Từ năm 2000, vợ chồng anh Hợi khai hoang hơn 1ha đất đồi dưới chân Pù Câng để đưa vào thử nghiệm nhiều loại cây trồng như mía, sắn, ngô, nhưng hiệu quả không cao.
Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi, năm 2010 anh chị mạnh dạn trồng thử nghiệm 20 gốc cam Xã Đoài. Những ngày đầu chẳng mấy ai tin rằng anh chị sẽ thành công, bởi cả vùng Quế Sơn chưa ai dám trồng loại cây khó tính này.
Anh Hợi đã dày công đi tìm hiểu thực tế, học tập kinh nghiệp, mời một số chủ vườn cam ở ở các huyện khác đến tư vấn thêm về cách lựa chọn cây giống, cách chăm sóc... và khoan giếng tìm mạch nước ngầm.
Hành trình tìm nguồn nước được xem là gian nan nhất bởi dù khoan qua hàng chục lớp đất đá, nước vẫn nhiễm phèn. Cho tới độ sâu 45m, nguồn nước mới tạm ổn. Để yên tâm, anh chị liền mang mẫu về xuôi để nhờ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng của tỉnh kiểm tra. Đến khi nhận được kết quả khả quan, hai vợ chồng mới thở phào nhẹ nhõm.
Rồi đất không phụ lòng người, sau khoảng thời gian dài thấp thỏm, lứa quả đầu tiên phát triển mọng nước. Đến năm 2014, vợ chồng anh Hợi quyết định mở rộng quy mô trang trại lên 400 gốc cam Xã Đoài và quýt PQ với tổng chi phí đầu tư lên đến 200 triệu đồng.
Anh Hợi chia sẻ, cái khó của cây quýt đường là rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh vàng lá rất khó chữa trị nên phải chăm sóc tỉ mỉ. Theo đó, anh phải phối hợp với 1 kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm trồng trọt để chăm sóc và phòng bệnh.
Điều đặc biệt, cả vườn cây ăn quả rộng là vậy nhưng gia đình không cần dùng tới thuốc bảo vệ thực vật, bởi mỗi khi bị sâu bệnh thì những bài thuốc từ kỹ thuật viên hướng dẫn được pha chế từ những nguyên liệu tự nhiên như vôi, tỏi, ớt phát huy tác dụng tuyệt đối.