(Baonghean) - Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Bảy các tăng ni phật tử lại đến chùa đi lễ. Đặc biệt hơn các ngày rằm khác trong năm, Rằm tháng Bảy còn được gọi là Ngày Vu Lan, ngày truyền thống báo hiếu.
Lễ Vu Lan được nhân dân ta nhìn nhận là ngày lễ hội văn hóa tình người nên ngày này còn có ý nghĩa nhân văn thiêng liêng với tên gọi Xá tội vong nhân với ý nghĩa gắn liền sự kết nối yêu thương giữa tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu…Như vậy, Vu Lan là ngày chúng ta hướng về cội nguồn với tấm lòng hiếu hạnh, tri ân. Cội rễ của Lễ Vu Lan xuất phát từ tình người, như lời Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Vào ngày Lễ Vu Lan báo hiếu, các chùa lớn ở Nghệ An như Cần Linh, Hồng Sơn, Hoàng Mười…thường tấp nập các tín đồ đến dâng lễ báo hiếu, tổ chức ăn chay, cài hoa hồng, nghe thuyết giảng về lòng từ bi, yêu thương mọi loài, trân trọng cuộc sống…
Với những ý nghĩa thiêng liêng ấy, Vu Lan đã thật sự đi vào đời sống tâm linh người dân Việt Nam. Giá trị lớn nhất của Lễ Vu Lan là xây dựng được hiếu đạo - một thái độ sống, một nếp sống đẹp trong suốt cả một năm. Đó mới đúng với ý nghĩa Vu Lan trọn năm, Vu Lan miên viễn, Vu Lan đến trong từng ngày, từng giờ với những người con hiếu thảo !
Phan Tú