Trưởng bản giúp bà con làm ruộng nước

Chúng tôi về bản Tà Xiêng (Ngọc Lâm) khi bà con đang chuẩn bị thu hoạch vụ mùa. Đi qua những thửa ruộng vàng ươm, trưởng bản Vi Văn Tuyển (sinh năm 1979) không giấu được niềm phấn khởi khi năm nay dân bản có mùa vụ bội thu. “3 - 4 năm trở lại đây, cuộc sống bà con có nhiều đổi thay. Nếu trước đây bà con vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào số gạo trợ cấp của dự án mà lơ là sản xuất thì nay nhiều nhà đã có thóc dự trữ, không còn lo thiếu cái ăn khi nhà nước ngừng hỗ trợ”.

Dừng chân trước 2 sào ruộng nước tốt tươi cạnh Khe Vang của gia đình ông Vi Văn Phong (SN 1965), anh Tuyển không quên những ngày đầu gian khó khi cùng cải tạo đất, dẫn nước về khai hoang trồng lúa. Thấy trưởng bản đến thăm ruộng, ông Phong cùng vợ vồn vã ra đón và cho biết tin vui, 2 sào đã cho thu về gần 6 tạ thóc. Với vợ chồng ông Phong, trưởng bản Vi Văn Tuyển cũng giống như người thân trong gia đình khi mọi kế hoạch làm ăn kinh tế của ông đều có sự tư vấn nhiệt tình và tâm huyết từ anh.

bna_nguoi_tre_ngoc_lam2_anh_thanh_quynh5196728_1792018.jpgTrưởng bản Vi Văn Tuyển (phải) là người bạn đồng hành cùng gia đình ông Vi Văn Phong khai hoang đất ven suối để canh tác ruộng nước. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhớ lại quãng thời gian 12 năm trước, khi sự học còn khó trên vùng bản Tà Xiêng thì anh Tuyển là một trong số ít người có bằng Trung cấp. Sau khi tốt nghiệp, anh quay về quê và đến nay đã có gần 9 năm gắn bó với vai trò là cán bộ thôn bản. Giờ đây, anh là một trong số ít tri thức trẻ của vùng Ngọc Lâm được bà con tin tưởng bầu làm trưởng bản. Bằng sức trẻ của mình, anh đã đồng hành cùng bà con gây dựng cuộc sống trên vùng đất mới.   

Trong câu chuyện của mình, ông Phòng nhớ lại ngày đầu về đây, thấy bà con láng giềng hồi hương về quê cũ làm ăn, vợ chồng cũng thấy thấp thỏm trong lòng. Nhưng rồi được sự động viên, khuyến khích của anh Tuyển nên gia đình quyết định ở lại, “thử” cố gắng làm ăn xem thế nào. Rồi 2 vợ chồng dẫn nước từ Khe Vang về canh tác 3 sào ruộng. Năm 2012, vợ chồng ông đầu tư 11 triệu đồng thuê máy móc, cải tạo, đắp bờ gần nửa tháng  để trồng giống lúa nếp 97.  Diện tích đất đồi còn lại, gia đình trồng hơn 8.000m2 keo lai để tạo sinh kế lâu dài. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ông dần trở nên khấm khá.

Sau thành công của ông Phong, anh Tuyển lấy đó làm tấm gương cho bà con trong bản để thuyết phục mọi người bám đất làm ăn. Giờ đây, toàn bản Tà Xiêng đã có gần 9ha ruộng nước của 43 hộ bà con canh tác.  

Nhờ ổn định sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo trong bản đã giảm đi trông thấy. Nếu như năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của bản là 100% thì nay chỉ còn 57,6%. Thành quả đó có sự góp sức không nhỏ từ vị trưởng bản trẻ tuổi, năng động Vi Văn Tuyển.

Hiện bản Tà Xiêng có gần 9ha diện tích canh tác lúa nước, chiếm một phần không nhỏ trong đó là diện tích bà con tự khai hoang. Ảnh: Thanh Quỳnh

Niềm tự hào của dân bản Kim Liên

Là cử nhân của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chị Vi Thị Nhàn (sinh năm 1987) là niềm tự hào của bà con bản Kim Liên (Ngọc Lâm). Năm 2010, sau khi tốt nghiệp khoa Quản lý Kinh tế, chị trở về quê nhà Tương Dương sinh sống và làm việc. Sau khi cùng gia đình chuyển về khu tái định cư tại bản Kim Liên sinh sống, bên cạnh công việc khai hoang làm kinh tế trang trại, chị còn nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của bản như Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và một số đoàn thể như Mặt Trận, Đoàn thanh niên… Trong mỗi vị trí chị đều thể hiện sự nhiệt tình, năng nổ của một đảng viên trẻ.

Miệng nói, tay làm, chị vận động gia đình mình khai hoang thêm đất để trồng chè trên diện tích 3 sào được giao đất. Cùng với đó, kêu gọi bà con cùng làm, cùng vượt khó bám đất làm giàu. Đến nay, toàn bản có 77 hộ thì đã có 70 hộ gắn bó với cây chè. Trong đó có 22 hộ mạnh dạn khai hoang mở rộng diện tích. Năm vừa qua, thành công đã kết trái trên vùng đất khó khi đã có 10 hộ có nguồn thu ổn định từ cây chè.

Chị Vi Thị Nhàn (trái) - Bí thư Chi bộ bản Kim Liên chia vui cùng gia đình chị Lương Thị Liên sau vụ chè bội thu. Ảnh: Thanh Quỳnh

Là gia đình có hơn 13 sào chè đang vào vụ thu hoạch, chị Lương Thị Liên (sinh năm 1976) không quên những ngày đầu gian khó làm quen với cây chè  - loài cây mà cả gia đình chị chưa hề canh tác trong thời gian ở bản cũ. Nhưng rồi, nhờ sự đồng hành nhiệt tình của nữ cán bộ Chủ tịch Chi Hội Phụ nữ mà trong lòng chị bớt cái lo.

Năm 2017 vừa qua, chị Nhàn được bà con tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ bản Kim Liên. Trở thành nữ Bí thư đầu tiên và trẻ tuổi nhất của bản làng là động lực để chị tiếp tục cống hiến sức trẻ và nhiệt huyết của mình.

Bản nghèo quyết không sinh con thứ 3

Bản Nhạn Pá chiều nay rộn ràng hơn thường lệ, bởi Câu lạc bộ "Không sinh con thứ 3" của bản đến kỳ sinh hoạt. Cái chuyện kế hoạch hóa gia đình trước kia nó là tế nhị thì nay được chị em đồng tình thống nhất. Dẫn đầu cho phong trào này không ai khác chính là nữ Bí thư Chi bộ bản Kha Thị Nhung (sinh năm 1988).

Chính chị cũng là người khởi xướng và đóng vai trò thủ lĩnh trong Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3” gồm 84 thành viên của bản. Từ khi có CLB, tỷ lệ người sinh con thứ 3 của Nhạn Pá giảm hẳn. Cả bản có 7 cặp vợ chồng sinh con một bề là nữ nhưng không ai trong số họ có ý định sinh thêm con. Đạt được thành quả đó có đóng góp một phần không nhỏ của chị Nhung - nữ cán bộ bản đã gắn bó với công tác dân số, rồi phụ nữ và giờ là Bí thư Chi bộ.

Hơn 10 năm gắn liền với nhiều hoạt động của bà con, chị Nhung vẫn xem đó là một điều may mắn trong cuộc đời mình, và là một cơ hội cho một Cử nhân sư phạm  được trưởng thành hơn.  Cho dù, những người bạn đồng trang lứa dưới mái trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An ngày ấy đều chọn những thành phố lớn hoặc trung tâm huyện để làm việc.

Bí thư Chi bộ bản Kha Thị Nhung là thủ lĩnh của CLB "Không sinh con thứ 3" của bản Nhạn Pá. Ảnh: Thanh Quỳnh

Chị Nhung cũng là người sinh con một bề là gái nên chị hiểu hơn những tâm tư, tình cảm của những người phụ nữ cùng chung hoàn cảnh với mình. Và để lan tỏa niềm lạc quan cũng như bài trừ những quan niệm lạc hậu, trọng nam khinh nữ, chị đã một lòng vận động gia đình, người thân và bà con xóm bản dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Đặc biệt khi bản còn bị cái nghèo đeo bám.

Nhờ vậy, những năm qua nhiều gia đình ở bản Nhạn Pá đã không còn cảnh “con đàn cháu đống” để tập trung làm kinh tế, thoát nghèo.

Nói về những tri thức trẻ có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp nắm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền và đảng bộ xã, ông Lô Huy Hùng, Chủ tịch xã Ngọc Lâm cho biết: Hiện địa phương có 9/14 bản có người trẻ đạt trình độ từ Trung cấp trở lên nắm giữ các vị trí chủ chốt ở bản. Ngoài 3 đồng chí Vi Văn Tuyển, Vi Thị Nhàn và Kha Thị Nhung, xã còn có các đồng chí: Vi Văn Xấn có trình độ Đại học là Trưởng bản Huồi;  Mạc Văn Nghị trình độ Cao đẳng là Trưởng bản Noòng; Vi Văn Mùi có trình độ Trung cấp là Trưởng bản Nhạn Mai; Quang Văn Phăn có trình độ Cao đẳng là trưởng bản Kim Hồng; Quang Văn Mão có trình độ Cao đẳng – Bí thư Chi bộ bản Kim Hồng; Lô Thị Tuất có trình độ Trung cấp làm trưởng bản Chà Luân.

Nhờ sự năng nổ, nhiệt tình và tư duy sáng tạo, những cán bộ trẻ đã thổi một luồng gió đổi mới trong làm ăn kinh tế, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng vùng Ngọc Lâm. Từ đây cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực và bền vững.