Xin giới thiêu bài viết của tác giả Gabriel Demombynes, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Hôm nay là Ngày Quốc tế Xoá nghèo của Liên Hợp Quốc cũng là thời điểm chúng ta nhìn lại những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam và mục tiêu dài hạn về giảm nghèo và tăng trưởng cho mọi người. Rất ít quốc gia đạt được những thành tựu giống như Việt Nam về giảm nghèo trong 25 năm qua.
Kể từ khi bắt đầu Đổi mới, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao mà bất công không tăng nhiều, một thành tích mà không nhiều quốc gia dù ở trình độ phát triển nào cũng có thể đạt được. Hàng chục triệu người đã được thoát nghèo. Tình trạng nghèo cùng cực – được đo bởi số dân sống dưới 1,25 USD/ngày – cơ bản đã được xoá bỏ.
Việt Nam cũng đã có những cải thiện ấn tượng về tình trạng sức khoẻ của người dân, qua việc tuổi thọ tăng cao và số năm sống khoẻ mạnh, giảm đáng kể các bệnh lây nhiễm, và mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế. Phần lớn trẻ em được đến trường và kết quả bài thi kiểm tra quốc tế của các em cao hơn một số quốc gia OECD.
Việt Nam cũng đã bước đầu xây dựng được một hệ thống hưu trí và bảo trợ xã hội. Tất cả những kết quả trên đều góp phần vào thành tích đáng nể về phát triển toàn diện, và Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các quốc gia thu nhập thấp.
Vấn đề hiện nay là làm thế nào để các thể chế và chính sách xã hội có thể đóng vai trò quan trọng không kém trong việc đạt được những khát vọng của Việt Nam trong 20 năm tới. Tiếp tục con đường cũ không đủ để đảm bảo rằng Việt Nam sẽ duy trì được một xã hội tăng trưởng cao và đồng đều.
Ngày nay, Việt Nam phải đối mặt với những yêu cầu phức tạp hơn trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia thu nhập trung bình thấp sang một quốc gia công nghiệp hiện đại. Hơn nữa, Việt Nam còn phải đối mặt với môi trường thay đổi cả trong nước và bên ngoài, bao gồm quá trình thay đổi nhanh chóng về dân số, thị trường lao động phải đối mặt với cạnh tranh toàn cầu, bệnh tật không lây nhiễm, và thay đổi về kỳ vọng của xã hội đối với nhà nước. Tất cả những thách thức trên đang đòi hỏi những cách tiếp cận mới.
Chính phủ Việt Nam hiện nay đang chủ trì một nghiên cứu lớn, với sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới, nhằm xác định tầm nhìn dài hạn cho 20 năm tiếp để quốc gia này chuyển sang vị thế thu nhập cao. Trong quá trình xây dựng tầm nhìn đó, Việt Nam có thể rút ra những bài học từ các quốc gia khác cũng đã từng đi trên cùng một con đường, đặc biệt tại khu vực Đông Á.
Các nền kinh tế tiên tiến như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), trong quá trình chuyển đổi, cũng đã chuyển trọng tâm từ việc xóa nghèo cùng cực sang việc cung cấp các dịch vụ cơ bản thúc đẩy bình đẳng về cơ hội cho mọi người. Điều đó có nghĩa là cung cấp các dịch vụ xã hội với chất lượng cao hơn, phạm vi rộng hơn, tạo ra các cơ hội việc làm tốt hơn, bảo trợ xã hội một cách đầy đủ và bền vững. Phát triển đồng đều không có nghĩa là chỉ lo cho người nghèo mà còn là đảm bảo cơ hội cho tầng lớp trung lưu đang phát triển.
Vậy ưu tiên cụ thể nào có thể giúp Việt Nam trở thành một xã hội phát triển đồng đều vào năm 2035? Những thảo luận ban đầu xoay quanh nghiên cứu này đã chỉ ra một số ý tưởng:
- Từng bước cải cách hệ thống hộ khẩu, nhằm tách chức năng quản lý nhân khẩu với khả năng tiếp cận các dịch vụ công. Điều này sẽ khuyến khích di chuyển lao động cần thiết để tạo ra cơ hội công bằng cho những người ngụ cư tại đô thị.
- Phát triển các thể chế thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về di chuyển yếu tố sản xuất nhiều hơn trong một quốc gia thu nhập cao với nhiều cạnh tranh và khát vọng. Điều đó có nghĩa là phải xây dựng các cơ chế vững chắc về giải quyết tranh chấp lao động nhằm duy trì sự hài hoà tại nơi làm việc, cũng như các chính sách để bảo vệ người lao động mà không gây trở ngại đến sự dịch chuyển của họ.
- Hệ thống giáo dục đảm bảo rằng toàn bộ học sinh hoàn thành cấp trung học, có các kỹ năng phù hợp để học tập trọn đời, và một hệ thống giáo dục đại học có tự chủ để đem lại giáo dục chất lượng cao và phụ hợp nhằm bồi dưỡng ra một thế hệ nhà sáng tạo.
- Hệ thống y tế phải ra khỏi mô hình lấy bệnh viện làm trung tâm. Điều đó có nghĩa là phải coi chăm sóc sức khỏe ban đầu là đầu tầu trong một hệ thống chăm sóc được điều phối chặt chẽ. Việt Nam cần giải quyết thách thức này đồng thời với việc hoàn thành cam kết phổ cập chăm sóc y tế toàn dân.
- Mở rộng và cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội. Mô hình lương hưu chỉ dựa vào bảo hiểm của Việt Nam hiện nay không đủ khả năng đảm bảo độ bao phủ lương hưu cao và không khuyến khích tính năng động trên thị trường lao động. Nếu không cải cách được hệ thống hiện nay, mạng lưới an sinh hiệu quả cho hầu hết người cao tuổi sẽ bị đe doạ vì Việt Nam đã bắt đầu có dân số già.
- Tiếp tục nỗ lực giải quyết nghèo truyền kiếp và các yếu kém xã hội của dân tộc thiểu số. Mặc dù nhiều dân tộc thiểu số đã được hưởng thành quả phát triển, chiến lược là chuyển từ cách tiếp cận bảo trợ sang đảm bảo người dân tộc thiểu số được kết nối và tận dụng được các cơ hội kinh tế.
Ngân hàng Thế giới đang xem xét các vấn đề trên và các khía cạnh khác về phát triển bao trùm trong quá trình phối hợp với các đồng nghiệp Việt Nam để thực hiện nghiên cứu này trong vài tháng tới.
Việt Nam đang nằm tại một ngã rẽ quan trọng. Ở giai đoạn phát triển hiện nay, nhiều quốc gia đã đưa ra những quyết định mạnh dạn để đi lên, trong khi nhiều quốc gia khác lại bắt đầu bị tụt hậu…
Gabriel Demombynes
Theo VOV