(Baonghean) - Lấy làm thích thú về một vùng đất từ xưa đã có cái nhìn, có quan niệm rất “mở” trong tiếp nhận và hội nhập văn hóa, tín ngưỡng, chúng tôi đã đi tìm và không mấy khó khăn để biết được vùng đất đó chỉ cách thành phố Vinh chừng 9 km, nằm ven sông Lam đoạn giáp với cửa biển Hội Thống (Cửa Hội)...
Vở cải lương Mai Hắc Đế (tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ) có một chi tiết gieo vào chúng tôi nhiều suy nghĩ: Chàng trai trẻ Mai Thúc Loan khi đi qua vùng cửa sông Cả, vì lỡ độ đường nên đã vào nghỉ bên ngôi làng có miếu thờ thần thi Vương Bột. Đêm ấy, Mai Thúc Loan thấy linh hồn Vương Bột hiện lên và hai người đã đối thoại với nhau. Vương Bột hỏi vì sao Mai Thúc Loan yêu thơ của ông - một nhà thơ Đại Đường, tại sao người An Nam yêu và thờ thi sỹ của Đại Đường nhưng các cuộc khởi nghĩa chống Đại Đường lại diễn ra khắp nơi. Mai Thúc Loan đã trả lời đó là vì người An Nam biết trọng những điều đáng trọng, yêu những thứ nên yêu và khinh ghét những điều đáng ghét.
Hóa ra vùng đất cửa sông Cả đó chỉ cách Thành phố Vinh chừng 9 km, nằm ven sông Lam đoạn giáp với cửa biển Hội Thống (Cửa Hội). Khu làng có ngôi đền thờ cha con Vương Bột ngày xưa nay thuộc địa phận xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), trước năm 1953 thuộc xã Ngư Hải - bao gồm cả địa phận Nghi Hòa, Nghi Hải (TX. Cửa Lò) và Nghi Phong, Nghi Xuân (Nghi Lộc) - trọn một vòng cung ôm lấy sông Lam đoạn con nước duềnh ra thành một âu tròn như để chững lại lưu luyến với đất liền trước khi hòa vào biển cả.
Chiều Xuân, chạy xe chầm chậm trên đường sinh thái, đi qua vùng “cồn khô cát bạc” xã Phúc Thọ, làng quê nơi cửa sông Nghi Xuân hiện ra với san sát những mái nhà mướt mát bóng cây xanh, thi thoảng nhô lên những nóc nhà thờ thanh bình và yên ả. Hàng cây ven đường sinh thái xuôi xuống phía Cửa Hội, bao quanh và che chắn gió biển như đường diềm thêu thùa khéo léo của vuông vải đẹp. Người làng vùng này có thể ngồi trong nhà mà ngắm ra dòng Lam, phóng tầm mắt ra cửa biển, sau doi Trang và doi Hội là hòn Song Ngư thấp thoáng hư ảo. Chợt nhớ chuyện dân gian thường kể về sự tích ông Đùng khổng lồ lấy sợi tóc làm gióng, gánh hai hòn núi đá đưa ra biển để chắn sóng, theo chuyện kể thì hai hòn núi đá đó chính là Song Ngư.
Lẽ nào, doi Trang và doi Hội chính là dấu chân xưa của ông Đùng để lại, và vũng nước sông Lam đoạn phình to ra bất thường trước khi chảy ra biển là nơi ông Đùng đã cúi xuống vục nước để rửa mặt? Chỉ biết rằng, tại khúc sông này có một âu thuyền thiên tạo, là nơi đang neo đậu rất nhiều tàu thuyền. Nhìn bóng cờ Tổ quốc thắm tươi trên những nóc thuyền cá sơn xanh viền đỏ đậu rợp bóng cả một khúc sông Xuân, lại nghĩ đã bao trận binh đao thủy chiến, bao chiến thuyền Đại Việt những lần dẹp loạn phương Nam hay lập phòng tuyến ngăn chặn sự xâm chiếm của ngoại bang phương Bắc, chắc hẳn không thể bỏ qua một nơi ém quân và dưỡng sức lý tưởng như cửa sông này.
Dừng xe ven vệ đường tìm một góc ảnh đẹp, tôi gặp anh Phạm Hồng Thái, một ngư dân bước lên từ phía những thuyền cá neo đậu san sát. Anh Thái cho biết hôm nay các thuyền cá đều phải rời ngư trường trở về vì có gió nồm, đài báo gió mùa, dấu hiệu biển động. Lần đầu gặp khách lạ, nhưng ngư dân 58 tuổi này vẫn niềm nở mời khách về thăm nhà. Bước vào sân, nhìn lên dàn mái tôn cao đã thấy treo rất nhiều những thúng tròn đựng đầy dây và lưỡi câu, bên cạnh là hàng chục lồng chim cảnh hót líu lo, biết rằng đây hẳn là một ngư dân “ham chơi”.
Anh Thái cho biết làng Xuân Giang nơi anh ở, bao bọc trên dưới là làng Xuân Dương, Trang Cảnh, Ngư Phong, Xuân Lộc... Vùng này xưa dân cư thưa thớt do không chống chọi được với gió nồm, lác đác mỗi xóm mươi hộ dân bản địa bám mặt sông. Xưa làng quay lưng ra sông, hướng mặt về phía Cửa Lò, phía đường cái quan từ Cửa Hội nối với Vinh. Từ khi có đường sinh thái ven sông Lam chạy qua, có hàng cây chắn sóng ngăn gió, những hộ dân quen sống dưới “nôốc” được ưu tiên lên bờ định cư, rồi các gia đình bản địa đưa con em ra dựng nhà dựng cửa... thế quần cư đông đúc dần dà tạo nên khuôn mặt làng trở hướng ra phía bờ sông. “Giờ bốn phương tám hướng đều mặt tiền” - anh Thái nói và cười rung. Nhấp ly rượu trong ngôi nhà ven đường ở xóm Xuân Lộc, dù Tết đã ở lại sau lưng hơn một tháng mà cung cách sinh hoạt trong gia đình hãy còn đậm nét phong lưu đủ đầy. Quả như câu ca xưa “Cửa bể là đất ăn chơi/ Không giàu cũng khá, ở trên đời con cá lá rau”, hay “Nhà tôi nghề giã nghề sông/ Lặng thì tôm cá đầy trong đầy ngoài”...
Nghiệm ra quả có như thế thật. Như gia đình anh Phạm Hồng Thái, chồng làm nghề biển với thuyền câu trị giá trên 200 triệu đồng. Mỗi tháng anh cùng khoảng 5 - 6 trai bạn đi câu 2 đến 3 chuyến, trừ ăn tiêu vẫn còn không dưới 10 triệu đồng mỗi người. Năm 2014 anh tổ chức 28 chuyến câu, trừ chi phí vẫn còn 140 triệu đồng. Vợ anh, chị Đậu Thị Hiền, thì chuyên thu mua thủy hải sản tươi sống để bán cho các nhà hàng, khách sạn, phục vụ đặt tiệc... Anh Thái quả quyết: “Nhà tôi mô hình “đầu - cuối”, tôi đánh bắt tận biển, vợ tôi bán sản phẩm đến tận mâm cơm, đời sống ấm no, lương giáo ngày nào cũng ôm nhau đoàn kết”. Anh nói vui nhưng mà... thật đấy! Vì chị vợ theo đạo Công giáo, còn anh không. Đó cũng là một đặc điểm nữa của vùng này, lương - giáo sinh sống xen kẽ và hòa thuận, đoàn kết. Nghi Xuân có 16 xóm thì 10 xóm có giáo dân, ngay trong một dòng họ, một gia đình, cũng thể hiện rõ quan điểm “tự do tín ngưỡng” rất “mở”.
Đặc tính “mở” ở vùng này còn thể hiện trong nghề nghiệp. Ngay gia đình anh Thái vốn có nghề gia truyền đi biển, từ đời bố, đời ông..., đến con anh vẫn là nghề biển nhưng đã khác rất nhiều. Vợ chồng anh có 5 người con, đứa đầu hiện là kỹ sư thủy sản ở Nha Trang, 3 đứa kế tiếp đi xuất khẩu lao động nhưng cũng lại là nghề đánh bắt gần bờ ở Hàn Quốc và Đài Loan, chỉ có đứa con út đang học dược ở Học viện quân y. Như vậy, trong gia đình anh Thái vừa có sự kế tục tiếp nối, giữ và phát triển nghề, có sản xuất có kinh doanh, có xuất khẩu lao động và có học hành chuyên sâu nghề...
Theo anh Thái cho biết chỉ một dọc nhỏ ven biển thế thôi, vậy mà có đến có 5 tàu cá lớn, chừng 20 thuyền cá như thuyền của anh, còn những thuyền nhỏ, thuyền thúng thì vô số. Dân số vùng này đông nhưng luôn ở trạng thái cần người, thiếu lao động. Tôi đem điều này xác nhận lại với anh Nguyễn Duy Trí, Chủ tịch xã Nghi Xuân, thì quả đúng thế. Hiện nay riêng Nghi Xuân đã có 1.003 lao động xuất khẩu ở các nước, vì thế việc làm tại chỗ luôn được bố trí hết, lặng thì đi biển, động thì đi bờ. Chẳng thế mà cơ ngơi đời sống người dân trong vùng vô cùng khá giả, hộ giàu chiếm 38%, có 55,1 % hộ khá, chỉ còn 06,9% hộ nghèo (số liệu cuối năm 2014), thật khác xa với một số vùng giáo, vùng ven biển khác.
...Trở lại chuyện lần tìm dấu tích và luận giải về vùng đất nơi đã thờ phụng cha con thần thi Vương Bột, tôi được gặp ông Nguyễn Hữu Thuông, một cán bộ tiền khởi nghĩa, 88 tuổi đời trong đó có 68 năm tuổi Đảng. Ông đã dày công tìm hiểu và am tường tri thức văn hóa lịch sử của vùng. Ông Thuông khẳng định khi ông lớn lên thì đền Phúc Vị thờ hai cha con Vương Bột và Vương Phúc Cơ vẫn còn. Theo ông, các cụ ở làng xưa có lý riêng của họ, rằng bản thân việc phụng thờ và tôn vinh một thiên tài thi văn của nhân loại cũng là một nghĩa cử đẹp, bởi tinh thần yêu chuộng giá trị nhân văn, yêu chuộng cái đẹp đích thực mãnh liệt, thiết tưởng nếu có giới hạn về “quốc tịch” cũng khó mà ngăn cản được.
Cũng có thể, chính một phần nhờ tinh thần đó được nuôi dưỡng và phát triển theo năm tháng, mà hun đúc nên những phẩm chất đặc trưng vùng đất này: giàu truyền thống văn chương và rất cách mạng. Theo giới thiệu của ông Thuông, chúng tôi đến thăm nhà thờ và khu lăng mộ Tiến sỹ Phạm Nguyễn Du, vị Đông các Đại học sỹ lẫy lừng danh tiếng thế kỷ XVIII với nhiều công trình văn thơ, lịch sử, địa lý đồ sộ. Cụ bà Trương Thị Châu, người con dâu họ Phạm hiện đang trông giữ Di tích lịch sử Quốc gia nhà thờ Tiến sỹ Phạm Nguyễn Du còn cho biết thêm, chỉ cách nhà thờ này không xa về phía Nam, là quê vợ của Phạm Nguyễn Du, mà người em vợ Phạm Nguyễn Du chính là vị “anh hùng thời loạn” Nguyễn Hữu Chỉnh. Cánh cửa hẹp của lịch sử thời Tây Sơn có thể không tạo cơ hội cho sự nghiệp chính trị của Nguyễn Hữu Chỉnh kết thúc có hậu, nhưng sử sách cũng kịp ghi nhận ông là một vị tướng giỏi, có tính cách “tự do”, ít chịu ràng buộc.
Theo ông Nguyễn Hữu Thuông, truyền thống khoa bảng vùng này còn được biết đến với cụ Trương Văn Khang đậu Tam trường, cụ Lê Kế Thương đậu cử nhân, cụ Lê Kế Xuân cùng là người làng Xuân Hải - được nhà vua phong sắc Hàn lâm, cụ Hoàng Đức Doan người làng Xuân Dương... cùng nhiều tên tuổi khác. Cũng như ở đất này, nhiều di tích tín ngưỡng đậm nét một vùng văn hiến được biết đến như Đền Thánh Khổng Tử, Đền Văn Bằng, Đền Xuân Dương, Đền Nam Sơn, Đền Đông Hải... Đến thời Pháp thuộc, đây cũng là nơi có trường Sơ học hàng tổng Đặng Xá.
Sau cách mạng, đây tiếp tục là một trong những nơi xuất hiện các cấp học đầu tiên cho đến khi đầy đủ các bậc học. Đến nay vùng này vẫn được coi là đỗ đạt và thành đạt, có học hàm học vị cao, có sỹ quan cao cấp của lực lượng vũ trang. Ngay như làng Xuân Lộc và Xuân Giang cách nhau chỉ mấy nóc nhà cạnh bờ sông Lam, nhưng cùng lúc vừa có bộ trưởng và thứ trưởng: ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trước đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính, người làng Xuân Lộc; ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người làng Xuân Dương...
Đi trong gió biển và mưa bụi mùa Xuân rây phủ, mùi chượp mắm nhà ai còn gợi nhớ những tấm áo ngâm nước mắm phơi khô để dễ bề vượt qua tai mắt của giặc, đem vị mặn đến cho nghĩa binh của cụ Phan Đình Phùng khi bị giặc cấm vận ráo riết. Đâu đây còn như nghe cả tiếng thơ bi hùng của Đầu xứ Thái (Hoàng Phan Thái) - một danh tướng thời Tự Đức, trước khi bị hành hình vì tội hưởng ứng phong trào “Đánh cả triều lẫn Tây”: “Ba hồi trống giục thây cha kiếp/ Một lát gươm đưa đéo mẹ đời!”. Ngọn lửa yêu nước ở mảnh đất “địa đầu” này chưa bao giờ tắt, hơn thế còn bùng lên thành cái nôi cách mạng từ khi có Đảng.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dù là túi bom ác liệt phía hậu phương nhưng vùng cửa biển sông Lam vẫn tiên phong đóng góp sức người sức của với tiền tuyến. Mới đây nhất, ngày 14/12/2014 Nghi Xuân đã tổ chức đón nhận xã đạt chuẩn quốc gia về Nông thôn mới đầu tiên của Nghi Lộc. Về điểm này, như cụ Nguyễn Hữu Thuông nói “thực ra vùng này làm nông thôn mới từ lâu lắm rồi”. Quả không hổ là vùng đất luôn tiên phong “nơi đầu sóng ngọn gió”, và cũng giỏi giang trong kiến thiết dựng xây.
Những ngày này, khi Trung Quốc đang xây dựng đảo trái phép ở Trường Sa, chuyện dân ta thuở trước thờ cha con Vương Bột cũng gợi lên nhiều điều đáng để suy nghĩ trong cách ứng xử. Tôi lại nhớ lời thoại nhân vật Mai Thúc Loan đối đáp với Vương Bột trong vở Mai Hắc Đế: Con người thi nhân Vương Bột trong thơ “mang niềm khát sống, một tâm thức tha thiết với con người”, đó là điều đáng yêu. Còn những quan lại Đại Đường thực hiện chính sách đô hộ, hà hiếp dân An Nam, thì người An Nam quyết không bao giờ dung thứ. Chi tiết đó và cảm xúc khi đi vào vùng đất mở, điều đọng lại trong tôi là ngay từ thuở trước các bậc tiền nhân đã vừa hội nhập vừa phải đấu tranh, đó là hai mặt vẫn luôn đan cài, song hành và xen kẽ với nhau. Phải chăng, đó cũng là xu hướng vận động cần cho mọi vùng quê?
Ngô Kiên