Ghé thăm nhà ông Trần Hoài Nam, xóm 4 người có số lượng hồng nhiều bậc nhất trên địa bàn xã Nam Anh, những cây hồng tại khu vườn ông Nam trơ trụi, thậm chí một số cây chỉ có lác đác vài ba quả.
Ông Nam xót xa: "Nhà tôi có 120 gốc hồng lâu năm, mỗi năm cho thu hoạch từ 3 - 4 tấn quả, là cây trồng nuôi sống cả gia đình bao năm qua. Tuy nhiên, năm nay hồng mất mùa nghiêm trọng, thời điểm hiện tại gia đình mới thu hoạch được 2 tạ, sản lượng giảm đến 70% so với các năm trước...".
Không chỉ gia đình ông Nam mà đó cũng là tình cảnh chung của gần 1.000 hộ dân có hồng tại xã Nam Anh. Theo bà con cho biết, năm nay hồng toàn xã bị giảm sản lượng đáng kể, thậm chí có cây năm ngoái thu hoạch được từ 1 - 2 tạ quả thì nay chỉ được tối đa 1 yến.
Không những thế, những quả hồng có thể thu hoạch được cũng không đạt chất lượng như các năm trước. Hầu hết hồng năm nay có kích thước quả nhỏ, vị ngọt nhạt. Một số quả còn bị côn trùng chích dẫn đến bị thối trên cây, không thể thu hoạch được.
Theo người dân cho biết, nguyên nhân khiến hồng mất mùa nặng nhất trong nhiều năm trở lại đây chủ yếu là do thời tiết. Đầu năm nay, lượng mưa xuân nhiều đã khiến cho cây hồng ra hoa kém, sau đó, từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay lại diễn ra hạn hán trên diện rộng, không có mưa nên đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây hồng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một số loại động vật như chim, côn trùng... chích dẫn đến nhiều quả dù chưa đến kỳ thu hoạch đã bị chết héo, hư thối trên cây.
Điều an ủi lớn nhất lúc này đối với bà con trồng hồng lúc này là giá hồng đã tăng lên gần gấp đôi so với các năm trước. Nếu như năm 2019, hồng có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg thì nay đã lên đến 35.000 đồng/kg.
Toàn xã có khoảng 80 ha hồng, trồng đều khắp các xóm, trong đó tập trung nhiều nhất tại triền núi Đại Huệ. Dù là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, được nhiều người biết đến, tuy nhiên hồng năm nay mất mùa. Nếu như các năm trước, sản lượng toàn xã ước đạt 700 tấn hồng thì nay chỉ khoảng hơn 100 tấn. Việc cứu chữa hồng cũng rất khó khăn vì hầu hết đây là những gốc hồng tự nhiên, có tuổi đời lâu năm nên sức đề kháng cũng đã yếu dần theo thời gian.
Hiện địa phương đang tham khảo các chuyên gia thực vật để có thể tìm ra phương pháp cứu chữa được vườn hồng, bên cạnh đó, một số hộ đã đầu tư máy móc để chế biến sâu, giúp làm tăng giá trị của hồng, tránh tình trạng thua lỗ trước việc sản lượng hồng ngày càng giảm sút./.