(Baonghean) - Con đường dẫn vào làng nghề hương thẻ Tây Lân, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc dịp này được điểm tô bởi những thảm hương phơi rực rỡ sắc màu. Thoảng trong làn gió, mùi hương thơm nhẹ như báo hiệu Xuân đang về...
ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ LÀM HƯƠNG
Trở lại làng nghề hương thẻ Tây Lân vào dịp Xuân này đã thấy nhiều đổi thay trong cách làm nghề. Không còn cảnh các lao động khẩu trang che kín mặt, phủ đầy bụi nguyên liệu như xưa mà thay vào đó là những cỗ máy trộn, máy gắp tăm, máy làm hương thay thế người làm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhà anh Lê Văn Việt từ mấy năm nay ngoài 2 vợ chồng còn thuê thêm từ 4 đến 5 người làm. Được vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh đầu tư thêm tiền mua 2 bộ máy làm hương. Anh Việt cho biết: Mỗi chiếc máy làm hương và 1 người đứng máy có thể làm thay cho từ 10 đến 15 lao động vo hương bằng tay như trước. Lượng hương làm ra ngày một nhiều hơn. Ngoài sản phẩm hương thẻ, vào dịp Tết đến, Xuân về, gia đình anh còn nhận sản xuất thêm hương trầm phục vụ nhu cầu của người thân và một số bạn hàng. Còn trên ngõ vào nhà anh Nguyễn Hữu Thắng là cả một dãy dài được đổ bê tông sạch đẹp. Vào những ngày nắng ấm, hai bên ngõ được ken dày những giá phơi, những vòng xoáy hương đẹp mắt. Cả cơ ngơi nhà cửa khang trang, rộng rãi được dành cho việc làm hương. Bên cạnh 2 người thợ lành nghề vận hành 2 chiếc máy làm hương còn có 3 lao động khác đang liền tay bó hương, đóng thẻ. Tranh thủ ngày nghỉ, mấy đứa con của anh Thắng cũng tích cực tham gia phụ giúp gia đình. Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh bán ra thị trường được 3 vạn búp hương các loại.
Nhận xét về những đổi thay trong hoạt động của làng nghề, ông Nguyễn Đình Sơn - Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Tây Lân cho biết: Cả xóm có 73 hộ dân, 120 lao động, thì đã có đến 27 hộ có nghề làm hương. Những năm trước đây, từ khâu trộn bột, nhúng tăm, lăn hương, đóng gói đều làm bằng tay; sản phẩm làm ra chỉ chủ yếu phục vụ nhu cầu trong vùng và một số bạn hàng truyền thống. Nhưng từ tháng 4/2014, Hội Nông dân xã xây dựng đề án phát triển làng nghề và cho vay 350 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, làng nghề hương thẻ Tây Lân được đầu tư máy móc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người làm hương cũng đỡ cực nhọc.
KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU LÀNG NGHỀ
Nghề hương bén duyên đất Tây Lân đã khá lâu, lúc đầu chỉ có một vài nhà làm, dần dần lan rộng ra cả làng. Có thời điểm nông nhàn, nhà nhà đều làm hương. Người có kỹ thuật thì nhúng bột, lăn hương; người không có kỹ thuật thì tham gia phơi, đóng gói. Do sản phẩm làm ra còn ít, nên thương hiệu hương thẻ Tây Lân mới chỉ đến được với các thị trường lân cận. Từ khi được công nhận làng nghề thương hiệu hương thẻ Tây Lân từng bước chiếm lĩnh được thị trường, sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của các bạn hàng.
Ông Lê Văn Nam - Trưởng làng nghề hương thẻ Tây Lân chia sẻ: “Trước đây, khi muốn tiếp cận ra thị trường xa hơn, hương thẻ Tây Lân còn phải nhờ đến thương hiệu của các bạn hàng cung cấp nguyên liệu. Từ khi có nguồn sản phẩm lớn, được người tiêu dùng ưa chuộng, thương hiệu hương thẻ Tây Lân đã tự tin khẳng định với thị trường. Những thương hiệu hương Việt Lý, Thắng Thủy, Nam Hồng,.. của làng hương Tây Lân được các bạn hàng tin tưởng đặt làm với số lượng ngày càng lớn. Ngoài việc giữ chân những bạn hàng truyền thống, hương thẻ Tây Lân không chỉ có mặt ở những đại lý lớn trong tỉnh mà còn xuất bán vào Hà Tĩnh, các tỉnh miền Nam và theo những chuyến xe sang nước bạn Lào. Đầu ra được khẳng định, các hộ làm hương ở Tây Lân không còn phải thụ động vừa làm, vừa lo tiêu thụ như trước nữa. Bây giờ, hầu như ngày nào người làng hương cũng có việc để làm. Nắng ấm thì chạy máy làm hương, phơi sấy; mưa gió thì đóng gói, dán tem. Nhà nào nhà nấy trước mỗi dịp lễ, Tết kho chứa đầy hàng nhưng chẳng phải lo nhiều về khâu tiêu thụ.
Khi được hỏi về thu nhập và hướng phát triển của làng nghề, ông Hoàng Văn Việt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Trường phấn chấn cho biết: Sau một thời gian mở rộng và phát triển, đến nay làng nghề đã cơ giới hóa được một số công đoạn làm hương. Những hộ còn gắn bó với nghề đều có kỹ thuật, có bạn hàng và đặc biệt là có điều kiện để mở rộng thị trường. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, nhân công, các hộ làm hương còn có lãi từ 100 đến 150 triệu đồng; nhiều hộ đã mua sắm được ô tô để phục vụ giao dịch. Đặc biệt là 27 gia đình làm nghề đang tạo việc làm cho hàng chục lao động trong làng với thu nhập trung bình từ 100.000 đến 200.000 đồng/người/ngày.
Rời làng nghề hương thẻ Tây Lân trong ngày Xuân, những ngõ xóm, vườn nhà được “dát” bằng những giá phơi hương sặc sỡ sắc màu; những chuyến xe nối đuôi nhau mang sản phẩm làng hương đến với bạn hàng. Khung cảnh sôi động đó làm cho người dân nơi đây vững tin về một làng nghề đang phát triển, vươn xa.
Bài, ảnh: Hoàng Minh