KIM NGẠCH XUẤT KHẨU VẪN TĂNG TRƯỞNG KHÁ
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn thành phố Vinh, 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 triệu USD, tăng nhẹ so với năm ngoái. Lý do là cùng kỳ năm ngoái tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp cũng đã bị ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên xuất khẩu giảm. Sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu xuất sang thị trường Ai Cập, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. Hiện nay đơn hàng đang có hiện tượng chậm hơn, tình trạng tồn kho đang xảy ra.
Tính đến thời điểm này, qua khảo sát sơ bộ của Sở Công Thương, một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đi qua đường thủy vẫn hoạt động bình thường, tác động hủy đơn hàng do dịch Covid-19 chưa có, các đơn hàng khá ổn định, đơn cử như các mặt hàng: Dăm gỗ, đá các loại, hàng thủy sản. Tuy nhiên, đã có việc chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng trong ngắn hạn ở một số doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu qua đường bộ, đặc biệt với mặt hàng hoa, quả tươi và tinh bột sắn hiện đang gặp khó khăn và đình trệ.
Đối với nhập khẩu, 2 tháng đầu năm kim ngạch đạt 81,4 triệu USD, chưa bằng 1/2 kim ngạch nhập khẩu cùng kỳ. Một số mặt hàng giảm khá nhiều là nguyên phụ liệu dệt may, máy móc thiết bị và xăng dầu. Việc kim ngạch nhập khẩu đầu năm nay có giảm nhiều so với đầu năm 2019 là do cùng kỳ các Tập đoàn Tôn Hoa Sen, Thiên Minh Đức nhập khẩu tăng đột biến (trong đó Tôn Hoa Sen nhập 105 triệu USD máy móc thiết bị, Tập đoàn Thiên Minh Đức nhập 16,6 triệu USD xăng dầu). Vì thế, kim ngạch nhập khẩu so với trước đây giảm không đáng kể, hiện tại nhập khẩu chưa ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, thời gian tới dệt may, xơ sợi dệt các loại là một trong những ngành được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Trung Quốc là thị trường cung cấp 40-50% nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp ở Nghệ An. Hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đều tính toán để sản xuất đủ trong 3 tháng nên vẫn chưa ảnh hưởng nhiều. Nếu đến cuối tháng 3, tình hình dịch chưa được cải thiện, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng XNK Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, có khoảng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đi qua đường thủy, số còn lại đi theo đường bộ. Đối với các tàu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện các cơ quan chức năng đã cách ly, theo dõi, giám sát sức khỏe của các thuyền viên để kịp thời phát hiện, phòng dịch Covid-19. Hiện chưa phát hiện được bất thường, do đó các lô hàng nhập khẩu vẫn vào bình thường.
TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP TIẾP SỨC CHO DOANH NGHIỆP
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-Cov-2 (dịch Covid-19) diễn biến rất phức tạp tại Trung Quốc và trên thế giới, Sở Công Thương đã cập nhật tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu ở các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… để doanh nghiệp được biết nhằm nắm tình hình và chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan đánh giá lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp (tinh bột sắn, hoa quả tươi, dệt may,…) để xây dựng phương án hỗ trợ (lãi suất, hạn mức tín dụng, gia hạn nợ…) cho các doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, chúng tôi đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầu đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn tại đơn vị do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, nhất là những ngành lĩnh vực có nhiều ảnh hưởng như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu… để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc để ổn định thị trường; Theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trong tỉnh, không để bị ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Về phía doanh nghiệp cũng cần dự tính phương án ứng phó với khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài dẫn đến việc giao thương gặp khó khăn, từ đó có phương án kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh. Doanh nghiệp cần chủ động xem xét lượng nguyên vật liệu tồn kho đảm bảo sản xuất và tìm kiếm thêm những nhà cung cấp khác trong cùng hạng mục để dự phòng theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh…