(Baonghean) - Tương lai sẽ có hàng triệu lao động bước vào tuổi hưu không có thu nhập từ lương hưu và gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước. Thông tin đó không khiến cho nhiều người giật mình. Với những người đã biết chắc là mình không thuộc diện được hưởng loại tiền “dưỡng già” này thì lại càng không. Tất cả vẫn thản nhiên sống như... xưa nay vẫn thế!
Vì sao lại có sự thờ ơ, dửng dưng như vậy? Trước hết phải thấy một thực tế là khái niệm bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn còn rất xa lạ đối với sống đông dân chúng nước ta. Ngoại trừ số người nhận lương hàng tháng thì hầu như không ai biết và quan tâm đến lĩnh vực này. Bởi lẽ, dân ta cả nghìn đời nay đã quen với cung cách sống “tự lo là chính” theo đúng phương châm “trẻ cậy cha, già cậy con”. Lúc ấu thơ nương tựa vào cha, mẹ. Trưởng thành thì tự lo cho mình và lo cho con cái. Về già, không lao động được nữa thì dựa vào con cái hay họ hàng, làng xóm. Cứ thế mà đùm bọc, nuôi nấng, chăm sóc nhau cho hết đời. Không một ai nghĩ là sẽ nương tựa vào Nhà nước cả.
Vì nhà nước phong kiến, thực dân ngày xưa không lo nghĩ chuyện đó cho dân. Còn nhà nước ta ngày nay có nghĩ đến việc đó, nhưng vì nhiều lý do nên mới chỉ thực hiện việc đó theo đúng khái niệm BHXH được tròn hai chục năm nay.
20 năm là khoảng thời gian khá dài so với một đời người. Nhưng so với lối sống, nếp nghĩ đã tồn tại hàng nghìn năm nay thì chưa thể tác động được gì nhiều. Chưa kể, BHXH mới chỉ gói gọn trong số người lao động, làm công ăn lương trong các cơ quan nhà nước hay các công ty, xí nghiệp trong và ngoài quốc doanh. Và những người làm công tác BHXH cũng chỉ là ngồi ở bàn giấy, trong phòng lạnh thực hiện các thủ tục tiếp nhận từ các nơi gửi đến chứ chưa thật sự xông vào cuộc sống. Vì thế, nước ta hiện có hơn 90 triệu người, nhưng có tới hơn 80 triệu người không có lương hưu. Ngay cả trong đội ngũ những người được hưởng lương hưu, cũng có mấy người yên tâm sống thoải mái với đồng lương hưu của mình đâu? Nên có thêm ai đó nữa thì cũng chẳng làm ai quan tâm, hay động lòng... Phần đông người dân vẫn rất thờ ơ với BHXH mà chỉ chăm chắm vào lao động, sản xuất, kinh doanh, làm thêm, làm nếm để có tiền phòng tới lúc tuổi cao, sức yếu có cái mà chi dùng hơn là trông cậy vào BHXH.
Xu hướng sống đó, không chỉ tồn tại trong dân chúng mà ngay cả trong những người đang công tác ở trong lĩnh vực BHXH. Thế nên, mấy năm trước người ta đã cảnh báo nguy cơ vỡ quỹ BHXH và nay lại gióng lên tiếng chuông “hàng triệu người sẽ không có lương hưu”. Nhưng rồi sự việc chỉ dừng lại ở vài cuộc hội thảo, vài lời bàn trên báo chí hay các diễn đàn xã hội khi đề cập vấn đề này. Thêm vài lời phát biểu dạng ca thán hay nhắc nhở của một số vị đại biểu của dân. Còn lại thì chưa thấy một động thái nào để khắc phục nguy cơ, ngoại trừ một hành động gây thất vọng là bố trí lại cách tính lương hưu theo chiều hướng giảm xuống để bớt gánh nặng chi trả cho quỹ BHXH. Thế nghĩa là chẳng mấy người thật sự quan tâm, lo lắng giải quyết mối nguy cơ này. Còn người lao động thì vẫn tiếp tục cách sống như bao đời nay là tự phòng thân là chính mà chẳng thèm quan tâm đến chuyện có hay không có lương hưu. Thêm vào đó, việc sử dụng đồng tiền nộp vào quỹ BHXH có nơi, có lúc không rõ ràng, minh bạch. Thậm chí còn bị lường gạt, bị chiếm dụng, ăn quỵt khiến cho người ta càng thêm xa cách với BHXH.
Sẽ có hàng triệu lao động bước vào tuổi hưu không có thu nhập từ lương hưu là chuyện tương lai, nhưng lại cần được quan tâm đúng mức và giải quyết kịp thời ngay từ hôm nay. Cách giải quyết hiệu quả là nằm ở chỗ phải tạo được niềm tin chắc chắn, mạnh mẽ của toàn dân vào quỹ BHXH bằng các hành vi, việc làm, chương trình hành động cụ thể, thiết thực để mọi người tự nguyện, tự giác và hồ hởi đóng tiền vào quỹ. Chứ không chỉ là lên tiếng cảnh báo trong hội nghị, hội thảo rồi chia lỗi một phần cho người lao động, một phần cho người sử dụng lao động và một phần cho cơ quan quản lý. Kiến nghị một vài giải pháp rồi thôi. “Đồng tiền liền khúc ruột”, không tạo dựng được niềm tin thì đừng mong cải thiện được tình hình. Phải tạo dựng niềm tin của toàn dân vào quỹ BHXH đó là việc cần làm của ngày hôm nay.
Duy Hương