(Baonghean.vn) - Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước, Yên Thành là vùng đất hiểm yếu của Hoan Diễn xưa, Nghệ An nay. Phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua bao khó khăn, Yên Thành đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành vùng quê trù phú. Nói đến Yên Thành, người ta nghĩ ngay đến câu nói “Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống”.
Trang trại nuôi vịt ở xã Nam Thành (YênThành). Nói vậy, để thấy đây là một vùng đất thuần nông, “vựa lúa” của đất Nghệ An. Những năm 1970, Yên Thành là một trong những huyện điển hình về thâm canh tăng năng suất lúa của toàn miền Bắc, là hậu phương vững vàng cho tiền tuyến. Bây giờ về Yên Thành, không khó để bắt gặp những cánh đồng lúa trải mênh mông, cho thu nhập tới 120 - 140 triệu đồng/ha/năm. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Phúc Thành tự hào: “Trồng lúa mà có được thu nhập đó có thể với nhiều người là khó tin, nhưng ở đây là chuyện hoàn toàn có thật. Đã mấy năm nay, sau chuyển đổi ruộng đất, chỉnh trang đồng ruộng, trên những cánh đồng vuông vắn, thẳng cánh cò bay, bằng sự liên kết với Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, nông dân Phúc Thành đã sản xuất thành công trên 40 ha giống lúa AC5 - F1, phục vụ nhu cầu về giống lúa của địa phương, vừa cung ứng cho một số tỉnh phía Bắc, vừa khắc phục một phần tình trạng phải nhập giống từ Trung Quốc.
Với diện tích đất sản xuất lớn, trong đó có 21 nghìn ha đất rừng và gần 20 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, Yên Thành có điều kiện phát triển cả diện tích lúa nước và kinh tế vườn đồi. Xác định đây là tiềm năng, lợi thế của huyện trong phát triển sản xuất, tạo bước đột phá nâng cao đời sống người dân tăng, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm qua, Yên Thành đã tập trung quyết liệt phát triển nông nghiệp nông thôn, xác định các mũi kinh tế trọng tâm tạo khâu đột phá. Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Sỹ Hưng cho biết: Với 13 nghìn ha lúa nước, huyện chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT như đưa giống mới, quy trình kỹ thuật chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Sau tập trung dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đã chuyển được từ các ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, tạo điều kiện thâm canh. Huyện đã tập trung quy hoạch lại đồng ruộng, kết hợp đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Từ đó, có điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, gần như 100% diện tích đất được làm bằng máy, khoảng 70% diện tích sử dụng máy gặt đập liên hợp, vừa đẩy nhanh tiến độ sản xuất kịp thời vụ, vừa rút được dần lao động nông nghiệp chuyển sang các ngành khác, đồng thời nâng cao năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bắt đầu từ vụ xuân năm 2012, Yên Thành đã xây dựng thí điểm cánh đồng mẫu lớn tại hai xã Mỹ Thành và Xuân Thành với diện tích 85 ha cho hiệu quả cao, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Từ đó, mối liên doanh, liên kết với doanh nghiệp dần được mở rộng. Huyện đã phối hợp với các công ty sản xuất gần 1.000 ha lúa giống các loại, thu sản lượng gần 6.000 tấn, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá giống lúa thu mua dao động, cho thu nhập 45-50 triệu/ha/vụ, Đặc biệt, phối hợp Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An sản xuất lúa lai F1 (giống LC25), quy mô 30 ha tại xã Phúc Thành, năng suất lúa F1 đạt 4 tấn/ha; thu nhập bình quân đạt 140 triệu/ha... Từ đó, các mô hình dần được nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua Hàng năm, toàn huyện có khoảng 1.000 ha liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống.
Ngoài ra, trong những năm qua, huyện đã liên kết với một số doanh nghiệp đưa các cây, con mới vào sản xuất như cây cỏ ngọt stevia, ớt cay, chuối,..., cho hiệu quả kinh tế cao và mở ra những hướng làm ăn mới. Bên cạnh đó, từ năm 2011, Yên Thành đã đưa cây nấm vào sản xuất thành công, bước đầu khẳng định được hiệu quả và giải quyết việc làm cho nông dân lúc nhàn rỗi. Từ các xã ban đầu là Hợp Thành, Khánh Thành, Long Thành, Nam Thành, đến nay, cây nấm đã có mặt ở mười mấy xã trong huyện, gần 100 hộ tham gia, trong đó có trên 20 hộ phát triển với quy mô gia trại, trang trại lớn, đặc biệt, có hộ như gia đình anh Hạnh (Sơn Thành) đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất nấm. Tổng sản lượng hàng năm lên tới 500 - 600 tấn, tiêu thụ nội huyện, nội tỉnh và đưa vào một số siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Trong kế hoạch phát triển sản xuất, Yên Thành xác định đây là loại sản phẩm đem lại lợi nhuận cao và sẽ tập trung đầu tư phát triển. Tuy nhiên, sẽ hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, chuyển sang hướng áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từ khâu tưới tự động nhỏ giọt đến bảo quản, chế biến, đóng gói.
Với các xã phía Tây huyện Yên Thành, diện tích đất đồi rừng là chủ yếu, những năm gần đây, bên cạnh phát triển kinh tế rừng, Yên Thành cũng rất chú trọng khai thác kinh tế vùng đồi. Từ vùng đất Minh Thành, vốn đã nổi tiếng với “thương hiệu” cam Minh Thành, cây cam đã lên cả với Đồng Thành, phát triển ở những diện tích đất đồi vốn trồng mía, sắn, dứa. Bằng những cơ chế hỗ trợ như tạo điều kiện cho thuê đất, hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm, tạo hành lang pháp lý thành lập các tổ, hội sản xuất, giúp đỡ về mặt kỹ thuật, cũng như tạo điều kiện vay vốn, giúp đỡ xây dựng vườn ươm giống cam quy mô 1.000m2 tại xã Đồng Thành. Đến nay, Yên Thành đã phát triển được 1.000 ha cam quy mô tập trung ở Đồng Thành và quy mô hộ gia đình tại Minh Thành, đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho nông dân. “Qua mấy năm phát triển cây cam, cho thấy đây là loại cây trồng phù hợp chất đất, khí hậu ở nhiều vùng trong huyện. Hiện tại, tiềm năng về đất đai vẫn còn nhiều, huyện đang có kế hoạch phát triển thêm diện tích trồng cam ở các xã Đồng Thành, Kim Thành, Xuân Thành..”- ông Hưng cho biết.
Phú Hương