(Baonghean) - Yêu nghệ thuật nhiếp ảnh đến mức 5 năm lao động ở Tiệp Khắc (cũ) chỉ lo sắm sanh và đưa về nước một bộ đồ làm nghề ảnh. Rồi xin chuyển khỏi công việc cũ để dành trọn thời giờ theo nghiệp cầm máy. Từ đó, Hồ Các cần mẫn, miệt mài lao động ở lĩnh vực nhiếp ảnh và để lại dấu ấn về những khoảnh khắc bình dị của làng quê, của cuộc sống lao động nơi thôn dã…
Hạnh phúc người cầm máy
Về huyện lúa Yên Thành, đi dọc Tỉnh lộ 538, cách núi Gám không xa là hiệu ảnh nhỏ của nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Hồ Các. Hiệu ảnh đó gắn bó và gần gũi với con em trong vùng đến độ nhiều gia đình trước đây từng chụp ảnh cưới của cha mẹ, và đời con cái lại đến đây ghi lại khoảnh khắc ngày vui trong đời. Ấy vậy mà hiệu ảnh đó vẫn giữ dáng dấp bình dị, quy mô vừa phải, dù không mấy khi ông chủ hết việc… Bởi lẽ, hễ rảnh rỗi là Hồ Các lại lang thang đi săn tìm những góc ảnh nghệ thuật, đôi khi còn kiếm cớ “trốn việc nhà” để theo những cuộc rong ruổi dài. Văn nghệ sỹ ở Yên Thành thường đùa nhau: “Muốn con em mình sau này giàu thì khó, còn nghèo đi thì rất dễ, chỉ việc sắm cho nó một cái máy ảnh”. Ấy là họ muốn “nhắc yêu” đến chuyện của “tay máy” Hồ Các, chỉ vì đam mê cầm máy và đi tìm khoảnh khắc đẹp mà đã “nướng” nhiều sản nghiệp vào phương tiện làm nghề ảnh, đánh đổi cả cơ hội việc làm tốt hơn để theo nghề ảnh. Đó cũng là chuyện đáng nhớ của thời kỳ hoạt động nhiếp ảnh chưa ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, muốn chụp ảnh phải mua từng cuộn phim, phải tráng rửa phim với công nghệ buồng tối, rất kỳ công và tốn kém!
NSNA Hồ Các sinh 1957, ở làng Thanh Minh, xã Bắc Thành (Yên Thành), một vùng sơn thủy hữu tình. Thời trẻ đi học hạ sỹ quan cảnh sát, vào ngành cảnh sát một thời gian thì đi lao động xuất khẩu ở Tiệp Khắc từ năm 1981. Trong suốt gần 5 năm ở Tiệp Khắc, Hồ Các được người bạn làm ở Đài Truyền hình Praha truyền cho niềm đam mê chụp ảnh và dường như tất cả các ngày cuối tuần Hồ Các đều dành trọn cho đam mê này. Đến khi sắp về nước, số tiền dành dụm sau 5 năm lao động ở Tiệp Khắc được Hồ Các dành phần lớn để mua máy ảnh, máy phóng ảnh và các phương tiện làm ảnh. Trị giá bộ đồ làm ảnh lúc đó tương đương một chiếc xe máy S51-Simson – có thể coi là một gia tài mà lúc bấy giờ những người đi Đông Âu mang về. Về nước, Hồ Các chuyển công tác về Công ty Nhiếp ảnh của tỉnh, trực tiếp làm việc tại hiệu ảnh Yên Thành. Từ đó, vừa phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, vừa chụp ảnh dịch vụ, vừa đi tìm những khoảnh khắc ảnh nghệ thuật. Những việc này với không ít người là khó hiểu, lạ đời, nhưng với Hồ Các thì rất đơn giản: được làm việc mà mình yêu thích là điều hạnh phúc!
Từ những bức ảnh nghệ thuật và báo chí gửi đăng ở các báo, các cuộc thi, cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, Hồ Các sớm trở thành hội viên của Ban ảnh nghệ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật Nghệ An. “Làng ảnh” nghệ thuật – báo chí Nghệ An có thêm một thành viên luôn nhiệt huyết với những chuyến thực tế sáng tác, tích cực tham gia các sinh hoạt nghề nghiệp do đồng nghiệp và Hội VHNT tổ chức. Nghệ sỹ Văn Hoành, nguyên Trưởng ban ảnh Hội VHNT Nghệ An nhận xét: Hồ Các là một tay máy chuyên nghiệp hoạt động lặng lẽ mà bền bỉ, ở anh luôn cần mẫn với công việc, hồn hậu với bạn bè đồng nghiệp, ở đâu và lúc nào cũng đằm thắm một tình yêu sâu nặng với nghề ảnh, với quê hương.
Nghệ sỹ của làng quê
Không mạnh về cá tính sáng tạo, Hồ Các không có tham vọng tìm kiếm những đột phá, cách tân trong thủ pháp nghệ thuật, ông chọn cho mình con đường lặng lẽ, miệt mài “thâm canh” với đề tài tình yêu đồng ruộng làng quê nơi ông một đời gắn bó sâu nặng. Hình như, điều đó cũng phù hợp với con người hiền lành, nhuần nhụy, hồn hậu đậm chất quê mùa trong ông. Hồ Các tâm sự, vẻ đẹp làng quê nông thôn trung bộ từ tuổi ấu thơ đã trở thành niềm cảm hứng khôn nguôi để ông mải mê tìm kiếm. Cái đẹp làm say lòng ông không phải những gì đến từ xứ lạ, phương xa, mà tồn tại ngay xung quanh môi trường sống hàng ngày. Những cảnh đời vốn rất đỗi bình dị, mộc mạc, nhưng lại rất khó nắm bắt, chuyển tải và lưu lại dấu ấn riêng. Vì thế, việc tìm kiếm những khoảnh khắc về làng mạc, đồng quê, đời sống lao động ở nông thôn vẫn chưa bao giờ ngừng thôi thúc ông đi và bấm máy.
Quả vậy, ngay từ cách đặt tên cho những “đứa con tinh thần” – tác phẩm của Hồ Các cũng đượm vẻ quê như: Giếng quê, Mục đồng, Trăng non đầu tháng… Ngay cả khi Hồ Các phản ánh đời sống lao động, thì hiện thực trong tác phẩm của ông vẫn là đời sống của bà con lao động ở các làng nghề vùng nông thôn như: Nghề làm miến gạo; Được vụ cá Nam; Chạy mưa trên đồng muối…
Ảnh của Hồ Các thường gợi nét đẹp thuần phác, chân thực nhưng vẫn đượm màu cổ kính, hoài niệm. Bức Giếng quê (Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc 2006) chụp giếng làng Giai (xã Phúc Thành, Yên Thành), tâm điểm là mặt nước giếng làng soi bóng bầu trời, soi bóng cả cuộc sống làng quê tưởng như nghìn năm xưa vẫn vậy, trong đó, hình ảnh cô gái làng mặc áo đỏ đang múc nước là một nét chấm phá tươi tắn, mới lạ. Ống kính góc rộng diễn tả thành giếng tròn như muốn mở ra để ôm thâu, hội tụ hồn vía của làng,… Những chấm xanh của cành dương xỉ mọc trên những phiến đá hoen rêu trong thành giếng sâu như muốn hòa vào màu xanh trải rộng trên bề mặt cánh đồng làng, khơi gợi cảm thức hòa trộn về thời gian và không gian, làm cho giếng làng trở thành điểm giao thoa giữa xưa và nay… Thực là một vẻ quê giàu tính hiện thực nhưng vẫn đầy sức gợi.
Bức ảnh Anh về ngày chủ nhật (Triển lãm Ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung), miêu tả cảnh gieo mạ trên đồng Hoa Mười, xã Bắc Thành (Yên Thành). Việc chọn góc chụp ngược sáng tạo nên chủ ý dùng thủ pháp công sáng để diễn tả ánh nắng chiều tà chiếu xuống ruộng mạ đẫm nước và thóc giống mới nảy mầm, tạo nên màu thẫm đỏ của ráng chiều rực sáng sau bàn tay gieo trỉa vun trồng. Bức ảnh có ánh sáng ấm, diễn tả cảnh người chồng trở về tham gia công việc đồng áng cùng vợ, vừa diễn tả sự vất vả, lam lũ của người dân thôn quê, vừa hàm chứa triết lý niềm vui, hạnh phúc luôn nảy nở trong sự sẻ chia và trong tình yêu lao động.
Những bức ảnh chân thực, giản dị nhưng đằm thắm tình yêu quê hương xứ sở đã để lại dấu ấn phong cách trữ tình hồn hậu, mộc mạc chân quê của Hồ Các tại các triển lãm ảnh nghệ thuật. Chính những bức ảnh về đồng quê và đời sống lao động tại các làng nghề cũng đã đem lại cho Hồ Các Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2005 - 2010. Đồng thời, nhiều tác phẩm của ông được lựa chọn để tham dự Cuộc thi ảnh về môi trường “Biến đổi khí hậu tác động đến cuộc sống của chúng ta” do Hội Nghệ sỹ nghiếp ảnh Việt Nam và EUROPEAN UNION tổ chức.
Một sáng tác mới của Hồ Các đang được giới nhiếp ảnh quan tâm là bức về đề tài thiên thiên có tên Mùa hoa dẻ, ra đời đầu tháng 10/2014, tác giả ghi lại vào một buổi sáng giao mùa – giữa mùa Thu và mùa Đông, khu rừng dẻ ở Rú Cấm, đập Trại Xanh, xã Bắc Thành. Mùa hoa dẻ là bức ảnh phong cảnh sơn thủy hữu tình – một đề tài truyền thống của hội họa cổ điển, nhưng đây lại là khoảnh khắc tác giả ghi lại một cách trung thực, sinh động vẻ đẹp cảnh vật thiên nhiên non nước tưởng như đang độ viên mãn, với sự xuất hiện những hình ảnh mang giá trị biểu cảm rất mới. Trên cái nền màu xanh thăm thẳm, mùa hoa dẻ nở rộ làm sáng cả cánh rừng và soi bóng xuống mặt nước hồ thu trong trẻo, tĩnh lặng, bỗng xuất hiện đôi ngỗng đang vỗ cánh bay trên mặt nước, lao ra ở giữa thành tâm cảnh. Hồ Các cho biết, đây là khoảnh khắc trời cho mà ông cùng đứa con gái đã lặn lội săn tìm, chờ đợi nhiều ngày mới có được. Khổ công “rình rập” khoảnh khắc đẹp của động dẻ quê nhà được đền đáp bằng cảnh đôi ngỗng vung cánh lướt bay trên hồ. Đôi cánh ngỗng bay lướt về phía khu rừng dẻ đẹp lung linh, như chính loài vật cũng không “cầm lòng” được trước sức mạnh vẫy gọi của vẻ đẹp tự nhiên. Đó cũng chính là đôi cánh chở đầy ước vọng tìm về, trở về, với vẻ đẹp tự nhiên, với môi trường tự nhiên trong trẻo, với nguồn cội ban sơ…
Chọn cho mình một lối đi lặng lẽ, nuôi giữ trong lòng một tình quê đậm đà lớn dần theo năm tháng, Hồ Các đã góp phần làm cho hình ảnh làng quê thôn dã nơi ông sinh sống và đi qua trở nên đáng yêu hơn, đẹp hơn sau mỗi khoảnh khắc bấm máy. Những bức hình tuy giản dị, mộc mạc, trong đó hàm chứa thứ ngôn ngữ có sức khơi gọi tình yêu quê hương, tình yêu thiên nhiên, đất nước không kém phần mãnh liệt. Với Hồ Các, ông coi đó vừa là sứ mệnh, vừa là niềm hạnh phúc khó có gì đánh đổi, thật đáng trân trọng!
Ngô Kiên