(Baonghean) - Không thể phủ nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các sở ngành liên quan trong công tác chấn chỉnh hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn những diễn biến phức tạp…

Ngang nghiên khai thác “cát lậu”

Hơn 6 giờ sáng ngày 6/7, có mặt tại đường ven sông Lam, nơi giáp ranh hai huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, thuộc khu vực các xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên), Xuân Lâm (Nam Đàn), nhìn xuống dòng sông Lam là hình ảnh gần chục con tàu đang thọc sâu vòi rồng xuống dòng sông để hút cát. Tiếng máy nổ vang vọng cả một khúc sông. Thậm chí, có những tàu hút hoạt động công khai ngay sát bờ sông, tại thời điểm mặt trời đã bắt đầu lên cao.

1499415845284.jpgTàu hút cát trên sông Lam đoạn qua xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) vào sáng 6/7. Ảnh: Lân Bằng

Theo những người hiểu chuyện, khu vực sông Lam đoạn giáp ranh giữa Nam Đàn và Hưng Nguyên đến thời điểm hiện tại, cấp thẩm quyền chưa cấp mỏ khai thác cát cho một đơn vị nào để tiến hành khai thác cát sỏi. Họ cho biết: “Việc khai thác cát trên sông Lam đoạn giáp ranh hai huyện vẫn thường xuyên diễn ra. Các chủ tàu hút, dù biết việc làm của họ là vi phạm pháp luật nhưng vẫn ngang nhiên hút cát như thách thức cơ quan chức năng…”.

Tìm hiểu được biết, toàn tỉnh có 46 điểm mỏ khai thác cát sỏi được cấp giấy phép; có 17 điểm mỏ được cấp phép thăm dò cát, sỏi và đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác. Hoạt động khai thác cát, sỏi chủ yếu bằng hình thức lộ thiên, sử dụng thuyền máy để bơm hút cát, sỏi lên thuyền hoặc bến bãi. Đây là con số được quản lý trên giấy tờ nhưng thực tế thì đang diễn ra vô cùng phức tạp. Bởi hoạt động khai thác tại một số mỏ đã được cấp phép không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chủ yếu là vi phạm về quy trình khai thác, điều hành, quản lý khai thác và bảo vệ môi trường, an toàn lao động, khai thác ngoài vị trí được cấp phép, trốn thuế.

Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp, Hợp tác xã được cấp phép khai thác cát sỏi nhưng không quản lý, khai thác hoặc khai thác với công suất hạn chế, chủ yếu thu tiền của người dân và để mặc cho người dân vào khai thác trái phép, tùy tiện, không kiểm soát khu vực mỏ được cấp phép.

Tại khúc sông giáp ranh giữa 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn, có rất nhiều tàu cát vô tư hút cát sỏi. Tiếng máy nổ vang vọng cả một khúc sông. Ảnh: Lân Bằng

Một vấn đề đang nhức nhối hiện nay là tình hình tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, có nhiều thủ đoạn đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng. Nhiều chủ tàu đã cho khai thác cát, sỏi trái phép vào giữa đêm đến sáng sớm, nếu bị phát hiện thì không cho lực lượng chức năng tiếp cận tàu, thuyền; sử dụng nhiều máy nổ để tăng tốc bỏ chạy. Nhiều doanh nghiệp mặc dù đã được cấp mỏ nhưng không duy trì cắm mốc xác định giới hạn mỏ được cấp phép khai thác nhằm mục đích khai thác ngoài khu vực cấp phép.

Để đấu tranh với các hành vi vi phạm, các sở, ban ngành, địa phương trong thời gian qua đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra và thực hiện nhiều biện pháp để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm trong hoạt động này. 

Ngày 4/4/2017, trên sông Lam thuộc địa bàn xóm 16, xã Hưng Long (Hưng Nguyên), Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện, bắt quả tang tổ hợp gồm 6 thuyền máy của 6 đối tượng có hành vi khai thác cát sỏi trái phép. UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 60 triệu đồng, tịch thu 10 máy nổ…

Trong đợt cao điểm, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 78 vụ, 80 đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát sỏi; tạm giữ 23 thuyền máy vỏ sắt, 8 xe ô tô, 4 máy xúc, 17 máy hút cát và 890 m3 cát. Công an cũng đã xử ký hành chính 41 vụ, 42 đối tượng, thu nộp ngân sách 407 triệu đồng, tịch thu 2 thuyền vỏ sắt, 38 máy nổ, 36 đầu hút cát sỏi... Hiện cơ quan công an đang tiếp tục xác minh, xử lý 37 vụ, 38 đối tượng. 

Làm rõ trách nhiệm của địa phương

Không chỉ tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông có diễn biến phức tạp mà hoạt động tập kết, kinh doanh cát sỏi trên bờ hiện cũng đang còn tồn tại nhiều vi phạm. Tại  các bãi bồi thuộc các xã Hưng Xuân, Hưng Xá, Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên); Thanh Tiên, Thanh Văn (Thanh Chương), Thuận Sơn, Trung Sơn (Đô Lương)... có hàng chục bến cát hoạt động rầm rộ, công khai dù chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép mở bến thủy nội địa.

Còn trên bờ, đoạn qua xã Hưng Xuân, ngay sát chân cầu Yên Xuân có một bến cát đã tồn tại lâu, bị các cơ quan chức năng, địa phương xử lý vi phạm nhiều lần nhưng vẫn tồn tại mặc dù chưa có giấy phép. Đáng chú ý, bến cát này ngày càng hoạt động rầm rộ như thách thức cơ quan chức năng. Ảnh: Lân Bằng

Điều đặc biệt là trong đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh dịp năm 2016, hầu hết các bến cát này đều bị lập biên bản, đình chỉ hoạt động để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Như các bến cát nằm khá sát cầu đường sắt Yên Xuân (xã Hưng Xuân), cuối xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) còn mở rộng bến bãi để hoạt động kinh doanh cát sỏi. Cũng trong buổi sáng ngày 6/7/2017, hoạt động kinh doanh cát sỏi tại các bến này vẫn hoạt động như đã được cấp phép hợp pháp; các phương tiện vận chuyển cát ra vào liên tục.

Thông tin từ cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 40 bến thủy nội địa tập kết cát, sỏi có phép và còn khoảng 56 bến bãi tập kết cát sỏi hình thành tự phát, trái phép, hoạt động không ổn định về thời gian và địa điểm. Hoạt động mở bến, bãi tập kết cát sỏi trái phép gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tiếp tay cho hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên dòng sông. Trong các đợt kiểm tra vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều bến bãi kê khai không đúng lượng cát sỏi thực tế để trốn thuế, phí tài nguyên môi trường. Với cát lậu, nhiều đơn vị thu mua sau đó hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp được phép khai thác cát, sỏi...

Vì sao tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi dã diễn ra trong một thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có một biện pháp để giải quyết triệt để ? Trả lời câu hỏi này, là không quá khó. Đầu tiên, là trách nhiệm của chính quyền của một số địa phương, cơ sở. Họ đã lơ là, buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước mà pháp luật đã quy định và được nêu rõ tại quy chế trong quản lý khoáng sản mà tỉnh đã ban hành.

Bên cạnh đó, kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng chưa tương xứng với diễn biến tình hình địa bàn, chưa đấu tranh có hiệu quả  với các hành vi trốn thuế, mua bán hóa đơn mà chủ yếu tập trung đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động bơm hút cát trái phép; và việc xử lý, giải quyết cấp phép các bến thủy nội địa còn những bất cập, kéo dài thời gian…

Bến cát tại xã Hưng Long mặc dù chưa được cấp phép nhưng chủ bến đã đóng cọc, rào thép gai, trồng cây xung quanh. Ảnh: Lân Bằng

Trước những tồn tại trên, mới đây, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Quy chế mới đã xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các sở, ngành liên quan; UBND cấp huyện, thành, thị và cấp xã. Điểm đặc biệt, vai trò trách nhiệm của UBND các huyện, thành thị và UBND phường,  xã trong việc quản lý, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép được quy định rất rõ. Bên cạnh chỉ rõ các quyền hạn theo quy định của pháp luật, thì gắn với trách nhiệm trước cấp thẩm quyền.

Cụ thể, UBND cấp xã có trách nhiệm tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo; chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Cùng với đó, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn theo quy định hiện hành; xử lý vi phạm, đình chỉ hoạt động và yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản khắc phục hậu quả theo thẩm quyền được quy định.

Đồng thời, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật trong việc chậm trễ xử lý, hoặc không xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Cùng với gắn trách nhiệm thì công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho lực lượng lao động chuyên sinh sống bằng nghề khai thác cát sỏi cũng cần được quan tâm. Hy vọng trong thời gian tới, với những giải pháp được nêu tại bộ quy chế mới, những diễn biến phức tạp trong khai thác, kinh doanh cat sỏi lòng sông sẽ được chấn chỉnh.

Tại Hội nghị trực tuyến về triển khai nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi vào ngày 6/7, Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Trương Hoà Bình yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch thăm dò, khai thác cát đã được phê duyệt theo quy định, chỉ đạo các sở ngành thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản. Chỉ đạo các sở ngành và chính quyền cấp huyện, xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về khai thác khoáng sản đến các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính cấp huyện, xã để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, lập bến bãi thu mua trái phép cát, sỏi kéo dài mà không xử lý dứt điểm…


Nhật Lân – Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN