(Baonghean) - Dạo này, báo chí hay viết bài, đưa tin về một số cán bộ lãnh đạo trẻ, vừa mới đắc cử “vi hành” tìm hiểu những vấn đề liên quan “quốc kế, dân sinh”. Dĩ nhiên, rời phòng máy lạnh thâm nhập vào đời sống để nắm bắt, hiểu thấu và nhìn rõ bản chất thật của sự việc xảy ra để có biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời và triệt để những vụ việc đang gây bức xúc trong nhân dân là việc rất đáng hoan nghênh và rất cần làm.
Tuy nhiên, điều cần bàn, cần nói lại cho rõ ở đây là hai chữ “vi hành” đã được hiểu theo cách chưa thấu đáo và hoàn toàn không chính xác. Sự thiếu chính xác đó, có thể do người viết mà cũng có thể do người thực hiện hoặc là hiểu không rõ nghĩa hoặc là cố tình lái sự việc đi theo hướng đó để nhằm đạt một mục đích nào đó bên ngoài công việc.
Tranh minh họa: Internet
Trước cần phải hiểu cho đúng thế nào là "vi hành". Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, trang 1112 đã định nghĩa: "Vi hành là cải trang đi ra khỏi nơi ở, không cho ai biết (nói về nhân vật quan trọng). Nhà vua vi hành quan sát dân tình".
Như vậy là đã rõ. "Vi hành chính là giấu mặt", giấu thận phận cao sang, quyền quý của mình trà trộn vào dân chúng mà không ai phát hiện ra để được tận “mắt thấy, tai nghe” mọi điều, mọi việc đáo mọi đúng như nó đang diễn ra trong cuộc sống mà không bị nhiễu, bị khúc xạ qua lăng kính tâu bẩm, tấu trình của các quan lại, bộ phận giúp việc ở dưới mà nay ta gọi là báo cáo.
Vấn đề đặt ra là vì sao lại phải vi hành? Vì lẽ, mọi việc khi được nghe qua bẩm báo hay tấu chương thường không sát hợp với thực tế cuộc sống và bị bẻ đi theo hướng của người bẩm báo, tấu trình. Bởi ngày xưa quan lại cũng sinh bệnh thành tích theo kiểu “xấu che, tốt khoe”. Thậm chí là bịa đặt, xuyên tạc để lợi mình hại người. Thế nên, nhà vua đôi khi phải cải trang để nắm bắt tình hình và có những chỉ dụ xử lý sát hợp thực tế và đúng lòng dân để giữ yên sơn hà, xã tắc.
Còn đi xuống dân mà võng giá xênh xang, cờ xí rợp trời, tiền hô hậu ủng, cờ, đèn, kèn, trống giăng khắp nơi thì không ai gọi là "vi hành" cả mà chỉ là phô trương thanh thế mà thôi. Và đi như thế thì thường là không được nhìn thấy thấy cảnh thật, việc thật và nhất là không được nghe những lời nói thật. Và những cảnh, người, việc và lời nói nghe được đều phần lớn là trình diễn.
Từ đấy đối chiếu với việc các cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương của ta đi thăm thú nơi này, nơi nọ hoặc gặp gỡ trực tiếp đối thoại với dân thì không thể gọi là "vi hành" được mà đó là một hành vi đi thực tế. Vì đi công khai, thành đoàn công tác. Trước khi đi đã có công văn gửi xuống hay điện thoại thông báo là sẽ có người này, người nọ, đến chỗ này, chỗ kia để tìm hiểu, giải quyết việc này, việc nọ...
Vậy là đã lộ diện, lộ mục đích rồi không phải là hành vi “cải trang đi ra khỏi nơi ở, không cho ai biết” . Vì lộ cho nên khó mà “bí mật, bất ngờ” tiếp cận, hiểu rõ, nắm đúng sự việc đang diễn ra trong cuộc sống. Vì những nơi đã được chuẩn bị, đã được dọn dẹp sạch sẽ và luôn thấy “đường thông, hè thoáng” không gặp “ách tắc, cản trở” hay “bụi bặm, rác rến” ở đâu cả.
Còn nhớ cách đây chừng một hay hai năm gì đó, khi hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn xuất hiện tràn lan, hai bộ trưởng của hai bộ có liên quan lĩnh vực này đã đích thân ra chợ Đồng Xuân (Hà Nội) kiểm tra và kết quả của chuyến thị sát như một tờ báo lúc đó đã rút tít “Bộ trưởng vi hành, thực phẩm sạch như mơ”.
Trong khi đó, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Cho nên, khi cán bộ “hành quân” đến gặp gỡ, trao đổi với dân thì cứ nên nói đúng nói rõ ra là gặp gỡ, đối thoại mà không nên chơi chữ theo kiểu “vi hành”. Thứ nhất, nói vậy là không đúng khái niệm. Thứ hai, nói vậy không chỉ khiến người khác hiểu sai khái niệm và hiểu sai luôn cả hành vi, việc làm cũng như mục đích của chuyến đi. Vì cho rằng làm vậy và nói vậy là nhằm đánh bóng tên tuổi hơn là nắm bắt đúng tình hình để giải quyết thấu đáo mọi việc. Ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ. Và như thế thì có khi đó là một cách bôi nhọ, nói xấu cán bộ rất tinh vi.
Ngày nay, thời đại dân chủ, quyền làm chủ của người dân đã được khẳng định và đã được thực hành ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi việc. Cho nên, không cần ai phải vi hành nữa cả. Mà chỉ cần tôn trọng và phát huy cao độ quyền làm chủ của người dân. Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ, nói đúng và giải quyết thấu đáo mọi việc theo đúng sự thật và đúng với các quy định của pháp luật là đủ. Cứ công khai mà làm, minh bạch mà nói không việc gì mà phải “cải trang đi ra khỏi nơi ở, không cho ai biết”. Còn thật sự muốn học hỏi cách làm của tiền nhân mà vi hành thì đừng nói ra, đừng thông báo rộng rãi. Còn đã công khai thì đừng nhận, đừng cho người ta nói là vi hành. Vì hiểu sai vi hành sẽ dẫn đến hiểu sai hành vi.
Bụt Sơn