Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) vừa phát hiện và công bố thêm một tờ châu bản triều Nguyễn thể hiện việc thực thi chủ quyền liên tục của VN trên quần đảo Hoàng Sa.
 
Thưởng công cho người Pháp 
 

762851_small_51002.jpgNhà nghiên cứu Phan Thuận An bàn giao tờ châu bản liên quan đến việc thực thi chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Tờ châu bản mới phát hiện đề ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13, tức ngày 3.2.1939, được đánh máy trên một mặt của tờ giấy cỡ 21,5 x 31 cm, bằng chữ Quốc ngữ. Điểm đặc biệt là bên cạnh tờ châu bản này còn có văn thư của Khâm sứ Trung kỳ bằng tiếng Pháp đính kèm, trình lên Nam triều.
 
Nội dung của tờ châu bản này cho biết, vào ngày 2.2.1939, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, giữ chức Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa, trong quá trình công tác đã bị sốt rét, được đưa về điều trị tại Nhà thương lớn ở Huế (nay là Bệnh viện Trung ương Huế) nhưng đã qua đời.
 
Sau khi nhận được văn thư này, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh giao cho quan chức dưới quyền trực tiếp của mình là Thương tá Trần Đình Tùng trách nhiệm sao y nguyên văn một bản để đính kèm vào tờ phiến đệ trình lên nhà vua. Ngay sau khi Tổng lý Ngự tiền văn phòng tâu lên, ngày 3.2.1939, vua Bảo Đại đã “ngự phê” hai chữ “Chuẩn y” và ký tắt hai chữ “BĐ” (Bảo Đại) bằng chữ viết màu đỏ.
 
Theo ông Phan Thuận An, văn bản này có giá trị đặc biệt bởi Louis Fontan là người Pháp, nhưng vì đã bất chấp gian khổ và hiểm nguy để giữ gìn đảo Hoàng Sa cho VN, cho nên Nam triều đã đánh giá cao công lao của ông ngay sau khi ông ta vừa qua đời.
 
Tờ châu bản này khẳng định thêm một lần nữa là trước khi diễn ra thế chiến thứ hai và quân đội Nhật tấn công, xâm chiếm vùng châu Á - Thái Bình Dương, quần đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của VN. Và sau khi thế chiến thứ hai kết thúc thì Hoàng Sa vẫn trở lại thuộc chủ quyền của nước ta như cũ.
 
Liên tục thực thi chủ quyền
 
Trước đó, ngày 26.6.2009, tại UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cũng bàn giao tờ châu bản liên quan đến việc thực thi chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa cho ông Vũ Anh Dũng, Phó vụ trưởng - Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, trước sự chứng kiến của Bộ Công an và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế.
 
Tờ châu bản trước đó được ghi ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (tức 15.2.1939) đánh máy bằng chữ Quốc ngữ, cỡ 21,5x31 cm, do quan Đổng lý Ngự tiền văn phòng thời đó là Phạm Quỳnh tấu lên. Sau khi xem xét vua Bảo Đại phê chuẩn hai chữ “Chuẩn y” với bút phê màu đỏ và chữ ký BĐ (Bảo Đại). Nội dung của tờ châu bản là: Vào ngày 10.2.1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong việc “lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”.
 
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết, ngôi nhà mà ông đang ở tại 31 Nguyễn Chí Thanh, TP Huế chính là phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định, cô ruột vua Bảo Đại). Chồng của công chúa Ngọc Sơn là phò mã Nguyễn Hữu Tiễn, giữ chức Trung quân đô thống của triều Nguyễn (1885-1958) và bố ông là Nguyễn Hữu Thảng, giữ chức Đông các Đại học sĩ. Đây cũng là một trong những địa chỉ còn lưu giữ nhiều tư liệu quý của triều Nguyễn, do đời trước các thế hệ cha ông đã cất công sưu tầm và bí mật lưu giữ trước những biến cố của lịch sử. Tờ châu bản được ông tìm thấy trong thư viện gia đình chính là một trong những văn bản quan trọng đó.
 
Châu bản là loại văn bản pháp quy của triều Nguyễn do văn phòng nhà vua (từ thời Minh Mạng gọi là Nội các đến thời Bảo Đại gọi là Ngự tiền văn phòng) soạn thảo và trình tấu lên để nhà vua phê chuẩn. Các châu bản sau khi được vua phê chuẩn sẽ được Ngự tiền văn phòng sao chép ra để gửi đi thi hành, riêng bản chính được lưu trữ ở tòa nhà Đông Các, tức thư viện của hoàng gia trong Tử Cấm thành.
 
Hai tờ châu bản do nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm thấy trong tủ sách gia đình đều là bản chính có giá trị pháp lý về mặt quốc gia đối với chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Theo Thanh niên