Theo quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á, Ban chấp hành VFF khóa VIII có tối đa 17 thành viên. Các vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch VFF nghiễm nhiên là thành viên ban chấp hành và được tiến hành bầu trước. 13 ủy viên còn lại của ban chấp hành từ danh sách 39 người (gồm 30 ứng viên ban chấp hành và 9 ứng viên "trượt" khi bầu Phó Chủ tịch).
Căng thẳng bầu cử
Với 4 chức danh lãnh đạo, có 1 ứng viên Chủ tịch (Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải), 3 ứng viên Phó Chủ tịch chuyên môn (gồm các ông Trần Quốc Tuấn, Dương Vũ Lâm, Phạm Ngọc Viễn), 4 ứng viên Phó Chủ tịch tài chính (gồm các ông Trần Văn Liêng, Cấn Văn Nghĩa, Lê Văn Thành, Nguyễn Hoài Nam) và 5 ứng viên Phó Chủ tịch truyền thông (gồm các ông Cao Văn Chóng, Lương Hoàng Hưng, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Lân Trung, Phan Anh Tú).
Theo nhận định, chức danh Chủ tịch VFF và PCT phụ trách chuyên môn khó trượt khỏi Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải và PCT VFF đương nhiệm Trần Quốc Tuấn. Hai ghế Phó Chủ tịch tài chính và Phó Chủ tịch truyền thông như thường lệ sẽ nóng và nhiều bất ngờ vào phút cuối. Đơn giản là không có ai trong số đó có được khả năng vượt trội để áp đảo phiếu bầu.
Phút 89, bất ngờ ông Lê Hồng Cường - Tổng Giám đốc CLB Becamex Bình Dương và ông Trần Minh Tâm - Chủ tịch CLB Cần Thơ xin rút không tranh cử Ủy viên Ban chấp hành VFF khóa mới. Như vậy, danh sách ứng viên ban chấp hành còn lại 30 người để đại hội bầu 13. Nhân sự cũng là vấn đề khiến Đại hội VFF khóa VIII đã liên tục phải hoãn từ tháng 3 tới tháng 12/2018, bởi những vướng mắc, lùm xùm.
Không chỉ trúng cử tại đại hội là mọi người có thể vui vẻ bắt tay nhau vào công việc, ngay như nhiệm kỳ này, khi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sức khỏe không đảm bảo thì mọi việc rối tinh, rối mù cả lên. Ba Phó Chủ tịch VFF nhìn về 3 hướng khiến cho ông Đoàn Nguyên Đức cứ một mực xin nghỉ, ông Nguyễn Xuân Gụ phụ trách truyền thông lại dính vụ việc đi với “người lạ” trong khách sạn đến nỗi phải tự viết đơn xin nghỉ trước kỳ hạn.
Ngay khi vừa trúng cử Phó Chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ đã được dự báo không yên ả bởi nhà báo này không nằm trong “quy hoạch”. Duy nhất còn Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn tại vị bám trụ chống chèo với cả đống đơn kiện về đủ thứ “hầm, bà lằng” mà chủ yếu không muốn ông trở thành Chủ tịch VFF.
Để rồi ông Nguyễn Công Khế - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, một nhà báo uy tín được đề cử ba chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch tài chính và Phó Chủ tịch truyền thông cũng “nằng nặc” xin rút. Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch CLB HAGL được đề cử Phó Chủ tịch tài chính VFF khóa VIII tranh cãi nảy lửa với bầu Tú về vị trí này nhưng khi được đề cử thì dứt khoát chối từ.
"Ép cân" thi đấu hàng dưới
Một số người được đề cử nhiều vị trí nhưng lại tự nguyện “gánh vừa sức” theo kiểu “biết người, biết ta” như ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch chuyên môn VFF khóa VII (rút không ứng cử Chủ tịch VFF khóa VIII song vẫn tranh cử Phó Chủ tịch chuyên môn); ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch CLB Quảng Ninh (rút ứng cử Phó Chủ tịch tài chính song vẫn tranh cử ủy viên ban chấp hành); ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Công ty VPF (rút tranh cử Phó Chủ tịch tài chính song vẫn ứng cử ủy viên ban chấp hành)...Việc “ép cân” đảm bảo cho các ứng cử viên này sáng giá hơn và cơ hội trúng trở nên cao hơn nhiều.
Điều thú vị nhất là ngoại trừ chiếc ghế Chủ tịch VFF bầu 1 chọn 1, các vị trí còn lại đều có số dư ứng cử viên. Điều đó cho thấy “ngôi nhà bóng đá” Việt Nam ngày càng được nhiều người quan tâm. Từ nay đến lúc bầu cử, chắc chắn vẫn còn nhiều lớp kịch hay xuất hiện.