Bưởi có vị chua, tính lạnh, làm cho thư thái, trị nôn nghén, biếng ăn, tích rượu.
Vỏ bưởi tính vị đắng, cay, thông lợi, trừ đàm, hóa thấp, hòa huyết, giảm đau, tiêu phù (bỏ cùi trắng sao vàng).
Việt Nam có nhiều giống bưởi quý: Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, bưởi Năm Roi, bưởi Thanh Trà… cả cây bưởi đều có ích tăng cường sức khỏe. Sau đây là một số cách dùng bưởi để phòng chữa bệnh.
Chế nước pectin để uống
Hạt bưởi chọn loại to, sạch, đẹp. Để dùng trong ngày lấy khoảng 20 hạt. Cho hạt vào cốc, rót nước sôi ngập hạt đánh đều khoảng 5 phút rồi lắng lấy nước vào 1 cốc riêng. Đổ nước lần 2, lần 3 cho đến khi hạt bưởi hết chất nhầy. Dồn nước đã góp lại để dùng. Sau 3 giờ không dùng hết thì cho vào tủ lạnh sẽ tạo thạch. Dùng để uống cho mát vào ngày hè, tiêu hóa tốt, chống táo bón, giảm hấp thu chất béo gây béo phì, khống chế tăng đường huyết cho người bị đái tháo đường, các trường hợp chảy máu (trĩ, phẫu thuật).
Bưởi làm thuốc
Múi bưởi: Vị ngọt chua, tính hàn. Dùng để giã rượu, cầm nôn nghén.
Vỏ bưởi: Vị đắng ngọt, tính ấm. Giảm ho long đờm, điều khí giảm đau. Vỏ bưởi đào hay dùng làm thuốc hơn (lợi tiểu tiêu phù). Bóp tinh dầu chữa rụng tóc, hói đầu.
Hạt bưởi: Vị đắng, tính ấm, chữa ăn không tiêu.
Hoa bưởi: Thơm ngát làm hương liệu giúp tiêu hóa tốt.
Theo Tuệ Tĩnh, bưởi có vị chua, tính lạnh, làm cho thư thái, trị nôn nghén, biếng ăn, tích rượu. Vỏ bưởi tính vị đắng, cay, thông lợi, trừ đàm, hóa thấp, hòa huyết, giảm đau, tiêu phù (bỏ cùi trắng sao vàng).
- Chữa đau dạ dày: làm nước pectin từ hạt bưởi như đã nói trên để uống.
- Đau bụng ăn không tiêu: vỏ bưởi sao vàng 4 -12g, sắc lấy nước uống.
- Đau bụng do lạnh, đầy: lá bưởi non luộc hay nướng, đắp lên rốn.
- Trĩ: rễ bưởi rửa sạch 20g/ngày sắc uống.
- Hạ nang (bìu dái) sa xuống đau tức: bưởi non 1 quả, gọt vỏ sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống.
- Thấp khớp: chùm gửi cây bưởi sao vàng sắc nước uống.
- Lá bưởi dùng cho nồi xông giải cảm lạnh.
Ở Việt Nam có món bưởi ướp mật ong: múi bưởi tươi 500g, mật ong 250g.
Rượu trắng vừa đủ, múi bưởi bóc vỏ, bỏ hạt ngắt từng miếng nhỏ, bỏ trong bình sứ đổ rượu vừa phải, đậy nút, bịt kín miệng lọ, ngâm 1 đêm. Ngày hôm sau cho múi bưởi vào nồi đun đến khi đặc thì cho mật ong, trộn đều là được. Khi nguội đựng vào lọ sứ dùng dần. Ngày ăn 3g, ngày 3 lần. Công dụng trừ thấp, tan đờm, trị ho, kém ăn. Thầy thuốc Trung Quốc ca ngợi tác dụng của nó thanh phế nhiệt, hóa đàm khi dùng bưởi tươi. Nếu gặp ho đàm ở người có tiêu hóa không tốt thì nấu canh bưởi với thịt heo nạc, thêm mấy lát gừng già để trợ tiêu hóa thì sẽ có hiệu quả mong muốn.
Vào dịp Tết, nhà nào cũng mâm cao cỗ đầy, thường là thức ăn béo trệ. Do đó rất cần thường xuyên có rau trái tươi, nhất là bưởi và họ hàng cam, quýt, quất… Và phải nhớ bưởi “toàn bộ”, nghĩa là bóc lấy múi để ăn, không chỉ ép lấy nước, không dùng máy xay sinh tố (trừ trường hợp không có răng hoặc không nhai được) vì sẽ làm hỏng sự kết hợp hài hòa trong cơ cấu của nó, và tránh được gây suy dinh dưỡng cho trẻ. Để hoàn chỉnh hơn nữa, cần ăn thêm ít phần xốp cũng có nhiều tác dụng phòng chữa bệnh cho mọi người. Có tác giả còn viết phải chọn ăn loại bưởi có hột, vì hột ngâm nước chế thành những món ăn dân dã, thú vị như thạch trắng.
Kị ăn bưởi
Các chứng bệnh kị chua như đau dạ dày thừa toan, không ăn lúc đói gây cồn ruột và một số bệnh về răng, miệng (gây xót, mòn men răng...).