Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đang kiện gia đình đạo diễn Mỹ Joseph Wright sau khi họ đã đấu giá tượng vàng Oscar mà ông giành được với bộ phim My Gal Sal sản xuất năm 1942. 
 
images1005839_oscar.jpgTượng vàng Oscar
 
Bên bị đơn là người thừa kế của đạo diễn Wright, hãng đấu giá Briarbrook và những chủ nhân mới của tượng vàng.
 
Đạo diễn Wright qua đời năm 1985 và hồi tháng 6 năm nay, những người thừa kế của ông đã bán tượng vàng với giá 79.200 USD cho người mua giấu tên thông qua hãng đấu giá Briarbrook.
 
Từ năm 1950, Viện Hàn lâm chính thức yêu cầu các chủ nhân giải thưởng phải ký thỏa thuận chỉ được bán lại tượng vàng nếu nhà tổ chức đồng ý và Viện Hàn lâm sẽ là đơn vị đầu tiên được quyền mua lại tượng vàng với giá tượng trưng là 1 USD.
 
Qua vụ kiện, Viện Hàn lâm muốn đòi số tiền bồi thường trị giá hơn 79.200 USD cũng như khoản tiền phạt. Tuy nhiên, tại phiên tòa có lý lẽ cho rằng quyền mua tượng vàng đầu tiên cũng có thể được áp dụng với những người thừa kế của chủ nhân giải Oscar.
 
Việc bán tượng vàng Oscar hiếm khi xảy ra và mỗi khi việc mua bán diễn ra thì Viện Hàn lâm lại ráo riết truy xét những người có trách nhiệm nhằm bảo toàn sự nguyên vẹn của giải thưởng. Nhưng không phải lúc nào Viện Hàn lâm cũng ngăn được các vụ mua bán tượng vàng Oscar.
 
Hồi năm 2012, bộ sưu tập gồm 15 tượng vàng, trong đó có giải Oscar cho các bộ phim Wuthering Heights (Đồi gió hú - 1939) và Citizen Kane (Công dân Kane – 1941) đã được bán với giá hơn 3 triệu USD tại một cuộc đấu giá ở Los Angeles.
 
Đạo diễn Wright đã đoạt 2 giải Oscar cho đạo diễn nghệ thuật phim My Gal Sal và với phim This Above All, cũng được sản xuất năm 1942. Trong sự nghiệp của mình, ông đã làm 86 phim, từ năm 1923 đến năm 1969, và được hơn 10 đề cử Oscar ở hạng mục Đạo diễn Nghệ thuật xuất sắc nhất.
 
Theo TT&VH