việc không đưa ra ánh sáng cũng không được đưa vào các thống kê báo cáo. Điển hình như các vụ việc xâm hại tình dục đã có sự thỏa thuận giữa nạn nhân và những tên yêu râu xanh hòng tránh việc trẻ bị lộ danh tính, ảnh hưởng đến tương lai; hoặc cũng vì tên yêu râu xanh là người thân, ruột cật với trẻ nên gia đình quyết định “dấu diếm”. “Xảy ra tình trạng đó là vì người giám hộ trẻ không hiểu biết pháp luật, cũng không ý thức được mối nguy hại nếu không tố cáo” – Bà Lê Thị Nguyệt – Trưởng phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bình đẳng giới , Sở LĐTB & XH cho biết.

Niềm vui của trẻ em người Khơ mú với trò chơi mới. Ảnh tư liệu của Đình Tuân

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm trung bình cả nước có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em - trong đó có những vụ bạo hành thể chất, tinh thần khác đối với các em). Đáng báo động hơn là hầu hết các vụ việc đó lại do những người thân thiết, quen biết của đứa trẻ gây ra. Làm thế nào để những tổn thương đó không xảy ra với các em mới thực sự là điều tốt nhất là điều mà chúng ta đang trăn trở tìm giải pháp.

Theo chuyên gia tâm lý học Vũ Thị Phượng, bảo vệ trẻ em không chỉ là việc cung cấp cho các em các dịch vụ hỗ trợ và can thiệp khi xảy ra việc vi phạm pháp luật, mà còn là việc phòng ngừa khả năng các em trở thành nạn nhân của các hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng vì thế, việc bảo vệ trẻ cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi ngoài việc bảo vệ trẻ khỏi các hành vi xâm hại, bạo hành, bạo lực, thì việc bảo vệ để trẻ được an toàn trong môi trường sống là điều đang được các tổ chức chính trị, các cấp ngành, địa phương chú trọng, lưu tâm.

Người giám hộ trẻ cần được trang bị kỹ năng

Trong lễ ký cam kết thực hiện Mùa hè an toàn cho trẻ em năm 2020 các địa phương đã đồng nhất thực hiện các cam kết: Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, tập trung tuyên truyền Tổng đài bảo vệ trẻ em 111; Triển khai các nội dung chuyên đề hình ảnh về bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đại diện các địa phương sở, ban, ngành Ký cam kết thực hiện mùa hè an toàn năm 2020 tại Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu của Thanh Nga

Tuy nhiên nhiều cán bộ địa phương cho rằng, việc phòng chống xâm hại trẻ quan trọng nhất là cách bảo vệ trẻ bắt nguồn từ quản lý gia đình. Nếu gia đình không quan tâm và để ý những thay đổi của trẻ thì rất khó phòng ngừa cách xâm hại.

Về vấn đề này cán bộ chính sách huyện Quỳ Hợp cũng nêu quan điểm: Nguy cơ trẻ bị xâm hại, hoặc mất an toàn khi nghỉ ở nhà dài ngày hoặc khi ít được giao tiếp là rất cao. Thế nên ngành chức năng, các tổ chức chính trị xã hội ở mỗi địa phương, đơn vị, thôn xóm cần có cách thức tiếp cận trẻ, cho trẻ được chơi và được chia sẻ để giải quyết ngay những nguy cơ có thể đang rình rập trẻ. “Vụ cháu bé lớp 8 ở Châu Lý bị bố hãm hiếp trong thời gian dài có thể không xảy ra, nếu trẻ được trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình, ví dụ hét lên khi ông bố xám lại gần, hoặc không ở nhà một mình khi chỉ có bố, nếu thấy nguy cơ cao vẫn tiếp tục thì cần nói với người thân cẩn nhất trong gia đình.” – Cán bộ chính sách Quỳ Hợp cho hay.

Trẻ em chơi trò nặn đất sau thời gian nghỉ học tại xã Xá Lương, Tương Dương. Ảnh tư liệu của Đình Tuân

Hay như vụ việc cháu bé ở Tân Kỳ bị gã hàng xóm hãm hiếp khi chở cháu về nhà trong đêm tối. Theo cán bộ chính sách huyện Tân Kỳ thì nếu cháu bé lường trước được nguy cơ khi ngồi sau xe máy của một gã đàn ông từng trêu chọc mình trong bữa ăn trước đó để tránh đi, thì sự việc không xảy ra. Tuy nhiên vị cán bộ này cũng băn khoăn rằng việc bố mẹ mình cho con cái đi chơi vào đêm tối là điều không nên vì các cháu còn quá nhỏ để tự trang bị kỹ năng phòng vệ cho bản thân mình.