Manchester United được biết đến là Câu lạc bộ giàu thành tích nhất đất nước “xứ sở sương mù”, đó là điều không thể bàn cãi. Bởi lẽ, ngoài việc thâu tóm cho mình rất nhiều danh hiệu lớn, nhỏ khác nhau từ nội địa lẫn cấp châu lục. Quỷ đỏ thành Manchester còn nổi tiếng với lối chơi tấn công rực lửa làm lay động biết bao trái tim giới mộ điệu làng “túc cầu giáo”.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của mình, Quỷ đỏ thành Manchester đã thâu tóm hầu hết các danh hiệu lớn nhỏ mà họ từng tham dự. Họ là đội nắm giữ kỷ lục 20 lần vô địch giải quốc nội, đoạt 12 Cup FA, 5 Cúp Liên đoàn, 3 chức vô địch Champions League, 1 UEFA Cup Winners Cup, 1 UEFA UEFA Europa League, 1 siêu Cup Châu Âu, 1 Cup Liên lục địa và 1 FIFA Club World Cup và là đội giữ kỷ lục 21 lần vô địch Siêu Cup Anh.
Đáng chú ý nhất là trong mùa giải 1998 - 1999, Manchester United trở thành đội bóng Anh đầu tiên đoạt cú “ăn ba” trong một mùa giải gồm các chức vô địch Ngoại hạng Anh, cúp FA và UEFA Champions League.
Với bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ đó đã khẳng định rõ sức mạnh vượt trội của Quỷ đỏ ở đấu trường quốc nội lẫn cấp Châu lục. Và hiển nhiên, đội chủ sân “nhà hát của những giấc mơ” trở thành một thương hiệu, đội bóng được nhiều người hâm mộ nhất trên thế giới.
Mặc dù là quốc gia đang giữ kỷ lục về số lần đăng quang ở giải đấu được coi là hấp dẫn và giàu tính cạnh tranh nhất hành tinh. Thế nhưng, kể từ khi Sir Alex Ferguson quyết định chia tay với Quỷ đỏ sau hơn 20 năm gắn bó ở mùa giải 2012 - 2013. Đội bóng nửa đỏ thành Manchester đã đánh mất đi những gì tinh túy nhất mà Sir Alex đã cất công gây dựng.
Trong 5 mùa giải vừa qua, đội chủ sân Old Trafford là một trong những đội bóng rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng khi mang về sân “nhà hát của những giấc mơ” nhiều hảo thủ và các chiến lược gia lão luyện như David Moyes, Louis Van Gaal và “Người đặc biệt” Mourinho với hy vọng sẽ tìm lại được “ánh hào quang” đã mất.
Thế nhưng, những gì mà người hâm mộ của Quỷ đỏ thành Manchester nhận được là sự thất vọng đến tột cùng. Dưới bàn tay của ba chiến lược gia với các triết lý bóng đá khác nhau, đội chủ sân Old Trafford từ đội bóng được coi là giàu truyền thống nhất xứ sở sương mù dường như đã đánh mất đi lối đá mang thương hiệu của mình.
Họ thi đấu giống như một đội bóng tầm trung và thường thất bại trước các đội bóng thuộc nhóm “Big six”. Đó là điều khó có thể chấp nhận được đối với người hâm mộ Quỷ đỏ thành Manchester.
Để cứu vãn con tàu đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng không lối thoát của vị thuyền thưởng người Bồ Đào Nha. Ban lãnh đạo đội bóng nửa đỏ thành Manchester đã đưa ra phán quyết “đoạn tuyệt” với HLV Mourinho trong thời điểm giải Ngoại hạng Anh đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.
Đây là quyết định có phần rất táo bạo nhưng hợp lý, nhất là sau những gì mà “Người đặc biệt” đã thể hiện. Họ đã nhanh chóng bổ nhiệm HLV Ole Gunnar Solskjaer bằng hợp đồng cho mượn từ CLB Molde, cho đến khi mùa giải 2018 - 2019 chính thức hạ màn.
Với kinh nghiệm của một tiền đạo được khoác lên mình màu áo đỏ truyền thống và hiểu được cặn kẽ lối đá ban bật, tấn công rực lửa của đội chủ sân Old Trafford, chiến lược gia người Na Uy đã nhanh chóng xóa đi bầu không khí “u ám” mà HLV Mourinho đã tạo ra kể từ đầu mùa giải đến nay.
Thay vào đó, Solskjaer đã thổi vào Quỷ đỏ thành Manchester một luồng sinh khí mới, ông đã tìm ra chìa khóa để giải bài toán Pogba, bản hợp đồng “bom tấn” mà huấn luyện viên tiền nhiệm Mourinho đã loay hoay tìm lời giải trong hơn 2 mùa giải đã qua.
Điểm khác biệt giữa chiến lược gia có biệt danh trước đây là “sát thủ có gương mặt trẻ thơ” so với chiến lược gia người Bồ Đào Nha đó là xây dựng cho Quỷ đỏ lối chơi tập thể, di chuyển nhiều và phối hợp nhóm trong không gian hẹp, xử lý nhanh các tình huống trước khung thành của đối phương.
Ông đã xóa bỏ đi lối chơi tự thủ với nhiều tính toán mà người tiền nhiệm đã xây dựng bằng việc cho phép hai hậu vệ cánh thường xuyên dâng cao để tăng cường lực lượng trên mặt trận tấn công. Các tiền đạo phải nhanh chóng xử lý quả bóng thật nhanh khi có thể trong vòng 16m50 của đối phương.
Nếu ví chiến thuật của HLV Mourinho áp dụng là “phanh” các cầu thủ lại bằng hệ thống chiến thuật đầy toan tính, thì chiến lược gia người Na Uy đã "thả phanh" để các cầu thủ thực sự chơi bóng, họ di chuyển nhiều, xử lý bóng nhanh hơn và có thiên hướng tấn công ngay mỗi khi có bóng.
Solskjaer luôn yêu cầu các cầu thủ tiến lên phía trước dù kết quả là 1 bàn, hai bàn hay ba bàn hoặc nhiều hơn nữa, ông không cho phép các cầu thủ dừng lại khi mà trận đấu chưa kết thúc. Đây là điều mà người hâm mộ từng thấy dưới thời của Sir Alex đang tại vị và cũng là truyền thống tạo nên thương hiệu của Quỷ đỏ thành Manchester.
Mặc dù mới dẫn dắt Quỷ đỏ thành Manchester trong hai trận gặp Cardiff City và Huddersfield Town, chiến lược gia người Na Uy đã thể hiện được triết lý bóng đá tấn công rõ ràng, các cầu thủ vì thế cũng đã cởi bỏ đi được những áp lực nặng nề thời hậu Mourinho.
Họ đã chơi bóng thanh thoát, tấn công rực lửa, di chuyển hợp lý, phối hợp ăn ý , kiểm soát hoàn toàn các số liệu thống kê về trận đấu và đặc biệt là đã biết cách tìm đến mảnh lưới của đối phương từ 3 bàn trở lên. Điều mà đối với người tiền nhiệm Mourinho là một thứ “xa xỉ” ít thấy.
Sẽ còn quá sớm để khẳng định HLV Solskjaer sẽ giúp Manchester United chen một chân vào Top 4, thế nhưng, với những gì mà đội chủ sân Old Trafford đang làm được đã góp phần đánh thức một Quỷ đỏ đang rạo rễ thời kỳ hậu Sir Alex.