(Baonghean) - Hôm trước mình đưa bé Bim đi xem phim ở rạp. Tất nhiên, bỏng ngô và nước ngọt là “bạn đồng hành” không thể thiếu. Lúc suất chiếu kết thúc, mình không quên nhắc Bim cầm theo vỏ hộp đựng bỏng ngô và cốc nước ngọt đã hết sạch. Con bé thắc mắc:
- Quy định của rạp đâu có yêu cầu khán giả phải tự dọn đồ của mình hả cậu? Cậu nhìn xem, ai cũng để hộp bỏng và cốc nước của mình lại ghế ngồi. Một lát nữa nhân viên của rạp sẽ thu dọn ấy mà!
Nhưng rồi Bim vẫn ngoan ngoãn nghe theo lời mình, dọn rác ở chỗ ngồi của nó và bỏ vào thùng rác ở ngoài sảnh của rạp chiếu. Lúc này, mình mới nhẹ nhàng hỏi:
- Bây giờ Bim thử suy nghĩ thế này nhé. Sáng ngủ dậy, ai là người đánh răng rửa mặt cho Bim? Ai mặc quần áo, đi giày, soạn sách vở cho Bim đi học?
- Lúc trước Bim còn bé thì mẹ làm cho Bim. Nhưng bây giờ Bim lớn rồi nên Bim đều tự làm hết!
- Vậy giả sử bây giờ Bim chờ người khác rửa mặt, đánh răng, mặc quần áo, đi giày,…tóm lại là tất cả những nhu cầu cá nhân của Bim, mặc dù Bim hoàn toàn có thể tự làm. Như vậy có được không?
-Dạ không ạ…
Con bé phụng phịu nói, chừng như đã hiểu. Mình cười xòa xoa đầu nó, nhưng khi nghĩ đến phòng chiếu phim ngổn ngang rác sau suất chiếu, không khỏi chạnh lòng.
Giữ vệ sinh nơi công cộng là một trong những văn hóa tối thiểu cần phải được hình thành như thói quen, phản xạ, nếu muốn xây dựng một cộng đồng văn minh. Tuy nhiên, với nhiều người, ý thức giữ vệ sinh chung chưa được thực hiện một cách tự giác, cần có các thể chế bên ngoài mang tính cưỡng chế. Nhẹ thì nhắc nhở, nghiêm trọng hơn thì cấm đoán, xử phạt. Ấy vậy mà ở nhiều nơi ngay cả khi đã có biển “Cấm…”, người ta vẫn thản nhiên vi phạm.
Tại sao lại như vậy? Có phải bởi vì việc giữ vệ sinh chung là một nhiệm vụ quá khó khăn đối với mỗi người? Nói vậy thì hơi buồn cười, một hộp bỏng ngô, một cốc nước, một chiếc khăn giấy đã sử dụng, một chiếc bao ni lông, một miếng bã kẹo cao su,…một cử chỉ nhỏ là nhặt lên và bỏ vào thùng rác liệu có nặng nhọc đến như vậy?
Sức ì không đến từ những sự vật, sự việc ấy mà nằm ở nhận thức, ý thức của mỗi người. Chúng ta sẽ tặc lưỡi tự nhủ rằng “Người ta không quy định mình phải làm, tức là sẽ có người khác làm hộ”, hoặc “Người bên cạnh cũng làm như vậy, tội gì mình lại làm khác họ”,…Mỗi suy nghĩ như vậy tưởng chừng rất nhỏ, nhưng khi nó hiện diện trong đầu của tất cả các cá nhân trong cộng đồng, sẽ tạo thành một gánh nặng, một “đống rác” cực kỳ lớn mà ai cũng muốn đùn đẩy cho người khác.
Trong khi đó, giá như mỗi người chỉ cần có một động tác cực kỳ nhỏ, là có thể góp phần vào giữ cho môi trường chung được sạch đẹp. Lười biếng với những việc nhỏ, vật nhỏ xung quanh là một dấu hiệu nguy hiểm của sự vô trách nhiệm, tác phong bừa bãi và sẽ dẫn đến kết quả không mong muốn khi người ta muốn làm những việc “lớn” hơn.
Khi nói về môi trường, có một khái niệm tên là “dấu chân carbon”, ý chỉ lượng khí nhà kính mà một hoạt động nào đó thải ra. Mình cho rằng đó là một cách gọi mang tính tượng hình cực kỳ lớn. Bởi, tất cả những gì chúng ta làm, bất cứ nơi nào chúng ta đi qua, đều để lại những dấu chân. Có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường, với vệ sinh chung, đôi khi chỉ cần bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như là một dấu chân chẳng hạn. Bạn muốn để lại những gì nơi mình đi qua? Hiển nhiên không phải là những dấu chân xấu xí rải đầy rác, hay là một căn phòng chiếu phim ngổn ngang bỏng ngô, nước ngọt đổ tung toé…
Hải Triều