(Baonghean.vn) - Là địa phương luôn thuộc tốp đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội và trở thành xã cán đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Bình còn được nhiều người biết đến với hơn 70% cán bộ đều đang trong độ tuổi đoàn. Đây là một trong những địa bàn cơ sở có cơ cấu cán bộ trẻ nhất khu vực miền Tây Nghệ An.
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Hai năm đi làm không công để tích lũy kinh nghiệm
Mùa thu hoạch cam vừa qua của xã Nghĩa Bình được đánh giá bội thu, bà con phấn chấn vì cam vừa được mùa lại được giá. Sau những thành quả của người trồng cam, người dân không quên nhắc đến sự đóng góp của một nữ cán bộ của Hội Nông dân, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tận tụy, trăn trở với từng gốc cam, gốc bưởi của bà con từ lúc đặt bầu cho tới khi chín rộ.
Không chỉ vậy, chị cũng là người sát cánh cùng 387 hội viên hội nông dân của xã Nghĩa Bình để xây dựng nên nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả trong những năm qua. Đó là chị Lương Thị Thảo - nữ Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình sinh năm 1990.
Đặc biệt, điều khiến nhiều người khâm phục ở chị Lương Thị Thảo đó chính là tinh thần làm việc tận tụy khi chấp nhận đi làm 2 năm chỉ với một chút phụ cấp ít ỏi để tích lũy thêm kinh nghiệm.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ Lương Thị Thảo đã quen với công việc đồng áng. Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán của trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An vào năm 2010, nhiều bạn bè đồng trang lứa quyết định bám trụ lại thành phố làm việc nhưng Thảo đã quyết định về quê lập nghiệp.
Với tinh thần ham học hỏi, Thảo theo chân các cô chú Hội Nông dân của xã đi làm để có thêm trải nghiệm thực tiễn. Đồng thời, tự nghiên cứu thêm nhiều tài liệu để tích lũy kiến thức. Sau 2 năm đi học việc, vào đầu năm 2012, Thảo mới được nhận vào công tác tại Hội Nông dân xã Nghĩa Bình và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Thời gian này, nhiều mô hình của Thảo cùng các hội viên của xã phát triển và đạt được nhiều thành tựu như: mô hình đẩy mạnh phát triển các gia trại, trang trại chăn nuôi, chuyển đổi gần 40 ha diện tích canh tác kém hiệu quả sang cây có múi cho năng suất chất lượng cao… Từ kết quả thực tiễn, Thảo được bổ nhiệm vào chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân và đến nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình.
70% cán bộ nằm trong độ tuổi đoàn
Không chỉ có Chủ tịch Hội Nông dân là cán bộ trẻ được đánh giá cao về tinh thần làm việc, nhiều cán bộ trẻ khác nắm giữ vị trí chủ chốt của xã Nghĩa Bình trong những năm qua cũng đã phát huy được nội lực của mình để đạt hiệu quả cao trong công việc.
Nổi bật lên còn có anh Trần Song Thành (sinh năm 1983) - Trưởng Ban quân sự xã Nghĩa Bình, người không chỉ giỏi việc quân mà đã thành công khi phát triển mô hình trang trại nuôi cá, hến kết hợp trồng cây công nghiệp với diện tích gần 3 ha. Mỗi năm trang trại của anh Thành thu về hơn 1 tấn cá và 12 - 15 tấn hến, cùng với nguồn thu từ hơn 1ha cây cao su mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trước những thành tích nổi bật về công tác quân sự cũng như làm kinh tế, năm vừa qua anh đã vinh dự đón nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.
Nhờ sức trẻ, khả năng thích nghi cao, 22 người trong tổng số 32 cán bộ của xã vẫn đang trong độ tuổi đoàn (chiếm hơn 70%), và họ thực sự có nhiều đóng góp, cống hiến cho địa phương. Đặc biệt, 8 cán bộ đầu ngành thuộc thế hệ 8X, 9X đảm nhận những vị trí chủ chốt ở lĩnh vực như: Chính sách, Thống kê, Văn phòng, Văn Hóa, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên...
Nói về nguồn cán bộ trẻ của địa phương, ông Phạm Hải (sinh năm 1972) - chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình chia sẻ: "Xã Nghĩa Bình được thành lập năm 1995, đến cuối năm 2011, thì chia tách để thành lập thị trấn Nghĩa Đàn. Sau khi chia tách, đội ngũ cán bộ của xã được bổ sung nhiều cán bộ trẻ. Tất cả mọi người đều đã qua trường lớp đào tạo, có nhiều năm công tác tại địa phương thời điểm trước chia tách và được đông đảo người dân ủng hộ".
Cũng theo ông Phạm Hải, tỷ lệ hộ nghèo khi chia tách năm 2011 là 4,9% thì hiện tại đã giảm xuống còn 3,63%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là hơn 8,2 triệu đồng/người/năm thì hiện tại là 23,2 triệu đồng /người/năm.
Giai đoạn 2012 - 2015, sau khi chia tách kinh tế của xã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,35%; tổng giá trị sản xuất đạt hơn 110 tỷ đồng.
Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và sự đoàn kết, hy vọng trong thời gian tới, Nghĩa Bình không chỉ là điểm sáng của Nghĩa Đàn mà còn là của miền Tây Nghệ An nói chung.
Thanh Quỳnh