Hằng năm, vào ngày 22 tháng Chạp (ÂL), Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) lại tổ chức lễ giỗ của Bà Hoàng Thị Loan- thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, buổi lễ diễn ra rất trang nghiêm, giản dị mà ấm cúng với sự tham gia đầy đủ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn và toàn thể cán bộ công nhân viên chức Khu di tích, đội cảnh sát bảo vệ Khu di tích cùng khách thập phương về thăm quê hương Bác.
Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868, trong một gia đình Nho học, nhưng mọi người trong gia đình đều trực tiếp tham gia lao động. Cả hai gia đình Nội, Ngoại của Bà đều giàu lòng thương người, trọng nghĩa khí, có cách nhìn tân tiến trong cuộc sống, vượt ra ngoài sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến đương thời.
Bà Hoàng Thị Loan lớn lên đã được tiếp thu sự giáo dục tiến bộ của gia đình, lại được sống ở một vùng quê nổi tiếng về thuần phong mỹ tục với nền văn hoá truyền thống lâu đời. Đặc biệt đây là xứ sở củaquê hương hát phường vải, một loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian thú vị. Bà tích cực tham gia, thuộc nhiều làn điệu câu ví và sự thông hiểu đạt tới mức sâu sắc. Bà có dung nhan xinh đẹp, duyên dáng, tính tình thuỳ mỵ, nết na, luôn vui vẻ hoà nhã với mọi người, chăm chỉ làm công việc đồng áng và miệt mài canh cửi.
Cuối năm 1883, Bà kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc, một người mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà đã chấp nhận cuộc sống vất vả, khó khăn về vật chất để chồng được dùi mài kinh sử, hun đúc tài năng. Bà đã sinh hạ được 4 người con, có một cuộc sống tình cảm vô cùng đẹp đẽ với chồng con. Nhờ có Bà động viên, khuyến khích, ông Nguyễn Sinh Sắc yên tâm dùi mài kinh sử và không phụ công Bà, ông đã đỗ đạt thành danh. Do hoàn cảnh gia đình quá chật vật, khó khăn và nhất là với tấm lòng cao đẹp của người mẹ không muốn con mình quá thiếu thốn, với quyết tâm của người vợ không muốn chồng mình phải ngừng học tập vì miếng cơm, manh áo, Bà đã lao động cật lực. Bằng lao động, bằng cả tấm lòng yêu chồng, thương con, Bà đã hy sinh tất cả vì chồng con và chính Bà đã vun đắp nên cuộc đời và sự nghiệp đẹp đẽ của họ. Nhưng cũng vì lao động quá sức, đời sống ngặt nghèo, thiếu thốn nên Bà đã lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 33, vào ngày 10 tháng 2 năm 1901 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý) tại Kinh đô Huế, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình, người thân, bà con lối xóm. Thi hài của Bà được mai táng ở núi Tam Tầng bên dòng sông Hương tại Huế. Năm 1922, hài cốt của Bà được cô Thanh - con gái của Bà đưa về mai táng tại vườn nhà mình ở Làng Sen - Kim Liên. Năm 1942, hài cốt của Bà lại được cậu Nguyễn Sinh Khiêm đưa lên cải táng tại ngọn núi Động Tranh Thấp trong dãy Đại Huệ. Năm 1984, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và lực lượng vũ trang QK4 thay mặt cho đồng bào và chiến sỹ cả nước đã xây dựng khu mộ của Bà khang trang và đẹp đẽ.
Bà Hoàng Thị Loan đã có tác động tích cực đến các con bằng tính tình giản dị, khiêm tốn, đức hy sinh, chung thuỷ, yêu đời, yêu nước. Là một người có biết ít nhiều chữ thánh hiền, Bà đã để rất nhiều tâm huyết truyền thụ cho các con những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên và xã hội. Tất cả những câu hỏi ngây thơ ngộ nghĩnh của các con đều được Bà giải thích cặn kẽ rõ ràng, dễ hiểu. Là một người mẹ cần cù, chăm chỉ, Bà đã biết dạy các con yêu lao động, biết làm những điều phù hợp với lứa tuổi của mình một cách say mê, sáng tạo. Nếp sống giản dị, thanh cao, yêu lao động đó được phản ánh rất rõ trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.
Bà Hoàng Thị Loan đã ảnh hưởng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một nền văn hoá dân gian mang đậm bản sắc địa phương, truyền thống dân tộc, phản ánh trung thực những khát vọng ý chí và phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân. Bà đã nêu một tấm gương sáng về nhân cách đạo đức cho các con học tập. Ở đâu Bà cũng thể hiện một lối sống trong sáng, có nghĩa có tình, được mọi người yêu mến và kính trọng. Bằng tấm lòng và sự mẫn cảm của người mẹ, Bà đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ các con những bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người ở đời. Vì vậy, ngay từ nhỏ những người con ngoan của Bà đã biết nói điều hay làm việc tốt, biết kính trọng người trên, biết sống chan hoà với mọi người và giàu lòng nhân ái.
Tất cả những đức tính, phẩm chất tốt đẹp đó đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi suốt cuộc đời và được Người làm phong phú, sâu đậm và nhân lên gấp bội.
Bài viết này xin được bày tỏ lòng tri ân đối với Bà và chắc chắn rằng, mỗi chúng ta đều có chung suy nghĩ như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết khi về thăm viếng mộ Bà : "Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Cụ - Người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, Người mà mọi người Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi ghi ơn!"