(Baonghean) - Vừa có một phát hiện mới anh Chắt ạ!
- Phát hiện chi đó, ở lĩnh vực mô, ả Nhiêu?
- Lĩnh vực văn học, thể loại ca dao, tục ngữ.
- Cụ thể là…?
- Một nhà phê bình văn học vừa mới phát hiện ra cái câu ca dao “Bầu ơi, thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” có thêm một nét nghĩa mới, khác hẳn với nét nghĩa mà xưa nay mọi người vẫn hiểu.
- Ả nói thêm đi chơ chừng nớ tui vẫn chưa hiểu!
- Đơn giản thôi mà. Lâu nay, người ta đều nghĩ câu ca dao đó khuyên nhủ mọi người sống nên biết yêu thương nhau vì suy cho cùng đều là con Lạc, cháu Hồng cả. Nhưng phát hiện mới lại cho thấy câu ca đó có thêm một thông điệp khác nữa.
- Thông điệp chi rứa ả?
- Là với câu nớ, người xưa không chỉ nhắn nhủ giữa tầng lớp bình dân với nhau mà cái chính là…
- Là chi?
- Là muốn nhắn gửi tới những người có trọng trách “cầm cân, nảy mực” trong chốn công đường rằng, tuy là khác nhau vì một bên là quan lại, quyền bính cao sang, một bên là dân đen thấp cổ, bé họng, nhưng đều là con dân nước Việt, sống chung trên “một giàn” hình chữ S nên bầu - quan lại phải biết thương lấy bí - dân chúng. Vì thế, câu ca dao mới có âm hưởng kêu nài khẩn thiết có xen lẫn chút van xin “Bầu ơi, thương lấy bí cùng!”.
- Ừ, nghe cũng có lý. Phải là tầng lớp trên với tầng lớp dưới mới có chuyện kêu xin như vậy.
Còn bình dân với nhau như tui với ả tự khắc biết thương nhau thôi mà, cần chi phải nài nỉ như trong câu ca dao đó. Mà răng bữa ni tự nhiên ả nói tới chuyện ni?
- Nỏ có chi là tự nhiên cả đâu anh Chắt. Chuyện chi thì cũng có lý do của nó cả. Sở dĩ tui nhắc đến chuyện ni là vì hôm qua đọc báo thấy một chuyên gia kinh tế phát biểu tại hội thảo quốc tế về kinh tế nước ta, nói là “Hiện nay, thủ tục hành chính của Việt Nam cực kỳ phức tạp và nhiêu khê, cấp nào cũng đều có quyền gây khó cho doanh nghiệp. Thậm chí, thuế phí ở Việt Nam quá nhiều, chẳng hạn 1 quả trứng phải "cõng" 14 loại thuế, phí; 1 con lợn chịu 51 loại thuế, phí. Thuế, phí như thế ai mà chịu nổi”. Cho nên tui mới…
- Mới mượn cái chuyện đó, câu ca dao đó để phát đi một thông điệp, để kêu gọi là...
- Anh Chắt nói đúng, tui chỉ muốn kêu lên một cách thống thiết rằng “Bầu ơi, thương lấy bí cùng! Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Tri Kỷ