(Baonghean) -Chỉ thị số 09/CT - TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ được triển khai từ tháng 9/2012. Sau một năm thực hiện, chỉ thị đã tác động tích cực đến đông đảo tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tuy vậy việc xử lý vẫn còn nhiều lúng túng…

Là một huyện có tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và tỷ lệ sinh con thứ 3 thuộc nhóm cao nhất tỉnh, nên những năm qua công tác dân số ở huyện Quỳnh Lưu gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, dân số toàn huyện tăng vọt với tỷ lệ 17,7% (gần gấp đôi so với năm 2011), trong đó số người vi phạm sinh con thứ 3 trở lên chiếm đến gần 30%, nhiều người vi phạm là cán bộ, đảng viên, giáo viên. Điều đó gây ảnh hưởng  xấu, phản tác dụng tuyên truyền, làm cho một bộ phận nhân dân xem thường chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, Chỉ thị 09/CT – TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS – KHHGĐ được coi là “cú hích” quan trọng đối với những người làm công tác dân số ở Quỳnh Lưu nói riêng, các địa phương trên toàn tỉnh nói chung. Trước đây, mặc dù tỉnh đã có những quy định về xử lý những trường hợp vi phạm, nhưng còn chung chung, ngoài xử phạt hành chính cá nhân, chưa nêu rõ trách nhiệm của các  tập thể, lãnh đạo có người vi phạm. Chỉ thị 09 đã khắc phục những tồn tại đó, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc theo dõi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện chính sách dân số.

Phát huy vai trò, tự giác, trách nhiệm của người đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu đối với cơ quan, đơn vị có người vi phạm chính sách dân số. Vì thế chỉ thị ra đời, đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tổ chức đơn vị trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu,  100% cán bộ, đảng viên ở các đơn vị đã thực hiện ký cam kết. Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xử lý cán bộ vi phạm. Chỉ tính riêng năm học 2012 -2013, toàn ngành  có 54 trường hợp vi phạm việc sinh con thứ 3 (đứng thứ 2 toàn tỉnh), trong đó có 3 trường hợp là cán bộ.

Thực hiện nghiêm túc quy định của tỉnh, ngay trong đợt tổng kết cuối  năm học, 53 trường được xếp loại xuất sắc, tiên tiến đã tự hạ xuống loại khá. Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu từ đơn vị đạt danh hiệu tiến tiến xuất sắc đã bị cắt danh hiệu. Về phía lãnh đạo, ngoài trưởng, phó phòng giáo dục thì các hiệu trưởng, hiệu phó có cán bộ nhân viên trong trường vi phạm  đều bị cắt danh hiệu chiến sỹ thi đua. Đặc biệt, hai trường hợp là cô K - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non bán trú Quỳnh Châu và thầy H - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Hưng, đã tự nguyện xin chuyển khỏi vị trí lãnh đạo xuống làm giáo viên bình thường sau khi vi phạm chính sách dân số.

802208_small_104476.jpg

Phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách dân số ở Thanh Chương.  Ảnh: PV

Nói về việc xử lý các đối tượng vi phạm chính sách DS/KHHGĐ theo Chỉ thị 09, cô giáo Đặng Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Lâm A cho rằng: Chưa có một văn bản nào cương quyết như Chỉ thị 09. Mỗi chúng tôi, sau khi nghiên cứu kỹ chỉ thị và ký cam kết đều tự nhắc nhở mình và cán bộ giáo viên trong trường cần phải thực hiện nghiêm túc, thứ nhất là cho ngành, cho trường, thứ nữa còn là để  làm gương cho phụ huynh và giáo viên. Ở Trường Tiểu học Quỳnh Lâm A, sau khi có giáo viên vi phạm, cũng đã xếp loại khá dù năm học 2012 - 2013 là năm nhà trường đạt nhiều thành tích cao trong công tác dạy và học. Mặc dù rất tiếc bởi đã nhiều năm rồi Quỳnh Lâm mới có thể vươn lên và nằm trong nhóm trường có số giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi huyện đạt kết quả cao nhất, nhưng cô giáo Hồng cho rằng: Đó cũng là một kinh nghiệm quý trong công tác quản lý. Quan trọng hơn, sau khi xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trên, cán bộ, giáo viên sẽ tự nâng cao ý thức đối với tập thể, với ngành.

Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 4.740 người vi phạm chính sách DS – KHHGĐ, sinh con thứ 3 trở lên, trong đó cán bộ, đảng viên có 293 người. Trong số những người vi phạm, nhiều nhất là giáo viên, tập trung chủ yếu ở các huyện đồng bằng như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc. Một số người hiện đang là lãnh đạo các đơn vị như Phó Ban dân vận Huyện ủy Thanh Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp - Sở Giáo Dục và Đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú 2... Tổng hợp 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy, tuy số lượng người vi phạm chính sách dân số còn khá cao nhưng việc xử lý vi phạm nhiều nơi còn chưa triệt để, số vi phạm đã xử lý chỉ chiếm chưa đến 50%. Một số huyện có số cán bộ, đảng viên chưa xử lý còn khá cao như Nam Đàn 12/21 người, Anh Sơn 13/22 người; Yên Thành 18/30 người; Kỳ Sơn 6/6 người. Thanh Chương 39/39 người vi phạm chưa bị xử lý.
Nói về lý do chậm xử lý, ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Thanh Chương cho rằng: Chúng tôi đã tổ chức ký cam kết, đồng thời đôn đốc cơ sở thực hiện nhưng thực sự dưới xã và các đơn vị rất “vướng”, không biết xử lý thế nào. Cụ thể, trong Quyết định 76, Chỉ thị 09 có đề ra mức xử phạt đối với tập thể, đối với đảng viên, nhưng lại không nói rõ xử lý cán bộ như thế nào, chỉ nói chung chung là “xử lý theo quy định của pháp luật” hoặc “theo bản cam kết của đơn vị”. Theo đó, nếu chỉ xử phạt hành chính thì chưa đủ mức răn đe, còn nếu thuyên chuyển thì không phải đơn vị nào cũng thuyên chuyển cán bộ được, còn xử lý theo hình thức tự nguyện, tự viết đơn thì “hiếm” lắm.

Bà Vũ Thị Hiền, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu lại băn khoăn: Hiện từ phòng Giáo dục xuống các trường, chúng tôi đã chỉ đạo rất cương quyết. Tuy nhiên, việc xử lý nghiêm túc chỉ dừng lại ở các vị trí lãnh đạo, còn cán bộ, giáo viên thì chưa có quy định chi tiết. Cách thức chung, nếu là đảng viên, nặng thì khiển trách, nếu là quần chúng thì mới dừng lại ở việc 3 năm không được tăng lương... Những hình thức đó, chưa đủ để răn đe nếu thực sự họ muốn sinh con thứ 3. Cô Đặng Thị Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Lâm A thừa nhận: Mức xử phạt hiện nay với tập thể thì nặng, còn đối với cá nhân lại không rõ ràng.

Vì không có quy định chung nên các trường đang chần chừ, “nhìn vào nhau” để tìm giải pháp. Nếu đã xử lý thì đang là  “giơ cao đánh khẽ” vì người vi phạm đều là anh em, đồng nghiệp “một nhà”. Cũng vì  không có quy định chi tiết cụ thể nên mỗi địa phương, mỗi ngành có cách xử lý khác nhau. Thậm chí có trường hợp, cùng là ngành Giáo dục nhưng trên Sở, lãnh đạo phòng, phó Hiệu trưởng vi phạm thì chỉ bị khiển trách, còn dưới cơ sở thì lại bị thuyên chuyển, cách chức. Chính cách xử lý không đồng bộ, không nghiêm túc đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý chung và đi ngược lại với tinh thần của chỉ thị, chưa kể nhiều trường hợp còn tìm cách lách luật. Có ý kiến còn cho rằng “xử lý mà không liên quan đến chức vụ thì còn sinh đẻ nhiều”.

Trước những thực tế trên, thiết nghĩ  Sở Y tế và Chi cục Dân số tỉnh phải có hướng dẫn chi tiết, quy định cụ thể những hình thức xử lý đối với từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đôn đốc các địa phương rà soát từng trường hợp vi phạm để tiến hành xem xét, gắn việc xử lý với việc tuyên truyền, vận động để mỗi người dân hiểu và nghiêm túc  thực hiện.


Mỹ Hà