(Baonghean) -Gần 30 năm trước, bằng sức trẻ và khát vọng chinh phục những vùng đất mới, các đội viên thanh niên xung phong đã biến những vùng đồi hoang hoá, những vùng rừng thiêng nước độc thành những vùng kinh tế mới đầy tiềm năng.
Sự ra đời của các lực lượng TNXP- XDKT có sức cổ vũ, lan tỏa rộng lớn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động trẻ; tạo sự ổn định về ANQP, xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ rừng ở khu vực khó khăn, biên giới. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành sứ mệnh của những người mở đường, các tổng đội TNXP-XDKT đứng trước đòi hỏi phải có sự chuyển đổi, sắp xếp lại theo những hướng đi phù hợp.
Tổng đội TNXP-XDKT 1 được thành lập năm 1986, “đại bản doanh” đóng trên địa bàn xã Long Sơn (Anh Sơn). Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của TNXP Nghệ An trong thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới và được xem là “anh cả” của lực lượng TNXP- XDKT. Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm vùng kinh tế trù phú với những triền chè uốn lượn, hồi tưởng lại những ngày đầu gian khổ mới lên khai hoang, mở đất nơi rừng thiêng, nước độc, anh Phạm Văn Loan- Tổng đội trưởng bùi ngùi chia sẻ: “Ngày đầu thành lập, tổng đội có 22 đội viên với diện tích đất 500 ha thuộc địa bàn 3 xã Long Sơn, Cao Sơn và Khai Sơn với những vạt đồi trọc đầy cây dại, lắm sên vắt, không điện, không đường, không trường, không trạm, nhiều người “e ngại”.
Thế nhưng với niềm tin “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” và tinh thần “đâu khó có thanh niên”, cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã ngày đêm đội nắng, đội gió, lao động miệt mài trên các triền đồi để đánh thức tiềm năng đất đai. Đất mở đến đâu họ dựng nhà cửa và thành lập xóm dân cư đến đó. Khai thác được diện tích nào, tổng đội huy động các đội viên đưa các giống cây vào trồng và chăm sóc. Đến nay, diện tích đất thuộc Tổng đội 1 quản lý đã lên đến 2.500 ha, với số lượng đội viên 500 người. Thế mạnh của Tổng đội 1 là cây chè và cây sắn nguyên liệu.
Mặc dầu là mô hình mới, chưa có trong tiền lệ, thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn miền núi vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhưng với cách làm sáng tạo và quyết tâm cao, Tổng đội TNXP 1 - XDKT đã sớm khẳng định được bước đi phù hợp, biến vùng đất Bàu Đung hoang vu trở thành một vùng kinh tế mới trù phú. Thành công ban đầu đó đã tạo tiền đề để lực lượng TNXP phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau khi có Chỉ thị 04 CT/TU ngày 4/9/1996 của BTV Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo TNXP – XDKT, đã có 10 Tổng đội TNXP ra đời, hoạt động trên hầu hết các địa bàn khó khăn của tỉnh.
Các tổng đội đã khai thác, đưa vào sử dụng có hiệu quả các vùng đồi núi hoang vu, góp phần hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến của tỉnh như chè, dứa, sắn, mía.. . Ngoài các cây chủ lực, các tổng đội còn tập trung trồng các loại cây ăn quả, các loại rau màu và thực hiện tốt chương trình phát triển rừng, bảo vệ và trồng rừng trên địa bàn (đạt 40.939 ha). Mỗi Tổng đội TNXP - XDKT đã trở thành một trung tâm khuyến nông - khuyến lâm, sản xuất giống đảm bảo chất lượng, bao tiêu sản phẩm kịp thời; tuyên truyền, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho tổng đội và vùng phụ cận, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Các Tổng đội TNXP – XDKT cũng là nơi thu hút, huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống. Đây là hình thức đầu tư tập trung có hiệu quả để xây dựng mô hình sản xuất lớn, có ý nghĩa giới thiệu, giáo dục trực quan cho đồng bào miền núi, tạo điều kiện và động lực phát triển nhanh và bền vững cho khu vực, góp phần vào việc phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều tổng đội đã mạnh dạn đầu tư và đưa giống cây, con mới vào nuôi trồng, tạo ra các sản phẩm có chất lượng trở thành thương hiệu riêng được nhiều người ưa thích...
Anh Lầu Bá Mai, người Mông đầu tiên làm cán bộ Tổng đội TNXP 8 (Huồi Tụ - Kỳ Sơn).
Ngược miền Tây xứ Nghệ lên với vùng đất Huồi Tụ (Kỳ Sơn) nơi đứng chân của Tổng đội TNXP 8, mới thấy hết ý nghĩa những việc mà tổng đội đã làm để giúp đồng bào dân tộc Mông ở Kỳ Sơn xóa đói, giảm nghèo. Thành công lớn nhất là Tổng đội 8 đã xây dựng và tạo nên thương hiệu chè Tuyết Shan nổi tiếng khắp cả nước. Ngày đầu mới lên nhận nhiệm vụ ở vùng đất trên độ cao 1.200m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ nhưng địa hình dốc, lại thiếu nước triền miên, trồng cây gì ở vùng đất này để đồng bào Mông thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, không di cư trái phép là một câu hỏi lớn đối với cán bộ, đội viên tổng đội? Thế rồi, sau nhiều lần lặn lội vào Nm, ra Bắc, Tổng đội trưởng TNXP 8 lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hồ Lâm (nay là Phó Chánh văn phòng chuyên trách xây dựng nông thôn mới) cũng tìm được loại cây có tiềm năng phát triển nơi vùng đất này, đó chính là chè Tuyết Shan được lấy giống từ vùng núi cao Hà Giang.
Tìm được loại cây phù hợp đã khó nhưng làm sao trồng thử nghiệm thành công từ đó vận động bà con người mông tin và làm theo, lại càng khó hơn. Sự quyết tâm và nhiệt huyết của những người “đứng mũi chịu sào” như Tổng đội trưởng Nguyễn Hồ Lâm tiếp đến là Nguyễn Trọng Cảnh, Nguyễn Quang Trạch cộng với sự ủng hộ của tỉnh, của huyện Kỳ Sơn và cả những người con Huồi Tụ như ông Vừ Dua Tồng - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ thời ấy và Vừ Chống Dìa - Chủ tịch bây giờ, đã khiến anh em cán bộ vững tin hơn vào “sức sống” của chè Tuyết Shan trên mảnh đất Huồi Tụ. Với 25 ha đất vận động bà con người mông nhường lại, cán bộ, đội viên tổng đội bắt tay vào khai hoang, làm đất và trồng cây chè thử nghiệm.
Cây chè phát triển ngày càng tươi tốt. Anh em phấn khởi lắm, nhưng trong mấy năm đầu, bà con chưa theo ngay, vận động mãi cũng chỉ được một vài hộ đồng bào trồng theo. Cán bộ tổng đội ươm giống, chở vào tận nương rẫy, làm đất, cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn đồng bào trồng chè. Đến đầu năm 2005, Tổng đội TNXP 8 bắt đầu có những lứa chè búp đầu tiên, toàn bộ sản phẩm được chế biến tại chỗ. Đến nay, tổng diện tích trồng chè tuyết shan chất lượng cao đã lên tới 450 ha, (trong đó đồng bào Mông trồng được 410 ha, số còn lại do Tổng đội quản lý), diện tích chè kinh doanh là 250 ha, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. 100% chè búp tươi của dân do tổng đội bao tiêu, chế biến tại chỗ.
Để bà con “no cái bụng” yên tâm gắn bó với cây chè, cán bộ tổng đội còn hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây ngắn ngày như rau, đậu các loại; các loại cây ăn quả và phát triển chăn nuôi ở các bản. Hiện nay, ngoài diện tích 1 ha rau màu trái vụ trồng tập trung, tổng đội còn nhân rộng 5 ha tại các bản của đồng bào. Nhờ đó, không chỉ đảm bảo nguồn rau xanh tại chỗ mà còn cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau xanh, trị giá hàng tỷ đồng mỗi năm; diện tích cây ăn quả 3 ha các loại, ước thu nhập 250 triệu đồng mỗi năm. Từ năm 2007, đơn vị còn triển khai trồng thử nghiệm thành công 20.000 cây hoa ly, cho thu nhập 720 triệu đồng và xây dựng mô hình nuôi nhốt tập trung đàn bò lai sind, xóa bỏ tập tục nuôi thả rông của đồng bào.
Cũng chính nơi đây còn phát triển thêm một Làng thanh niên gồm 25 hộ gia đình, chủ yếu là con em đồng bào Mông. Họ được anh em TNXP hướng dẫn cho cách làm ăn, cách tăng gia sản xuất. Đến nay, đời sống đã đi vào ổn định. Nhiều thanh niên người Mông phấn đấu trở thành đảng viên tiên phong, gương mẫu. Đứng trên đồi cao, hướng tầm mắt vào Làng thanh niên Huồi Tụ, đập vào mắt chúng tôi là những nếp nhà mới xinh xắn, khuôn viên sạch sẽ, khang trang, gia đình nào cũng có một mảnh vườn nho nhỏ với nhiều loại rau xanh phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.
Ông Lỳ Tông Cu- một trong 25 hộ của Làng TNLN Huồi Tụ vui vẻ nói: “Nhờ có tổng đội, gia đình tôi không chỉ biết trồng chè mà con phát triển chăn nuôi bò lai sind... mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng”. Còn ông Vừ Giống Dìa - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ phấn khởi: “Ở Huồi Tụ chỉ có cây chè Tuyết Shan là sống khoẻ, cho đồng bào cuộc sống no đủ thôi! Cây chè sống được trên đất này 10 năm rồi, nay Huồi Tụ chỉ còn dưới 58% hộ nghèo, cảm ơn tổng đội đã mang cách nghĩ, cách làm mới đến cho đồng bào mông chúng tôi”.
Anh Nguyễn Văn An (bên phải) - một trong 12 người đầu tiên lên khai hoang ở Tổng đội 8 với mùa thu hoạch bí cho năng suất cao Thành công của mô hình giúp dân làm kinh tế ở Huồi Tụ cũng là tiền đề hình thành Tổng đội 10, với nhiệm vụ hỗ trợ đồng bào Mông khai phá tiềm năng đất đai ở xã Na Ngoi. Với chính sách hỗ trợ 100% tiền giống + 5 triệu đồng/ha, lại được anh em đội viên tổng đội xuống từng hộ hướng dẫn và trực tiếp giúp trồng chè, ký cam kết tiêu thụ hết sản phẩm chè búp tươi, với giá bình quân 6.000 đồng/kg, nay đồng bào Mông ở xã Na Ngoi đã phát triển được gần 120 ha chè Tuyết Shan. Cán bộ đội viên tổng đội và đồng bào Mông đã trở thành người một nhà, nhiều cán bộ được bà con coi như con cháu trong nhà được mang họ của đồng bào như anh Vương Trung Úy- Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp được gọi là Vừ Nành Úy, anh Nguyễn Trọng Cảnh- Tổng đội trưởng mang họ Mông là Vừ Trọng Cảnh…
Từ sự hướng dẫn tận tình “cầm tay chỉ việc” của đội viên, nay đồng bào Mông ở Huồi Tụ, Na Ngoi và cả Mường Lống không chỉ biết trồng chè mà đã phát triển nhiều mô hình xoá đói giảm nghèo như trồng lúa nước, chăn nuôi bò lai sind, gà đen, lợn đen, trồng khoai sọ, bí xanh, gừng và các loại rau màu. Vùng đất Huồi Tụ, Na Ngoi giờ đây đang vươn mình trở thành điểm sáng trong bức tranh xây dựng nông thôn mới ở Kỳ Sơn.
Nhìn vào thực tế gần 30 năm qua, có thể thấy rõ, đối với một tỉnh có diện tích rộng, trên 83% là vùng đồi núi, có 6 đồng bào dân tộc anh em sinh sống (Thái, Thổ, Kh Mú, Mông, Ơ Đu và tộc người Đan lai), với 419 km đường biên, đời sống đồng bào miền núi còn rất nhiều khó khăn, việc xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp, Tổng đội TNXP - XDKT tại các vùng miền núi, biên giới, có vai trò cực kỳ quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, phân bố lại dân cư, đảm bảo sự hợp lý về nguồn nhân lực giữa các vùng trong tỉnh. Với 10 TNXP – XDKT (nay còn 8 tổng đội) phân bố đều tại các huyện miền núi, biên giới đã giải quyết việc làm ổn định, lâu dài cho hơn 2.200 hộ gia đình thanh niên và tạo việc làm cho hàng vạn lao động thời vụ.
Phần lớn thanh niên trước khi gia nhập tổng đội đều chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Nay họ đã ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu, trở thành những triệu phú nông dân. Ghé thăm trang trại các hộ đội viên ở các Tổng đội TNXP2 và TNXP 5 đóng ở các địa bàn khó khăn thuộc huyện Thanh Chương mới thấy ý chí, nghị lực của những người “khai hoang mở đất”. Bên cạnh những đồi chè trải dài, vườn nhà ai cũng có vài chục gốc cam chanh, cam bù, bưởi phúc trạch và vài ha rễ hương. Chuồng trại nhà nào cũng có dăm bảy con trâu, bò, vài chục đến vài trăm con gà, vịt, ao đập đầy cá. Anh Nguyễn Viết Nhẫn - Đội phó đội sản xuất 3/2, một trong những hộ đầu tiên vào khai hoang mở đất ở Tổng đội TNXP2 cho hay, thành quả mà vợ chồng anh dày công gây dựng sau hàng chục năm lao động cần cù, ngoài hơn 300 gốc cam, còn có 5 sào lúa lai, 3 sào ngô, 10 sào chè, 5 ha rừng, 4 con trâu, 100 con gà… mỗi năm thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.
Tại hầu hết các Tổng đội TNXP-XDKT, các hộ đội viên làm ra sản phẩm và được hưởng lợi từ chính sản phẩm do mình làm ra. Tổng đội thực hiện nhiệm vụ quản lý các dự án kinh tế được Nhà nước phê duyệt; quản lý quy hoạch đất đai, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức làm “bà đỡ” 2 đầu, (giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiêu thụ sản phẩm…), hỗ trợ sản xuất cho đội viên và nhân dân trong vùng. “Nếu không có sự quan tâm, động viên, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, tận tình của ban chỉ huy tổng đội, chúng tôi làm sao có đủ dũng khí để trụ lại, an cư lạc nghiệp, làm giàu trên mảnh đất này. Cảm ơn tổng đội đã mang cây chè, cây cam… mang no ấm đến cho những hộ đội viên chúng tôi” – anh Hồ Viết Cương - một trong những “triệu phú” nông dân với thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm ở đội sản xuất 3/2 (Tổng đội TNXP 2) chân thành bày tỏ khi chúng tôi ghé thăm mô hình trang trại VACR của gia đình anh.
Không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, các Tổng đội TNXP - XDKT còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá mới, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; xoá bỏ nạn lâm tặc khu vực tổng đội trú đóng, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an ninh vùng biên giới. Tổng đội cũng là nơi se duyên cho nhiều cặp vợ chồng đội viên, hạnh phúc của họ “đơm hoa kết trái” từ sự đồng cam, cộng khổ, từ những gian khổ, hy sinh. Nhiều người đã trở thành “cụ ông, cụ bà” TNPX, gia đình 2 - 3 thế hệ con, cháu an cư lạc nghiệp, gắn bó với những vùng đất do chính tay họ khai phá.
Ghi nhận và biểu dương những thành tích đã đạt được, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất cho Tổng đội TNXP1- XDKT; Huân chương lao động hạng Nhì cho Tổng đội TNXP2- XDKT; Huân chương lao động hạng Ba cho Tổng đội TNXP4- XDKT; Tổng đội TNXP6- XDKT và đồng chí Nguyễn Minh Thọ- Nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP1- XDKT; Thủ tướng Chính phủ và các cấp, ngành cũng đã tặng nhiều phần thưởng cho các tập thể và cá nhân các Tổng đội TNXP- XDKT trong tỉnh. Các tổng đội còn vinh dự đón nhiều đoàn Lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành về thăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên. |
Cùng với nhiệm vụ khai phá tiềm năng những vùng khó khăn, vùng cao biên giới, các tổng đội là môi trường giáo dục hiệu quả cho đoàn viên thanh niên, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, là cái nôi bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ cho địa phương, cho tổ chức đoàn. Rất nhiều người “lính” TNXP –XDKT các thế hệ đã trở thành cán bộ quản lý của tổng đội, nhiều người chuyển ngành, làm chủ tịch, bí thư, phó bí thư các huyện, trưởng, phó các ban ngành đoàn thể trong tỉnh... Thành công và dấu ấn của những người “khai hoang mở đất” là minh chứng rõ ràng nhất cho ý chí, khát vọng, tinh thần xung kích “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” đã trở thành hành động của thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, là một mô hình mới, tiên phong nên trong quá trình hoạt động các Tổng đội TNXP cũng đã nảy sinh những bất cập. Và chuyển đổi là một điều tất yếu khi “chiếc áo cũ đã quá chật” và không bắt kịp xu thế chung của thời kỳ hội nhập.
Bài, ảnh: Khánh Ly - Mỹ Hà