Nếu như chiếc ghế Tổng thư ký, theo quy định của FIFA phải là người ngoài BCH VFF, đã được thông qua ngay phiên họp đầu tiên, lúc nửa đêm 8/12 sau khi bầu xong 17 ủy viên thì các ghế cấp Ban còn lại đang trống. Việc phân công cho cấp phó VFF cũng chưa kịp tiến hành.
Hồi hộp chờ đợi
Vài giờ sau Đại hội VFF khóa VIII, ông Trần Mạnh Hùng đã chính thức trở lại chức danh Phó Chủ tịch HĐQT VPF. Mới thấy công tác nhân sự của VFF và VPF không hề đơn giản như người ta nghĩ, phải “có bài” mới lọt được chân vào “ngôi nhà bóng đá” vốn được coi “lắm người, nhiều ma” này.
Cần nhớ rằng, ông Hùng đã bị dư luận lên án khi dùng lời lẽ đe dọa Phó Ban Trọng tài Dương Văn Hiền ở VFF khóa VII. Những hành động cho đến phát ngôn sặc mùi xã hội đã khiến cho ông Hùng bị mất chức Phó Chủ tịch HĐQT VPF và không có tên tranh cử Phó Chủ tịch VFF.
Dễ nhất là ghế Trưởng ban phụ trách bóng đá phong trào, vốn “ghế đóng sẵn” sẽ dành cho Phạm Ngọc Tuấn, cha đẻ ra giải Phủi đang rất thành công tại Việt Nam. Dân trong nghề quan tâm nhiều đến người kế nhiệm ghế Trưởng Ban Trọng tài VFF khóa VIII sau khi “vua của các ông” Nguyễn Văn Mùi đã để lại không ít sóng gió trong nhiệm kỳ qua.
Việc có 2 “cựu trọng tài” Dương Văn Hiền và Võ Minh Trí - có tên trong danh sách BCH VFF về lý thuyết là ứng cử viên nhưng không biết chừng lại được giao cho một ủy viên BCH "ngoại đạo"?
Câu chuyện tiếp theo Chủ tịch Lê Khánh Hải đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bận trăm công, ngàn việc thì sẽ phân công công việc cho các Phó của mình như thế nào. Có lập chức danh Phó Chủ tịch thường trực VFF như “đời trước” không?
Đây là chức danh không có trong Điều lệ VFF nhưng nguyên Chủ tịch VFF khóa VII Lê Hùng Dũng do không đủ sức khỏe điều hành nên đã trao cho Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn kiêm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Thường trực. Thế mới có chuyện 2 Phó Đức và Gụ, ngồi chơi xơi nước, việc VFF nằm trong tay cặp Quốc Tuấn - Hoài Anh.
Việc Chủ tịch Lê Khánh Hải sẽ giao quyền hạn và trách nhiệm cụ thể cho cả 3 phó chủ tịch gồm Trần Quốc Tuấn (chuyên môn), Cấn Văn Nghĩa (tài chính - tiếp thị tài trợ) và Cao Văn Chóng (truyền thông) như thế nào là vấn đề lớn?
Không nên để tình trạng Phó Chủ tịch truyền thông lại không được giao phát ngôn như nhiệm kỳ qua. Hay như dùng Trưởng ban Truyền thông mà không giao nhiệm vụ rõ ràng thì quá lãng phí.
Trước đây, VFF có Ban Thường vụ gồm 1 Chủ tịch, 3 Phó chủ tịch và bầu Tú (nay là Tổng giám đốc VPF). Câu chuyện sắp bàn là có nên lập lại Ban Thường vụ hay không? Ai là ủy viên thứ 5, có phải 1 trong 2 ông “cựu trọng tài” đã được tính sẵn? Quan hệ giữa ủy viên này với Tổng Thư ký Lê Hoài Anh như thế nào?
13 chọn 10
Vì bỏ 4 vị trí của Chủ tịch và Phó chủ tịch thì BCH VFF còn lại 13 người. Trong khi VFF có 10 ban chức năng. Ngoài Ban Trọng tài còn có Ban Vận động tài trợ-tài chính, Ban Bóng đá nữ, Ban Y học thể thao, Ban Kiểm tra, Ban Giải quyết khiếu nại…13 ủy viên sẽ chia nhau 10 vị trí này cũng được cho là vấn đề không dễ.
So với trước đây, bộ máy VFF đã tinh gọn khá nhiều. Tinh nhưng có mạnh hay không lại là chuyện khác. Khá thú vị là trong thành viên ủy viên VFF có ông Lê Văn Thành vừa là chủ doanh nghiệp vừa là chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, mới biết bóng đá có giá.
Người hâm mộ đang chờ đợi những quyết định quan trọng của các nhà quản lý bóng đá, nhất là khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sẽ xử lý tất cả những ai làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự bóng đá nước nhà.
Mọi ánh mắt đang nhìn về phía Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải, người đã không khó để đủ phiếu ngồi vào ghế nóng cách đây 20 ngày.