Theo phân tích của các chuyên gia, tuyên bố của bà Kim Yo-jong - hiện giữ chức Phó trưởng ban thứ nhất trong Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cũng có thể cho thấy triển vọng đạt được bất kỳ đột phá nào trong quan hệ liên Triều đình trệ bấy nay hiện vẫn còn ảm đạm.
Trước đó, đêm 3/3, bà Kim Yo-jong đã ra tuyên bố chính thức đầu tiên, lên án mạnh mẽ văn phòng Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) vì đã phàn nàn về các vụ phóng vật thể bay tầm ngắn gần đây của Triều Tiên, khẳng định đó chỉ là hành vi tự vệ.
Bà không trực tiếp chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhưng chỉ trích và khinh miệt mạnh mẽ hành vi “vô ý thức” và “ngu ngốc” của Nhà Xanh, nói rằng Hàn Quốc đang đòi hỏi chấm dứt hoạt động huấn luyện thường lệ của Triều Tiên trong khi bản thân lại thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự riêng với Mỹ.
Hôm 2/3, Triều Tiên đã phóng 2 vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, là vụ phóng đầu tiên trong vòng 3 tháng qua. Truyền thông Triều Tiên sau đó nói rằng đó là một cuộc diễn tập bắn pháo tầm xa dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Nhà Xanh ngay lập tức đã triệu tập cuộc họp của các bộ trưởng liên quan đến vấn đề an ninh, bày tỏ hết sức lấy làm tiếc trước các vụ phóng gần đây và hối thúc Bình Nhưỡng dừng các hành động làm gia tăng căng thẳng như vậy. Lim Eul-chul, giáo sư tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam phát biểu: “Triều Tiên có vẻ như tức giận trước điều mà nước này xem là phản ứng tự động của Nhà Xanh và yêu cầu ngừng các cuộc diễn tập ấy bất chấp cuộc tập trận phòng thủ của Hàn Quốc, vốn dĩ đã giảm bớt do quan ngại virus Corona. Tuyên bố đầu tiên của Kim Yo-jong, một thành viên trong gia tộc họ Kim, cũng cần được hiểu là sự phàn nàn và lấy làm tiếc mạnh mẽ nhất có thể của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đối với chính phủ Hàn Quốc”.
Các vụ phóng hôm 3/3 đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên phóng các vật thể như vậy kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đầu năm nay đe dọa phô diễn một “vũ khí chiến lược mới” và một “hành động thực sự gây sốc” trong tương lai gần, khẳng định rằng ông không cảm thấy bị ràng buộc bởi lệnh cấm mà bản thân tự áp đặt đối với việc thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm xa và các thiết bị hạt nhân.
Diễn biến này cũng xảy đến bất chấp Hàn Quốc và Mỹ hoãn hoạt động huấn luyện phối hợp vào mùa Xuân do lo sợ về virus Corona gia tăng. Bà Kim Yo-jong nhấn mạnh việc hoãn này là do lo ngại về virus, chứ không phải cử chỉ hòa bình.
Triều Tiên năm ngoái đã tiến hành 13 vụ thử nghiệm vũ khí lớn nhưng lại khá im hơi lặng tiếng về các chiến dịch quân sự của nước này trong những tháng gần đây, giữa lúc bùng phát dịch Covid-19 khắp toàn cầu. Triều Tiên không tiết lộ chi tiết vũ khí được thử nghiệm tuần này, song các bức ảnh truyền thông Triều Tiên công bố cho thấy một rocket dường như được phóng từ một bệ phóng rocket đa nòng cực đại tương tự như những thứ được thử nghiệm hồi năm ngoái.
Hong Min, một chuyên gia nghiên cứu tại viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nói rằng Triều Tiên dường như giận dữ trước phản ứng nhạy cảm của Seoul dù các vụ phóng hôm 2/3 là một phần trong cuộc diễn tập theo mùa nhưng giảm thiểu quy mô của Triều Tiên.
Ông nói: “Có vẻ là Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử theo cách giảm quy mô đáng kể. Các vật thể bay được cho là tên lửa dường như được phóng từ một bệ phóng rocket siêu lớn, là một sự tiếp nối các vụ thử nước này tiến hành từ tháng 9 năm ngoái, và cũng không có vũ khí mới nào được công bố”.
“Điều thu hút chú ý là cách truyền thông Triều Tiên đưa tin về các vụ phóng. Trước đây thường có một số kiểu thông điệp nhắm vào Hàn Quốc và Mỹ trong các bản tin về các vụ phóng này, nhưng lần này họ chỉ đưa ra lời giải thích khá đơn giản như sự giám sát của ông Kim và thái độ hài lòng của nhà lãnh đạo này”, ông nói thêm. Ông nêu quan điểm, từ lập trường của Triều Tiên, phản ứng của Seoul hoàn toàn vô nghĩa.
Giới chuyên gia cho rằng tuyên bố của bà Kim Yo-jong có thể cũng hé lộ sự không hài lòng lâu nay của Triều Tiên trước điều mà họ xem là thái độ bị động của Seoul trong việc cải thiện quan hệ liên Triều do lo sợ sự phản đối của Washington.
Kim Yo-jong là một nhân vật có tính biểu tượng, liên quan mật thiết đến sự ấm lên trong quan hệ liên Triều từng dẫn tới 3 cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa người anh trai của bà với Tổng thống Moon năm 2018. Bà cũng là người gửi lời chia buồn và hoa viếng khi thân mẫu ông Moon qua đời vào tháng 10 năm ngoái.
Trong lúc các đàm phán phi hạt nhân hóa bế tắc, các trao đổi liên Triều cũng gần như đình trệ do Bình Nhưỡng vẫn không phản hồi các đề nghị đối thoại và hợp tác của Seoul, bao gồm sự thúc đẩy các chuyến đi cá nhân tới Triều Tiên và hợp lực chống chủng mới virus Corona.
Bình Nhưỡng đã chỉ trích Seoul chậm chạp thực thi các thỏa thuận mà lãnh đạo song phương đạt được trong 3 cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018 do lo sợ phía Washington phản đối. “Từ năm 2018, hầu như không có sự thực thi các thỏa thuận… Khi mà không thỏa thuận hay đề xuất nào được thực hiện, cơn giận của Triều Tiên dường như đã sục sôi”, Hong nói. “Có vẻ đây không phải cơn giận bộc phát mà là sự thể hiện những cảm xúc ngầm của nước này về Hàn Quốc”.
Ông Hong lưu ý rằng, sự chỉ trích mới nhất của Triều Tiên có thể cho thấy thế bế tắc dài hạn trong các quan hệ xuyên biên giới giữa 2 nước, bởi Bình Nhưỡng dường như tin rằng Hàn Quốc không sẵn sàng hợp tác.