Theo Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đây là lần đầu tiên cho phép nhập khẩu chính ngạch heo sống (nguyên con) từ các nước để hạ giá heo hơi và heo thịt trong nước đang cao.
Trước mắt, Bộ này sẽ xem xét nhập khẩu heo từ Thái Lan. Ông Tiến khẳng định, các quy trình nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ để tránh hiện tượng nhập ồ ạt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong nước. Doanh nghiệp nhập khẩu phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về kiểm dịch, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước và thực hiện cách ly kiểm dịch 30 ngày.
Sau khi Covid-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu heo sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành.
Giá thịt heo hơi xuất chuồng đã lập đỉnh khi tăng lên trên mức 80.000 đồng/kg khiến giá thịt mảnh tại các chợ đầu mối "đẩy" lên 100.000 - 105.000 đồng. Ngày 28/5, giá thịt heo xuất chuồng tại các tỉnh khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình... quanh ngưỡng 97.000 - 100.000 đồng/kg. Ở mức giá thịt hơi này, mỗi kg thịt bán tại các chợ lẻ, chợ dân sinh dao động 150.000 - 200.000 đồng.
Ngoài các giải pháp đẩy mạnh tái đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho phép tăng nhập khẩu thịt từ các nước Canada, Mỹ, Nga, Đức... Từ đầu năm 2020 đến nay khoảng 67.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt được nhập về Việt Nam, với giá nhập bình quân 60.000 đồng/kg. Giá thịt heo nhập khẩu rẻ hơn thịt trong nước tới một nửa, nhưng người tiêu dùng vẫn không mấy mặn mà do thói quen dùng thịt sống.Việc cho phép nhập khẩu heo sống về giết thịt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, là một trong những biện pháp tiếp theo để giúp hạ nhiệt giá thịt trong nước, đáp ứng thị hiếu thích ăn thịt nóng của người Việt.
Ngoài nhập thịt và sản phẩm từ thịt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lượng lớn heo giống (110.000 con), heo giống bố mẹ, cụ kỵ, ông bà... khoảng 15.000 con về tái đàn. Các lô heo này sẽ được cách ly theo quy định.