Đền Vạn Lộc được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1991, là nơi thờ Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi, người có công chiêu dân, lập ấp nên làng Vạn Lộc cách đây hơn 500 năm và thờ một số vị thần, các nho sinh, khoa bảng của làng.
Đền Vạn Lộc nằm giữa một quần thể núi non, sông nước hùng vĩ, hữu tình: trước mặt là núi Bảng Nhãn, bên phải là núi Rồng, trái là Tượng Sơn, sau lưng có núi Lò (Lô Sơn), phía Đông và Nam có đảo Lan Châu, Song Ngư, đảo Mắt. Cảnh đẹp của vùng Vạn Lộc đã được nhiều văn nhân, thi sĩ phóng bút đề vịnh. Nguyễn Sư Hồi, nhân vật chính được thờ trong đền là con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí, một trong những vị khai quốc công thần của nhà hậu Lê. Sinh ra trong một gia đình có thần thế (quê ở xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An), được dạy dỗ đến nơi đến chốn, ông đã tiếp nhận được dòng máu anh hùng, sớm bộc lộ tài năng văn võ. Là một vị tướng có tài thao lược nên Nguyễn Sư Hồi được nhà vua gả công chúa. Ông cùng người cha của mình và một số vị trung thần có công diệt bọn phản nghịch cướp ngôi, đưa Lê Tư Thành (tức Vua Lê Thánh Tông) lên ngôi, góp phần xây dựng nên thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam (thế kỷ XV). Sau khi Nguyễn Xí mất (1465), thực hiện kế sách của triều đình và lời di huấn của cha, Nguyễn Sư Hồi xin về trấn thủ vùng cửa biển Nghệ An để khai khẩn đất đai, bảo vệ vùng biên cương phía Nam của đất nước. Nhà vua đã phong Nguyễn Sư Hồi làm Trấn thủ thập nhị hải môn (canh giữ 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng, đặt căn cứ chính ở Cửa Xá (Cửa Lò ngày nay). Sử sách ghi lại, Nguyễn Sư Hồi đã tập hợp những người nông dân và dân chài khai khẩn đất đai, lập ra làng Vạn Lộc (nay là phường Nghi Tân). Chẳng bao lâu sau, làng Vạn Lộc được mở mang, trở thành một làng có đời sống khá giả, ngành nghề đa dạng, con em đậu đạt nhiều. Năm 1506 Nguyễn Sư Hồi mất, triều đình ban cho làng lập đền thờ. Đền thờ Nguyễn Sư Hồi được hoàn thành vào năm 1508 và được sắc phong là Thượng đẳng phúc thần.
Trong lịch sử khoa bảng, Vạn Lộc nổi tiếng ở xứ Nghệ với 66 tú tài, 12 hương cống, cử nhân, 1 phó bảng, 1 tiến sĩ. Về võ và y học, mảnh đất này cũng khá nhiều người tài nên được người xưa đúc kết "Văn dành đỉnh bút/ Võ chiếm đề đao/ Nền y học chưa nơi nào sánh kịp".
Vì vậy, bên cạnh thờ Nguyễn Sư Hồi, nhân dân còn thờ một số vị thần và nho sinh khoa bảng ở Đền Vạn Lộc.
Tri ân và tiếp lửa tiền nhân
Mỗi độ Tết đến Xuân về, thường 3 năm một lần, nhân dân vùng sông nước Cửa Lò lại long trọng tổ chức Lễ hội Đền Vạn Lộc để tưởng nhớ công ơn Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi cùng các vị thần được thờ trong đền và cầu sóng yên, biển lặng, mùa màng bội thu. Nhằm ôn lại không khí hào hùng một thuở, đồng thời là nhịp cầu gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai, lễ hội Đền Vạn Lộc sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, cùng với việc tế thần, nhân dân làng Vạn Lộc còn tổ chức mở hội rước sắc và tổ chức đua thuyền truyền thống, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng tâm linh của nhân dân vùng biển Cửa Lò và du khách thập phương, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc còn là dịp để thị xã Cửa Lò tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của mình.
Theo kế hoạch, lễ hội Đền Vạn Lộc năm 2008 là lễ hội quy mô cấp thị xã, được tiến hành trong 2 ngày (15 và 16 tháng Giêng âm lịch). Các phần lễ diễn ra trong ngày 15 bao gồm: lễ khai quang và lễ yết cáo; các phần lễ diễn ra trong ngày 16 bao gồm: lễ tế thần, lễ rước, lễ yên vị, lễ đại tế, lễ kỳ phúc, lễ kỳ yên. Phần hội bao gồm hoạt động tham quan một số di tích lịch sử trên địa bàn Vạn Lộc như nhà thờ Hoàng Tâm, tham quan Chùa Lô Sơn... và các trò chơi dân gian như đua thuyền, kéo co, đánh cờ người, chọi gà... Để lễ hội mang không khí, hơi thở của thời đại mới, Ban tổ chức đưa vào nội dung phần hội các hoạt động: trưng bày ảnh, liên hoan văn nghệ, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn... Anh Nguyễn Sĩ Hiệp, Phó chủ tịch phường Nghi Tân cho biết: "Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức đúng với hình thức và bản sắc của một lễ hội truyền thống và đưa vào lễ hội không khí của cuộc sống ngày hôm nay, tạo cho nhân dân địa phương và du khách một tình cảm trân trọng và tinh thần thoải mái khi tham gia lễ hội".