Toàn tỉnh tiêu hủy 1.244 con lợn
Trong tháng 9 này, huyện Hưng Nguyên hầu như ngày nào cũng tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong khi giá lợn đang ở mức cao, thì dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn đối với người dân.
bna_rac_voi_11066472_2992020.jpgBà Nguyễn Thị Hoàn ở xóm 1, xã Hưng Nghĩa (Hưng nguyên) thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất để phòng bệnh cho đàn lợn của gia đình. Ảnh: Xuân Hoàng

Xã Hưng Nghĩa là địa phương có số lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất huyện tại thời điểm này. Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nghĩa cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn xã từ ngày 11/9. Đến ngày 28/9, toàn xã đã buộc phải tiêu hủy 55 con lợn, tổng trọng lượng 4,3 tấn.

Hiện nay, các hộ chăn nuôi lợn đang tích cực phòng dịch bằng mọi cách: Rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng hàng ngày, chuồng trại được che chắn kín, tuyệt đối không cho người ngoài vào. 
Cùng đó, xã tiếp nhận 60 lít hóa chất, cấp cho các hộ dân tự phun; trích ngân sách mua vật tư phục vụ công tác tiêu hủy lợn.
Trong đợt dịch tái bùng phát này, Nghệ An đã tiêu hủy 1.244 con lợn. Ảnh: Quang An

Trong đợt tái phát dịch lần này, tính đến ngày 28/9, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đang có 8 xã chưa qua 21 ngày dịch, gồm: Hưng Nghĩa, Hưng Mỹ, Xuân Lam, Hưng Trung, thị trấn, Hưng Yên Bắc, Hưng Thông và Hưng Đạo; với 51 hộ có lợn bị nhiễm dịch; tổng số lợn bị tiêu hủy 200 con, tổng trọng lượng trên 13 tấn.

Ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: Trong đợt dịch tái bùng phát này, huyện đã cấp gần 400 lít hóa chất cho 14 xã, thị trấn tổ chức phun khử trùng tiêu độc.

Khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch là các xã không có cán bộ thú y, nên khi có lợn bị bệnh, người chăn nuôi không biết bệnh gì. Việc lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm trước đây do cán bộ thú y xã thực hiện, thì nay do thú y huyện đảm nhiệm, trong khi đó đội ngũ thú y huyện mỏng, nên không kịp thời".

Ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 28/9, trên địa bàn Nghệ An đang có 37 xã của 12 huyện chưa qua 21 ngày dịch. Bao gồm các huyện: Kỳ Sơn 3 xã; Nghi Lộc 7 xã; Quế Phong 5 xã; Hưng Nguyên 8 xã; Thành phố Vinh 3 phường, xã; Tương Dương 3 xã; Anh Sơn 3 xã; các huyện: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Con Cuông, mỗi huyện có 1 xã. Tổng số lợn đã tiêu hủy 1.244 con.
Vì sao dịch tái bùng phát?
Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nghĩa cho rằng: Trong số 13 hộ có lợn vừa bị nhiễm dịch thì phần nhiều là tái phát sau đợt dịch của năm 2019. Do giá lợn đang cao, nên khi lợn bị ốm, các hộ dân cố chữa trị, đến khi lợn chết mới khai báo, nên mầm bệnh ủ lâu trong chuồng trại, phát tán ra bên ngoài.
Cơ quan chuyên môn và chính quyền xã Hưng Nghĩa (Hưng Nguyên) tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang An

Một cán bộ thú y của huyện Hưng Nguyênchia sẻ, đa phần số lợn bị bệnh do người dân báo lên, chúng tôi đến lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đã chết. 

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng: Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, là do mầm bệnh lưu hành rộng rãi trong đàn vật nuôi và trong môi trường chăn nuôi. Giá lợn đang cao nên khi lợn bị bệnh, người dân không khai báo cho chính quyền địa phương mà bán chạy, hoặc tự giết mổ lợn bệnh chia nhau thịt về sử dụng, làm mầm bệnh lây lan khó kiểm soát. Một số hộ tự ý tái đàn khi chưa đảm bảo về điều kiện vệ sinh phòng bệnh; tận dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý cho lợn ăn.
Do thời tiết phức tạp, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường... gặp thời tiết bất lợi cho vật nuôi, dịch bệnh sẽ bùng phát và lây lan. Cùng đó, đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh theo quy định, nên không có miễn dịch đối với các bệnh khác.
Khi huyện Quế Phong tái phát dịch trở lại, UBND huyện chỉ đạo các xã lập chốt kiểm soát dịch trên các trục đường chính. Ảnh: Quang An

"Trên địa bàn tỉnh, nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn, không áp dụng đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trong khi đó hiện đang giai đoạn thời tiết chuyển mùa, tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại, phát tán. Trong khi đó, hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật tại nhiều địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ... Vì vậy, trong thời gian tới nguy cơ các loại dịch bệnh, trong đó bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan, phát tán rất cao" - ông Ngô Đức Quỳnh khuyến cáo.