(Baonghean.vn) - Họ đều là anh em trong gia đình người Thái nghèo ở xã vùng cao của huyện Tương Dương (Nghệ An) vừa sáng tác vừa chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống.
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Xem "ban nhạc" gia đình ông Lay Văn Thao hòa tấu:
Chúng tôi đến bản Lạ (xã Lượng Minh - Tương Dương) vào một ngày đầu Xuân. Chợt nghe tiếng khèn, tiếng sáo cùng ngân vang hòa bản nhạc vui giữa núi rừng. Âm thanh thiết tha ấy cất lên từ một túp lều nằm bên dòng Nậm Nơn xanh trong. Trong không gian chật hẹp, mấy anh em gia đình ông Lay Văn Thao cùng lão hàng xóm Lô Văn Thịnh đang hoà tấu khúc “Chử ma dám bàn noọng” (Nhớ về thăm quê em) do ông Thao tự sáng tác.
Tuổi đều đã hơn ngũ tuần, cuộc sống hãy còn nghèo khó nhưng mấy anh em trong gia đình ông Lay Văn Thao vẫn không ngừng dành niềm say mê với các loại nhạc cụ dân tộc. Ông Thao tâm sự: Từ đời bố là ông Lay Văn Nam đã mê âm nhạc. Ông cụ là người tự chế tác những chiếc khèn bè nổi tiếng của vùng đất này và đồng thời còn chuyển lời bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” sang tiếng Thái để hát trong bản làng mỗi khi có lễ hội. Anh của ông Thao là Lay Công Hoành (đã mất) cũng là người say mê không kém. Ông Hoành cũng học hỏi từ cha và sáng tác ra bài “Cầu treo Cửa Rào” nói lên ước mong của người dân Lượng Minh muốn có 1 chiếc cầu bắc sang sông Nậm Nơn để bà con qua lại.
Đại gia đình ông Thao được xem là những "nông dân yêu âm nhạc". Bố ông ngoài làm rẫy thì rất mê nhạc cụ. Bố mất sớm, gia đình khó khăn, ông Thao và em là Lay Đại Cương đều tự mình tìm tòi học hỏi để chơi các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái. Hiện nay, 2 anh em có thể chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ như sáo, khèn bè, đàn măng, đàn nhị, đàn bầu, organ...
Ông Thao hiện vừa làm kế toán cho 1 trường học trên địa bàn xã vừa lên rẫy làm ruộng với vợ con. Gia đình còn nghèo nhưng những lúc rảnh rỗi ông lại mày mò sáng tác các bài hát bằng tiếng Thái rồi chuyển sang tiếng Kinh. “Những ngày hội văn nghệ ở huyện, ở tỉnh anh em chúng tôi đều được mời tham gia biểu diễn các bài hát do mình sáng tác đấy” – ông Lay Văn Thao tự hào khoe.
So với người anh Lay Văn Thao thì ông Lay Đại Cương còn có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ông Cương là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường Lào, Cam Pu Chia. Những ngày tháng ăn gió nằm sương trên đất bạn, ông bị nhiễm chất độc da cam. Phục viên về quê hương sau 10 năm, ông sinh được 7 người con nhưng đều bị ảnh hưởng của chất độc này và mất sớm. Hiện nay, người nông dân này nhận 1 người con nuôi, đang học lớp 7 ở trường PTDTNT THCS Tương Dương. Đó cũng là nguồn động viên lớn nhất đối với cuộc đời người cựu binh này.
Nói về âm nhạc, ông Lay Đại Cương bộc lộ: “Tôi say mê nhất với sáo và khèn bè. Ngày nào, đi đâu cũng phải mang các nhạc cụ này bên mình làm bạn”. Nói rồi, ông chỉ vào cây khèn bè và bảo ngày trước cùng anh em đoàn văn nghệ huyện đi biểu diễn ở Vinh được thưởng hơn 1 triệu đồng. Số tiền ấy đối với ông không phải là nhỏ nhưng ông đã dành để mua luôn chiếc khèn bè này. Rồi cây sáo Mông kia nữa, ông phải gửi tiền ra tận Lào Cai để mua về với giá 700.000 đồng.
Ngày thường, ông vẫn mang các loại nhạc cụ này biểu diễn cho đám học trò ở trường cấp 2 nghe để gieo vào lòng lớp trẻ tình yêu âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Về vùng đất này, chúng tôi vẫn thường được nghe bà con truyền tụng câu: “Xáo Xiêng Men, khèn bản Lạ, pá Xốp Xuông” (Gái Xiêng Men (Yên Hoà), khèn bản Lả, dao Xốp Xuông (Yên Thắng), bây giờ được nghe những khúc nhạc của những người nghèo này chúng tôi mới thực sự thấm thía.
Đào Thọ
TIN LIÊN QUAN |
---|