“ĐA ĐẢNG ĐỂ CHỐNG THAM NHŨNG” - LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC,
PHẢN KHOA HỌC
Các thế lực thù địch, những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước ta không ít lần rêu rao trên mạng Internet rằng, chỉ có chế độ do một đảng duy nhất lãnh đạo mới có tham nhũng, do đó cần phải thực hiện đa đảng để chống tham nhũng.
Hãy tiếp cận vấn đề này theo 2 góc độ, về khoa học và về chính trị học.
Tham nhũng là gì? Về khoa học chính trị, người dân giao cho quan chức và công chức quyền lực, để họ thực hiện công quyền ấy phục vụ lợi ích của người dân. Trong quá trình thực thi công vụ, một bộ phận quan chức, công chức sử dụng công quyền người dân giao cho để mưu lợi cho cá nhân, cho gia đình, bạn bè,... Như vậy, công quyền đã biến thành tư quyền, về khoa học người ta gọi là tha hóa quyền lực.
Sự tha hóa quyền lực này diễn ra trong mọi nhà nước, ở mọi chế độ xã hội, không phân biệt một đảng hay đa đảng, chỗ nào có nhà nước thì chỗ ấy có nguy cơ công quyền biến thành tư quyền, khi nào còn tồn tại nhà nước thì nguy cơ đó còn tồn tại.
Về mặt chính trị, luận điệu rằng, chỉ có chế độ một đảng lãnh đạo mới có tham nhũng, muốn chống tham nhũng phải đa đảng, phải bỏ Điều 4 Hiến pháp (của nước ta), là hoàn toàn lừa bịp và trái với sự thật.
Lấy ví dụ, Cộng hòa Pháp vốn được xem là hình mẫu của cái gọi là nền dân chủ phương Tây, đa đảng điển hình, ấy thế mà năm 2006, khi làm Bộ trưởng Nội vụ ra ứng cử Tổng thống Pháp, ông Nicolas Sarkozy cũng đã nhận 5 triệu USD hối lộ. Năm ngoái, cơ quan tư pháp của Pháp phải xử lý, bỏ tù ông ta.
Hay vào tháng 7/2017, Quốc hội Pakistan phế truất chức Thủ tướng của ông Nawaz Sharif, nguyên do là bởi ông ta tham nhũng.
Bên cạnh Việt Nam thôi, Malaysia theo mô hình dân chủ đa đảng của phương Tây, song cựu Thủ tướng Najib Razak, cả vợ và con trai đã cùng tham nhũng, để rồi năm 2018, ông Mahathir Mohamad trở lại làm Thủ tướng, xử lý vụ bê bối chấn động này.
Và mô hình điển hình nhất ở Đông Á này là Hàn Quốc, 100% kiểu Âu - Mỹ, nhưng 3 đời tổng thống Hàn Quốc liên tục phải vào tù vì tham nhũng.
Bởi vậy, có thể nói tham nhũng là “căn bệnh” của nhà nước, có nhà nước là có tham nhũng, có chăng chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng. Kẻ nào lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc rằng chỉ một đảng mới tham nhũng là phản khoa học, và có dụng ý rất xấu về chính trị, muốn đổi trắng thay đen, muốn bóp méo sự thật, muốn ly gián kích động phản ứng của dân với Đảng.
Chúng ta khi sử dụng mạng Internet, mạng xã hội cần hết sức cảnh giác trước những thông tin sai lệch, xuyên tạc, thậm chí là phản động này.
NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG TÍCH CỰC
Cũng như thế giới, tham nhũng đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu, ngay từ thời kháng chiến chống Pháp những năm 50 của thế kỷ trước đã có rồi. Chúng ta nhớ lại vụ việc Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu khi ấy đã biển thủ của công, đã ăn cắp của công biến thành của tư, ăn chơi một cách kỳ lạ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thức trắng đêm để đi đến quyết định ký sắc lệnh tử hình Trần Dụ Châu.
Nhưng phải nói thật, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tất cả người dân, cán bộ, đảng viên đều dồn ra mặt trận chống giặc ngoại xâm. Tư tưởng phơi phới “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, cán bộ cao cấp cũng mang ba lô ra trận. Trong điều kiện kháng chiến gian khổ như vậy thì tham nhũng gần như không đáng kể, nếu không muốn nói là không có.
Từ khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích lợi ích cá nhân trong tuân thủ pháp luật, thì trong số hàng trăm ngàn cán bộ cũng đã có hàng chục cán bộ lợi dụng việc được giao cho quyền hạn lớn hơn trước.
Nói cách khác, trong cơ chế tập trung quan liêu cán bộ quyền rất hẹp, đến cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa, cán bộ được giao quyền lớn hơn, một bộ phận không giữ được tính liêm khiết đã lợi dụng quyền được giao để mưu lợi cá nhân, cũng bắt đầu từ đó, tham nhũng phát triển càng ngày càng nghiêm trọng.
Suốt từ năm 1986 đến bây giờ, Đảng ta đã có 11 nghị quyết chống tham nhũng, qua đó đã đạt những kết quả nhất định. Nhưng phải thừa nhận thực tế là tham nhũng vẫn phát triển, tồn tại và càng ngày càng có tính chất tinh vi, nghiêm trọng. 5 lần nghị quyết Đại hội Đảng khẳng định, tham nhũng là mối đe dọa tồn vong của Đảng và chế độ.
Đến Đại hội XII đã tạo ra bước ngoặt trong đấu tranh chống tham nhũng. Sau Đại hội này, Đảng đề ra quyết tâm chính trị mới, Nghị quyết nói rằng, kiên quyết đẩy lùi tham nhũng, với một tinh thần làm triệt để, không có “vùng cấm”.
Cách tổ chức chống tham nhũng cũng khác. Từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đồng chí Tổng Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chính thức đánh dấu một bước ngoặt khác.
Trong hơn 4 năm nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII, chúng ta đã xử lý 113 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Hàng chục bộ trưởng, hàng chục bí thư, chủ tịch tỉnh, kể cả tướng lĩnh công an, quân đội bị xử lý kỷ luật dưới nhiều hình thức.
Cũng trong nhiệm kỳ của khóa XII, Đảng ta có 4 văn kiện về chống tham nhũng, điều chưa từng có trong các nhiệm kỳ trước, bao gồm Nghị quyết Trung ương 4 chống tham nhũng, Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 và Quy định 08 về nêu gương.
Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đưa ra một thông báo, một quy định nêu đích danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, cán bộ chủ chốt các cấp phải nêu gương.
Kết quả đấu tranh chống tham nhũng nhiệm kỳ XII thể hiện Đảng ta đang mạnh lên.
Trong 4 năm, 2 Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, hàng chục Ủy viên Trung ương nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này bị kỷ luật, hàng chục bộ trưởng, thứ trưởng, hàng chục tướng lĩnh bị kỷ luật.
Chỉ một đảng mạnh mới dám mổ xẻ ung nhọt trong cơ thể mình. Cho nên, chính đấu tranh chống tham nhũng làm Đảng ta mạnh lên chứ không hề suy yếu đi.
Cùng với đó, thông qua đấu tranh chống tham nhũng đã củng cố lòng tin của dân đối với Đảng. Đấy là cơ sở để đồng chí Tổng Bí thư đưa ra nhận xét rằng, chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ, có vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay.
Một lần nữa phải khẳng định, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cơ đồ này chính là thành công trong chống tham nhũng của nhiệm kỳ XII và những người viết lịch sử Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam cần ghi đậm một nốt son trong nhiệm kỳ vừa qua về công tác đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng Đảng...
NÉT MỚI TỪ ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Như đã đề cập ở trên, về mặt khoa học phải thấy trong nhiệm kỳ XII, Đảng ta, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Bộ Chính trị đã quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng và đã có kết quả tích cực, tạo nên dấu ấn nhiệm kỳ XII.
Nhưng sau Đại hội XIII, Bộ Chính trị thấy rằng, song song với chống tham nhũng cần phải đặc biệt quan tâm đến phòng ngừa tham nhũng. Do đó, dẫn tới việc Bộ Chính trị quyết định bổ sung nhiệm vụ “chống tiêu cực” đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Đó là sự nhấn mạnh công tác phòng ngừa tham nhũng từ xa, từ sớm, bởi một vụ việc tham nhũng không thể xảy ra sau 1 đêm, 1 tuần; những kẻ tham nhũng có một quá trình tha hóa kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm, ban đầu là những dấu hiệu tiêu cực.
Nếu làm tốt phòng ngừa ban đầu, thì sẽ không nảy sinh những vụ tham nhũng lớn. Nếu hệ thống chính trị thể hiện quyết tâm cao, làm tốt, từ chi bộ tới đảng bộ cơ sở ngăn chặn những tiêu cực ban đầu thì chắc chắn số vụ tham nhũng sẽ giảm hẳn xuống.
Trong Nghị quyết Đại hội XIII, vấn đề chống tham nhũng cũng có nhiều nét mới. Thứ nhất, Nghị quyết XIII nói rằng, phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Với vị trí như vậy, Đảng ta đặt ra quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm quyết liệt hơn, không có “vùng cấm”.
Thứ hai, Nghị quyết XIII đưa ra hàng loạt biện pháp cụ thể, rất hay, ví dụ Nghị quyết nói cần phải cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, phải cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đánh giá, dân hưởng thụ.
Thứ ba, cũng lần đầu tiên Nghị quyết của Đảng nêu rõ, phải tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng chủ trương, chính sách ngay từ đầu, người dân tham gia giám sát việc thực hiện của các cơ quan, cán bộ, đảng viên.
Trên thực tế, rất nhiều chính sách không có sự tham gia của người dân, một vài trong số đó đã dẫn đến thất bại, ví dụ ở chủ trương trồng cây phong lá đỏ ở phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, hay thất bại trong triển khai xe buýt nhanh BRT tại thủ đô...
Thứ tư,một điểm mới nữa là quy định Đảng và Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân tham gia đánh giá hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên, lấy lòng tin của người dân, uy tín đối với dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cán bộ, đảng viên.
Có thể đánh giá rằng, so với trước, văn kiện đại hội lần này đã đề ra các nội dung một cách hoàn chỉnh, tổng thể hơn, từ nhận thức về vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quyết tâm chính trị, đến biện pháp và những vấn đề cụ thể.
CẦN TẠO CHUYỂN BIẾN CĂN BẢN, LÂU DÀI
Các giải pháp phòng, chống tham nhũng đã được đề ra đầy đủ trong các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), Quy định 08 về nêu gương, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) vừa rồi, bao quát cả những giải pháp cấp bách, giải pháp lâu dài, cả phòng và chống.
Nhưng để tạo chuyển biến mang tính căn bản, lâu dài trong công tác phòng, chống tham nhũng, cần lựa chọn tập trung cao hơn vào 3 vấn đề mang tính đột phá.
Vấn đề thứ nhất là giám sát quyền lực. Về nguyên lý chính trị học, quyền lực không được giám sát sẽ tha hóa, một số kẻ sẽ lợi dụng biến công quyền thành tư lợi.
Và thực tế thế giới cũng đã khẳng định điều này. Những quốc gia có bộ máy công quyền trong sạch vào bậc nhất như Singapore, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy... đều cho rằng, việc đầu tiên để chống tham nhũng là quyền lực phải được giám sát chặt chẽ.
Ở Việt Nam, có lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, giao quyền lực cho một cán bộ, nhất là vị trí chủ chốt mà không giám sát chặt chẽ thì sẽ tha hóa.
Nên việc đầu tiên và trước hết, Đảng và Nhà nước cần rà soát lại toàn bộ những quy định hiện hành về giám sát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, khắc phục việc hệ thống giám sát quyền lực không đáp ứng được yêu cầu thực tế, nảy sinh những vụ việc vừa qua liên quan đến cựu cán bộ lãnh đạo ở Đà Nẵng, ở Bộ Thông tin và Truyền thông...
Việc thứ hai là cần làm tốt hơn công tác cán bộ, tuyển đầu vào, đào tạo, bồi dưỡng, và nên mở rộng hình thức thi tuyển cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt.
Lấy ví dụ, tại một địa phương nào đó, giám đốc một sở nào đó, chẳng hạn như Sở Giáo dục và Đào tạo sắp nghỉ hưu, thay vì áp dụng quy trình hiện nay gồm các bước qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, xin ý kiến cấp trên, dự kiến, lấy phiếu tín nhiệm sau bổ nhiệm..., có thể thí điểm quy trình khác hiệu quả hơn.
Ấy là mời đội ngũ cán bộ chủ chốt của sở, các trưởng, phó phòng, đại diện công đoàn, thanh niên, phụ nữ, trưởng, phó phòng giáo dục của các huyện, thành, thị, để tạo một “cộng đồng” cỡ 70 - 80 người, để lắng nghe các ứng viên được Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tham mưu, giới thiệu trình bày phương án chương trình hành động nếu được trở thành giám đốc sở. Chừng ấy “giám khảo” đủ khách quan để lựa chọn, và thực tế một số nơi đã áp dụng cách làm này rất hiệu quả.
Nội dung thứ ba, cần xem xét lại công tác kiểm tra. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, lãnh đạo không kiểm tra coi như không lãnh đạo.
Chúng ta cần phải quyết liệt hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra, có thể nghiên cứu mô hình ủy ban kiểm tra và kỷ luật của Trung Quốc, được ví như “thượng phương bảo kiếm”, đi đến đâu, cấp ủy, chính quyền phải báo cáo đầy đủ đến đó.
Chúng ta nên bổ sung quyền hạn cho ủy ban kiểm tra của Đảng ở cấp Trung ương, xem xét lại vị trí, vai trò của Thanh tra Chính phủ để hoạt động hiệu quả hơn.
Công tác kiểm tra cần được điều chỉnh, bổ sung, kể cả hệ thống luật pháp, những quy định của Đảng đối với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những quy định đối với Thanh tra Chính phủ, tạo điều kiện cho lực lượng này đủ quyền năng, có cơ chế mới để hoạt động tốt hơn, phát huy hơn nữa năng lực và phẩm chất của mình./.