Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh tý (tức ngày 11 tháng 12 năm 1720), nguyên quán thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, ông nội là Lê Hữu Danh đậu Nhị Giáp tiến sĩ làm quan đến chức Thương Thư dưới triều Lê Dụ Tông, anh trai là Lê Hữu Kiểm đậu Tam Giáp tiến sĩ. Mẹ là bà Bùi Thị Thường, quê xứ Bàu Thượng, xã Tình Diện (nay là xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh). Hải Thượng Lãn Ông mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) tại quê mẹ, thọ 71 tuổi.
Vốn sẵn uyên thâm về thiên văn, địa lý, nhân sự và tài trong pháp thuật âm dương nên ông học thuốc rất nhanh. Ông luôn tâm niệm: “ Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”. Và suốt quãng đời 40 năm còn lại Ông phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện điều tâm niệm cao cả của mình: “ Tôi đã hiến thân cho nghề thuốc nên lúc nào cũng muốn dồn hết khả năng trước thuật rộng rãi để dựng lên ngọn cờ đỏ thắm giữa y trường”.
Suốt đời ông không những đã quên mình cứu người, giúp đời mà còn dày công biên soạn nhiều tài liệu quý về y dược và mở trường đào tạo, truyền bá y nghiệp cho nhiều thế hệ lương y. Cống hiến vĩ đại nhất của Lê Hữu Trác đối với lịch sử phát triển của nền y học dân tộc cả về mặt lý luận và thực tiễn là bộ sách kinh điển nổi tiếng: "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh". "Hải Thượng y Tông tâm lĩnh" từ lâu đã được y giới Việt Nam xem là bộ Bách khoa toàn thư y học thế kỷ XVIII và cũng là bộ sách y học lớn nhất của nền Đông y Việt Nam. Bộ sách quý này không những đã trở thành sách gối đầu giường cho các thế hệ thầy thuốc Việt Nam hàng trăm năm trước đây, mà còn là một hệ thống y ký, di sản y học quý báu nhất của dân tộc, được các nhà khoa học hiện đại đánh giá như là “một kỳ công y học của dân tộc và thế giới”.