(Baonghean) - Mỗi chuyến ra khơi, ngoài nhiệm vụ đánh bắt thủy sản thì ngư dân còn mang trên mình trách nhiệm cùng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển cũng như tham gia cứu nạn, cứu hộ. Mỗi ngư dân, mỗi con tàu là một “cột mốc sống” miệt mài vươn khơi khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những chiến sỹ không súng
 
Hơn 35 năm đi biển là quãng thời gian mà ngư dân Nguyễn Quang Toan (SN 1957) ở xóm Xuân Dương, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) không thể nào quên trong tâm trí mình. Tình yêu của ông đối với biển khó có thể có lời nào diễn tả được, chỉ biết rằng, nếu không đi biển thì lúc nào ông cũng thấy bồn chồn, lo lắng. Chiếc tàu 155 CV do ông làm chủ đã đi qua nhiều vùng biển, mỗi tháng mang về cho gia đình khoảng 100 triệu đồng, mỗi lao động trên tàu cũng có thu nhập  khoảng 8 -10 triệu đồng. Nhiều người biết đến ông không chỉ là một ngư dân giỏi mà còn là người luôn có trách nhiệm tham gia góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. Ông Toan cho biết: “Bố vợ tôi trước là Bí thư HTX Vạn Xuân hơn 30 năm và trong quá trình công tác thì ông luôn tham gia tích cực cùng với lực lượng công an, biên phòng nắm tình hình để đảm bảo an ninh trật tự. Tiếp nối truyền thống đó của gia đình, năm 2003, tôi bắt đầu ghi lại các sự việc trên biển để báo về cho lực lượng biên phòng. Tôi nhận thức được rằng, biển của mình thì mình phải giữ và mỗi người đều phải có trách nhiệm và hành động cụ thể theo hoàn cảnh của bản thân”. 
images1122638__nh_3.jpgĐội tàu cá vươn khơi của phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai).
 
Lật từng trang trong cuốn sổ nhật ký hành trình, ông Toan chỉ cho chúng tôi xem những dòng chữ ghi tọa độ, địa điểm nội dung cụ thể. Đó là những lần ông thấy tàu của Trung Quốc ngang nhiên vào đánh bắt trong vùng biển của nước ta hay các tàu có biểu hiện buôn lậu xăng dầu, dùng chất nổ đánh bắt thủy sản trái phép. Tất cả được ông ghi lại một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Ông Toan không nhớ hết đã báo bao nhiêu tin tức trên biển về cho lực lượng biên phòng, nhưng điều ông cảm nhận được là sự đón nhận và cách xử lý nhanh nhạy của lực lượng biên phòng ông cảm thấy rất an tâm. “Ngư dân Việt Nam không khuất phục trước sự gây rối, xâm phạm lãnh hải của tàu thuyền Trung Quốc. Từ lâu bà con đã coi “biển là nhà” nên trong khó khăn vẫn vững vàng bám biển”, ông Toan khẳng định chắc nịch.
Ngư dân Nguyễn Quang Toan và cuốn nhật ký an ninh trên biển.
 
Ngư dân trẻ Nguyễn Phúc Sơn (SN 1981), khối Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai cho biết, trong các chuyến đánh bắt tại vùng biển Vịnh Bắc bộ hay các vùng biển từ Thanh Hóa vào đến Đà Nẵng tàu đánh cá của Trung Quốc xuất hiện rất nhiều. Cá biệt có những tàu ngang nhiên gây hấn với tàu của ngư dân mình. Mỗi lần như thế, các ngư dân rất bình tĩnh, khôn khéo xử lý, giữ được tình hình an ninh trên biển. “Lá cờ không chỉ thể hiện vị thế của chúng ta mà còn khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Vì thế mà khi cờ rách là anh em phải thay liền và mỗi chuyến đi thì trên tàu luôn chuẩn bị sẵn 4 - 5 lá cờ để thay khi cần. Lá cờ treo lên để tượng trưng cho một con tàu - một cột mốc sống để tăng thêm sức mạnh cho ngư dân. Biển đảo của mình đến đâu thì cờ Tổ quốc mình đến đó”, anh Sơn tâm sự.
 
Cứu bạn như cứu mình
 
Rủi ro, tai nạn trên biển luôn rình rập và có thể ập đến lúc nào đối với ngư dân. Trong những tình huống như vậy, ngoài lực lượng biên phòng thì chính mỗi ngư dân, mỗi con tàu là lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ nhanh nhất, hiệu quả nhất. Dọc các vùng biển qua các huyện, khó có thể đếm hết những tâm gương, những ví dụ điển hình, sống động trong việc giúp đỡ nhau khi hoạn nạn xảy ra. Trong hơn 10 năm đi biển, tàu của anh Nguyễn Phúc Sơn đã cứu được 9 tàu khác đi bị tai nạn trên biển. Kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là lần anh Sơn lao xuống dòng nước cùng với các bạn thuyền cứu được con tàu của anh Trần Văn Minh khi đang gặp nạn tại vùng biển Bạch Long Vỹ.
 
Kể về hành động này, anh Sơn nhớ lại: Ngày 25 Tết năm 2013, tàu cá của anh Trần Văn Minh (người cùng phường Quỳnh Phương) bị tàu chở hàng Bình Minh (Hải Phòng) đâm vào mạn tàu khiến tàu bị thủng, nước vào. Lúc đó, tàu của anh Sơn đang cách xa khoảng 30 hải lý, nhận được tin báo qua bộ đàm, anh đã quyết định kéo lưới lên và chạy xuống giúp đỡ. “Lúc đến gần, thấy tàu bị thủng và nước vào nhiều, tôi liền nhảy xuống biển, cùng với anh em kéo bạt trùm ngay mũi tàu rồi ép tàu về. Nếu tàu chúng tôi không cứu kịp thời thì tàu của anh Minh chắc chắn sẽ đắm. Khi mình cứu tàu của bạn thì mình cũng không nghĩ chuyện trả ơn vì ai đi biển mà chẳng có một lần gặp tai nạn. Vì vậy, cứu bạn cũng như cứu mình mà thôi”, anh Sơn chia sẻ.
 
Năm 2014, 1 tàu cá của ngư dân Thanh Hóa khi đang đánh bắt gần đảo Mắt thì bị chết máy và chìm. Nhận được tin báo, anh Phùng Bá Thu, trú tại khối 9, phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) đã gọi các lao động trên thuyền đánh 2 tàu ra đảo Mắt cứu người. Sau hơn 2 tiếng ra khơi, tàu của anh Thu đã tiếp cận được và cùng với lực lượng biên phòng cứu tất cả các ngư dân lên tàu an toàn. Để trục vớt tàu lên, 2 tàu cá của anh Thu đã dùng tời kéo lên và dắt về bờ. Anh Thu kể: Vật lộn trong nước gần ngày trời thì chiếc tàu mới được trục vớt lên và kéo vào bờ. Lúc đó, mình cũng chỉ mong cứu được người và được tàu chứ không nghĩ chi cả. Sau này, chủ tàu bị nạn có đến cảm ơn nhưng anh em đi biển đều hiểu rằng, tai nạn thì khó tránh khỏi nên việc tương trợ lẫn nhau là điều cần thiết và ai vào hoàn cảnh lúc đó cũng sẽ làm vậy. Có thể hiểu rằng, đối với ngư dân thì chuyện tương trợ nhau đó là điều thuộc về trách nhiệm. Biển cả thì nhiều lúc vô tình nhưng ngư dân thì không thể như vậy và đó cũng là cách để ngư dân yên tâm vững vàng ra khơi.
 
Với mục đích cỗ vũ, động viên ngư dân ra khơi bám biển khai thác, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã tổ chức chương trình “Vì những con tàu ra khơi”. Chương trình mang thông điệp về tình yêu Tổ quốc trên hành trình đến với biển đảo Việt Nam, từ những hy sinh âm thầm của người lính nơi đảo xa, những người lính biên phòng đã dũng cảm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cứu dân gặp nạn; đến những ngư dân quả cảm giàu lòng yêu nước, dũng cảm khẳng định chủ quyền của Tổ quốc bằng sự lao động miệt mài, kiên trì bám biển... Trong 15 ngư dân được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tặng quà năm 2014 đều đã có những đóng góp nhất định cùng với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương tiếp tục giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Khi ra khơi thì mỗi ngư dân, mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền thiêng liêng để nhắc nhở với cộng đồng quốc tế rằng, người dân Việt có một tình yêu thiêng liêng với từng tấc đất, ngọn sóng và quyết tâm không chịu lùi bước trước một kẻ thù nào để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho đến muôn đời sau. 
 
Phạm Bằng