(Baonghean) - Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,  Nghệ An vẫn còn 102.723 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,42%. Thời gian qua, bằng các biện pháp huy động sức dân của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, một nguồn lực lớn của xã hội đã được tập trung để giảm nghèo, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững…

images1067375_a1.jpgCán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Loi (Kỳ Sơn) hướng dẫn người dân trồng chè. Ảnh: Hải Thượng
 
 
“Chất xúc tác”  thoát nghèo
 
Đến thăm gia đình anh Trần Văn Quang và chị Trần Thị Hằng, xóm 6 xã Kỳ Tân (Tân Kỳ)  -  một trong những hộ được Ủy ban MTTQ xã hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết từ cuối năm 2012. Hoàn cảnh gia đình anh chị trước đây rất khó khăn, chị Hằng đau yếu, gần như một mình anh Quang phải lam lũ lao động nuôi cả nhà. Thiếu cả vốn sản xuất lẫn sức lao động nên gia đình anh chị mãi luẩn quẩn trong đói nghèo. Một căn nhà đủ kín trên bền dưới che mưa nắng là mơ ước tưởng chừng như xa vời đối với gia đình anh chị. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn ấy, Ban MTTQ xã đã trích từ quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 10 triệu đồng và vận động anh em họ hàng, bà con lối xóm hỗ trợ vật liệu, ngày công xây nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh chị. Nhờ có ngôi nhà mới, anh Quang đã có thêm động lực để vươn lên, đồng thời có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng lo chi phí xuất khẩu lao động.
 
Tháng 5/2013, anh Quang đi xuất khẩu lao động ở Ả rập Xê-út, từ đó đến nay, mỗi tháng anh đều đặn gửi về cho gia đình 7-8 triệu đồng. Từ số tiền chồng gửi về, chị Nga mở cửa hàng tạp hóa, có thu nhập ổn định, để phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi 2 con đang học THCS. Ông Nguyễn Xuân Tân – Bí thư  Đảng ủy xã Kỳ Tân cho biết: “Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc xã đã tích cực vận động nhân dân tham gia Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Mỗi năm, từ số quỹ vận động được ở xã và  nguồn hỗ trợ từ cấp trên đã xây dựng được từ 1-2 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp họ ổn định cuộc sống, tạo động lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đến nay trên địa bàn toàn xã giảm xuống chỉ còn 3,8%”. 
 
Để đẩy nhanh tốc độ giảm tỷ lệ nghèo, tại các địa phương đã có những cách làm hay, thiết thực, vừa huy động được nguồn lực tại chỗ, vừa tạo điều kiện cho các hộ nghèo tự tin, chủ động từng bước vươn lên bằng ý chí, nỗ lực của các thành viên trong gia đình. Tiêu biểu là Quỳnh Lưu với phong trào xây dựng “Ngân hàng bò” của Hội nông dân. Ông Tô Văn Thu  - Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết: “Để giúp các hội viên nghèo thoát nghèo, trước tiên phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ nghèo. Các hộ nghèo thường là thiếu vốn sản xuất, thiếu khoa học kỹ thuật do trình độ học vấn thấp, bệnh tật và cũng có một phần lười lao động, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng…Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức tự lực cánh sinh của các hộ nghèo, Hội nông dân huyện cũng triển khai các biện pháp hỗ trợ hội viên nghèo thông qua phong trào “Ngân hàng bò” được phát động từ năm 2013 ở 33/33 hội xã, thị trấn trên địa bàn, tạo điều kiện giúp nông dân nghèo có con giống phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Phong trào “Ngân hàng bò” đến nay đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và người dân, tiêu biểu như ở các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Tân, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng… Từ năm 2013 đến hết tháng 9/2014, đã có 56 con bò giống được Hội nông dân các xã trao cho hội viên nghèo”. 
 
Làm gì để giúp người dân thoát nghèo là một trong những trăn trở của chính quyền huyện Đô Lương. Hàng năm, huyện có chủ trương trích một phần nguồn ngân sách từ Quỹ Vì người nghèo giúp các hộ nghèo vay vốn mua trâu bò, lợn giống, gia cầm. Để triển khai hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc sẽ là đơn vị cân đối ngân sách, đồng thời sẽ ủy thác cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để các đơn vị chủ động giải ngân nguồn vốn cho đúng đối tượng. Trước khi vay, các hộ phải có bản cam kết rõ ràng, trong đó phải chỉ rõ mục đích của việc vay vốn; 3 tháng một lần các đơn vị liên quan sẽ đến kiểm tra, theo dõi tiến độ hiệu quả của nguồn vốn.
 
Ông Hoàng Hữu Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đô Lương, cho biết: Chúng tôi không cho vay vốn dàn trải, manh mún mà tập trung nguồn vốn để cho  các gia đình có điều kiện thoát nghèo và không phải trả lãi suất. Các hộ có thể tự lựa chọn con giống thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện gia đình, tránh tình trạng huyện “áp đặt”, lãng phí mà hiệu quả không cao. Về lâu dài sẽ giúp họ chủ động trong việc phát triển kinh tế. Qua hơn 3 năm triển khai chương trình giúp hộ nghèo vay vốn chăn nuôi, toàn huyện đã giải ngân số tiền hơn 2 tỷ đồng, giúp 305 hộ nghèo có điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế… Nhờ đó, góp phần không nhỏ để Đô Lương giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2 - 3%. 
 
Đó chỉ là những ví dụ tiêu biểu trong rất nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ sự tương trợ, giúp đỡ một cách tích cực, có hiệu quả của xã hội đối với người nghèo. Ông Vương Quang Minh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: “Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do MTTQ các cấp triển khai thực hiện là một trong những việc làm góp phần giúp đỡ người nghèo vượt khó vươn lên. Trong 5 năm (2009 – 2014), Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh vận động được gần 150 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, MTTQ các cấp đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa giúp đỡ 9.000 hộ nghèo được cải thiện về nhà ở; hỗ trợ kịp thời cho hàng nghìn hộ nghèo mua vật tư, phương tiện sản xuất, chữa bệnh, tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, MTTQ còn hỗ trợ cho hàng nghìn con em hộ nghèo có điều kiện học hành, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn”.
 
Để giảm nghèo bền vững
 
Bàn giao bò hỗ trợ cho hội viên nông dân nghèo ở xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Ảnh: M.Q
 
 
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015, từ năm 2011 đến nay, thông qua các chính sách giảm nghèo hỗ trợ từ Trung ương, cơ chế của tỉnh và cùng với việc xã hội hóa huy động các nguồn lực, Nghệ An đã đầu tư trên 6.978 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Bên cạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương thì UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách của địa phương như Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 12/8/2010 về hỗ trợ giảm nghèo đối với 42 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài các huyện thụ hưởng Nghị quyết 30a; Quyết định 1310/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 về phân công 86 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 88 xã nghèo miền Tây... Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về giảm nghèo thì cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, những ngôi nhà, những con bò giống hay những đồng vốn được trao cho những gia đình nghèo chính là cách để góp phần hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo, giúp họ bớt dần những khó khăn, nợ nần, tiến tới đủ ăn, đủ mặc và từng bước khấm khá. 
 
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn mức bình quân cả nước (9,6%); tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao hơn (12,99%, tương đương 99.432 hộ). Do vậy, để góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững, thời gian tới, các địa phương, ban ngành cần thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo và cán bộ chủ chốt ở các xã nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ, hỗ trợ các huyện, xã nghèo… Đặc biệt, để cụ thể hóa hơn nữa các chính sách giảm nghèo, UBND tỉnh vừa triển khai Đề án “Giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân vùng miền Tây và ven biển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”  với các giải pháp cụ thể: từng bước thu hút các cơ sở, các nhà máy chế biến lên các địa phương miền Tây để sử dụng và tiêu thụ nguồn nguyên liệu cũng như nhân công lao động tại chỗ; đảm bảo các chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số và ngư dân để yên tâm lao động, sản xuất; ưu tiên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, dạy nghề, giải quyết việc làm nâng cao đời sống của người dân ở vùng biển và vùng miền Tây... 
 
Theo ông Nguyễn Bằng Toàn -  Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quá trình thực hiện các chính sách giảm nghèo không nên triển khai theo kiểu cào bằng, đồng loạt mà cần thiết phải có sự phân loại hộ nghèo vì nguyên nhân gì (thất nghiệp, lười lao động, thiếu vốn, thiếu đất, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu nhân lực…) để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Đối với mỗi nhóm, giao trách nhiệm trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên để “khoanh vùng” đối tượng, giúp đỡ các đối tượng nghèo nhận ra nguyên nhân rơi vào tình cảnh hộ nghèo để lần lượt tháo gỡ, giải quyết một cách dứt điểm. Thực hiện giảm tỷ lệ nghèo phải tiến hành đồng thời với tấn công vào tư tưởng ngại khó, tấn công vào tư tưởng an phận, bằng lòng với cảnh nghèo, không để xảy ra tình trạng khư khư “giữ” chế độ hộ nghèo để hưởng một số cơ chế chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và xã hội.
 
Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình giảm nghèo cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương như khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất, đầu ra cho sản phẩm; có sự giám sát của các cấp chính quyền, các ban ngành liên quan trong việc thực hiện mô hình. Điều này đã được kiểm chứng qua một số mô hình giảm nghèo hiệu quả ở các tỉnh bạn. Như ở huyện huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) từ năm 2012 đã thực hiện có hiệu quả mô hình “Hỗ trợ hộ cam kết thoát nghèo bền vững” tại 3 xã gồm xã Hướng Hiệp, Mò Ó, A Ngo với 30 hộ dân tham gia (10 hộ/ xã). Mỗi hộ nghèo khi tham gia mô hình 30 triệu đồng để mua bò sinh sản và trồng cỏ voi, được hỗ trợ tiền công lao động, mua vật tư, phân bón, được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật,  được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất để phát triển sản xuất... Bản thân các hộ dân cũng phải có những cam kết cụ thể như: tuyệt đối không được bán, cầm cố, tặng, chuyển nhượng hoặc sử dụng sai mục đích giống cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ từ mô hình; đầu tư thêm vốn cùng với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ theo mô hình để đầu tư mở rộng quy mô, hình thức sản xuất như nuôi thêm lợn, gà, cá và trồng các loại cây ngắn ngày khác; sản phẩm làm ra từ mô hình sau khi bán thì trích một phần để đầu tư trở lại cho sản xuất…
 
Trước đây, nhiều hộ nghèo ở các xã trên của Quảng Trị cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chương trình, dự án để phát triển sản xuất nhằm thoát nghèo; nhưng do không có cơ chế ràng buộc giữa chính quyền địa phương với các hộ dân nên khi hỗ trợ gia súc, gia cầm thì họ đem bán hoặc chăm sóc không tốt dẫn đến việc gia súc, gia cầm chết... nên hiệu quả của việc hỗ trợ không cao. Nhưng với mô hình hỗ trợ hộ cam kết thoát nghèo bền vững, thì chính sự cam kết, “cơ chế ràng buộc” giữ các hộ dân tham gia mô hình và chính quyền địa phương đã tạo nên sự thành công của mô hình với hơn 80% số hộ dân đang từng bước thoát nghèo bền vững. Mô hình này được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đánh giá là một trong những mô hình điển hình về giảm nghèo của cả nước. Thiết nghĩ, đây là cách làm để các huyện, thành, thị  trong tỉnh ta, đặc biệt là các huyện miền núi – nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, học tập và có cách làm phù hợp với thực tế của địa phương.    
 
Minh Quân - Mỹ Hà