HAI NĂM THĂNG TRẦM

Tuyên bố chung Bình Nhưỡng là một thỏa thuận được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký vào ngày 19 tháng 9 năm 2018 trong cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng. Dù không phải tất cả, nhưng một số vấn đề hóc búa giữa hai nước đã được giải quyết trong thỏa thuận này. Hai bên nhất trí thực hiện Tuyên bố Panmunjom đã được ký vào tháng 4 năm đó và đồng ý liên lạc chặt chẽ hơn để ngăn chặn các cuộc đụng độ quân sự dọc theo đường phi quân sự  (DMZ).

anh_1__lien_trieu_18251888_2092020.jpgTuyên bố chung Bình Nhưỡng là một thỏa thuận được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký vào ngày 19/9/2018 tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Yonhap

Hợp tác kinh tế cũng là một phần của chương trình nghị sự, với việc cả hai nước nhất trí phát triển Khu liên hợp công nghiệp Kaesong nằm gần biên giới và Dự án Du lịch Geumgang, nằm trên lãnh thổ Triều Tiên, với mục tiêu tạo ra một khu du lịch chung đặc biệt. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy công tác đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau Chiến tranh Triều Tiên với việc thành lập một cơ sở thường trú tại khu vực Geumgang, để tạo điều kiện cho các gia đình ly tán gặp nhau.

Thỏa thuận cũng tập trung vào việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên khi Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ vĩnh viễn bãi thử động cơ tên lửa Dongchang-ri. Vào thời điểm đó, Bình Nhưỡng còn đề nghị thực hiện các biện pháp bổ sung, bao gồm việc dỡ bỏ vĩnh viễn các cơ sở hạt nhân ở Yeongbyeon.

Thời điểm đó, Nhà lãnh đạo Triều Tiên  gọi đó là một thỏa thuận nhằm chấm dứt “lịch sử bi thảm của sự đối đầu và thù địch đã tồn tại trong nhiều thập kỷ”. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ và Triều Tiên không đạt thỏa thuậntrong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 hồi năm 2019, rất nhiều thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều đã bị đình trệ. Gần đây, quan hệ song phương gia tăng căng thẳng sau khi Triều Tiên cắt mọi liên lạc liên Triều và cho nổ văn phòng liên lạc chung nhằm phản đối hoạt động rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng từ phía Hàn Quốc.

Duy trì hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên là một phần của Thỏa thuận liên Triều 2018. Ảnh: Yonhap

Hạt giống đã được gieo vào lịch sử chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái...”. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Tròn 2 năm sau sự kiện lịch sử, trong lúc Bình Nhưỡng “im hơi lặng tiếng”, giới chức Seoul đều đưa ra tuyên bố và hành động thiện chí nhằm nối lại các điều khoản của thỏa thuận. Trong thông điệp đăng trên mạng xã hội Facebook, Tổng thống Hàn Quốc cam kết sẽ thực hiện thỏa thuận đã ký kết bất chấp những trở ngại ở trong và ngoài nước. Ông nhấn mạnh: “Cam kết của chúng tôi đối với hòa bình là vững chắc. Thỏa thuận hai miền ngày 19/9 sẽ được thực hiện thành công. Hạt giống đã được gieo vào lịch sử chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái...”. Trong khi đó, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook và  Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đều nêu bật vai trò của thỏa thuận liên Triều và kêu gọi sự hợp tác giữa hai nước.

QUYẾT TÂM PHÁ VỠ BẾ TẮC

Kỷ niệm 2 năm ký thỏa thuận liên Triều lịch sử được xem là cơ hội để phía Hàn Quốc truyền thông điệp và sự thiện chí đến Triều Tiên trong việc “hồi sinh” thỏa thuận được cả hai miền trông đợi. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đang nỗ lực phá vỡ bế tắc trong quan hệ liên Triều bằng cách xoay chuyển trọng tâm từ Mỹ-Triều sang liên Triều.

Tháng 6/2020, Triều Tiên cho nổ tung một tòa nhà văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong, đánh dấu leo thang căng thẳng hai miền. Ảnh AP

Cuối tháng 7 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in phê chuẩn bổ nhiệm ông Lee In-young làm Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc. Ông Lee được xem là chính trị gia ôn hòa, đặc biệt, giới chức Bình Nhưỡng không có “ác cảm” với ông. Đây là yếu tố rất quan trọng để tiến tới các cuộc đối thoại đôi bên. Ngoài ra, vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cũng mới được thay thế. Ông Suh Wook - Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc đảm nhận vị trí này.

Ngoài lợi thế về kinh nghiệm chuyên môn, ông Suh cũng được cho là người hiểu rõ quan điểm lãnh đạo của Tổng thống Moon và hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ quân sự liên Triều. Theo các chuyên gia, rõ ràng Tổng thống Moon Jae-in đang tìm kiếm sự thay đổi trong bộ máy chính quyền giúp ông hiện thực hóa những chính sách hòa bình với Triều Tiên. 

Nửa cuối năm nay, Hàn Quốc sẽ đối mặt với nhiều yếu tố ảnh hưởng đến số phận của bán đảo Triều Tiên. 

Chỉ còn chưa đầy 2 năm nhiệm kỳ Tổng thống, thời gian không còn nhiều để ông Moon Jae-in vun đắp “cây hòa bình” với Triều Tiên - một trong những mục tiêu đối ngoại quan trọng nhất được kỳ vọng từ khi ông nhậm chức. Trong khi đó, nửa cuối năm nay, Hàn Quốc sẽ đối mặt với nhiều yếu tố ảnh hưởng đến số phận của bán đảo Triều Tiên. Trên hết, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều cũng như quan hệ liên Triều trong tương lai. Thật khó có bước tiến nào cho đối thoại Mỹ-Triều ở thời điểm hiện tại trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Dù là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tái đắc cử hay ông Joe Biden của đảng Dân chủ lên nắm quyền, quan hệ Mỹ-Triều rất khó có bước tiến, trừ khi Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Lee In-young (giữa) trong chuyến thăm đầu tiên tới khu phi quân sự (DMZ) hôm 17/9. Ảnh: Yonhap

Rõ ràng trong bối cảnh như vậy, thay vì chờ đợi cục diện Mỹ-Triều, đã đến lúc Hàn Quốc xoay chuyển sang hợp tác liên Triều, theo những hướng phù hợp nhất. Giới chính trị Seoul có lẽ thừa hiểu, việc Triều Tiên gây căng thẳng quan hệ liên Triều thời gian qua là nhằm ép Hàn Quốc nối lại các dự án giữa hai bên để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, dù là người nỗ lực kéo gần khoảng cách giữa hai miền hơn ai hết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng không thể “vượt rào” các biện pháp trừng phạt quốc tế cũng như bỏ qua nguyên tắc của Washington: Hợp tác kinh tế liên Triều phải đi đôi với phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên.

Nhưng trong tình thế hiện nay, Hàn Quốc chỉ có thể lựa chọn cách gây dựng lòng tin, thiện chí và quyết tâm thực hiện lộ trình của bản thỏa thuận năm 2018 với Triều Tiên. Các quan chức ở Seoul cũng đã chỉ ra rằng, trước mắt có thể là các cuộc trao đổi hàng hóa quy mô nhỏ trong giai đoạn đầu của hợp tác kinh tế xuyên biên giới, mở một văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng, nối lại các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán…

Có vẻ như quyết tâm của phía Seoul đã có, vấn đề là Bình Nhưỡng sẽ tiếp nhận và hành động theo cách nào. Nếu hai bên có thể vượt qua trở ngại “ở trong và ngoài nước”, thỏa thuận lịch sử năm 2018 mới có thể tiếp tục đi đúng lộ trình và đến được đúng cái đích hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.