(Baonghean) - Từ những vùng đất hoang hóa, sau khi có nghị quyết chuyển đổi đất của Đảng bộ cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động, nông dân Nam Tân (Nam Đàn) đã biến những vùng đất hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả thành những trang trại điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện, của tỉnh…

images1040695_img_0015.jpgMô hình kinh tế cho thu nhập cao của anh Nguyễn Thanh Hải ở xóm 7, xã Nam Tân.
 
 
 
Dọc theo đường ven sông Lam, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Đình Sơn, chị Hoàng Thị Hảo ở xóm 4, xã Nam Tân, huyện Nam Đàn. Cùng chung niềm vui khi cô con gái út Nguyễn Thị Hoài Thương vừa nhận giấy báo đỗ 2 trường đại học, chúng tôi càng cảm phục hơn thành quả không thể tính toán bằng những con số cụ thể mà vợ chồng anh gây dựng được trong những năm qua. Thật khó hình dung vùng Bàu Láng của xã Nam Tân, nằm ngoài đê Tả Lam luôn bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa bão đến, sản xuất bấp bênh, bị bỏ hoang nhiều năm liền, giờ đây đã là trang trại tổng hợp cho thu nhập cao.
 
Năm 2003, khi Đảng bộ Nam Tân có chủ trương khoán đất nông nghiệp, vợ chồng anh Nguyễn Đình Sơn mạnh dạn đấu thầu hơn 3 ha. Chỉ riêng vấn đề cải tạo đất đã chiếm mất nhiều thời gian, công sức, tiền của gia đình anh chị, từ việc thuê máy phay cỏ lác, đắp đất làm chuồng nuôi lợn... May mắn đến với gia đình anh chị, khi mới khởi nghiệp, đồng vốn còn eo hẹp, với sự giới thiệu của địa phương về ý tưởng đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn theo hướng hàng hóa, Trung tâm giống Nghệ An đã hỗ trợ 56 cặp lợn giống cho gia đình anh chị. Từ hiệu quả chăn nuôi lợn ban đầu, gia đình anh gom góp được vốn và mở rộng quy mô chăn nuôi. Vừa kết hợp trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, anh chị nuôi thêm nhím, lợn rừng. Đến năm 2012, gia đình anh quyết định nhận làm đại lý chăn nuôi lợn cho Công ty CP, mỗi lứa từ 500 - 700 con, mỗi năm từ 2-3 lứa. Ngoài ra, để tận dụng nguồn thức ăn từ chăn nuôi, anh chị kết hợp 3 ha diện tích nuôi cá, vừa trồng cây ăn quả các loại, mỗi năm thu nhập trừ chi phí, lãi trên 500 triệu đồng. 
 
Kinh tế phát triển, các con anh đều có điều kiện học hành. “Tôi thấy mình may mắn vì được thụ hưởng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đến bây giờ, nhiều lúc nghĩ lại không hình dung được cuộc sống gia đình đã bước sang một trang mới” - chị Hảo tâm sự. Điều đáng trân trọng là không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh chị còn tham gia công tác từ thiện. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, gia đình anh chị hỗ trợ hàng chục hộ có hoàn cảnh khó khăn có được cái tết đầm ấm hơn, giúp đỡ, cưu mang trẻ em cơ nhỡ, hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi… Gia đình anh chị vinh dự được đi dự Hội nghị thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010 .
 
Từ vùng Bàu Láng, chúng tôi ngược lên vùng Bãi Soi, đến thăm mô hình trang trại của gia đình anh Nguyễn Thanh Hải ở xóm 7, xã Nam Tân. Đang chống đỡ cho vườn chanh sum suê trĩu quả khỏi sa xuống đất, anh Nguyễn Thanh Hải vui vẻ nói với chúng tôi, trồng nhiều loại cây rồi, nhưng đất này phù hợp với cây chanh, bình quân mỗi gốc chanh thu hoạch trên 30 kg quả, mỗi mùa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng... Vườn cây ăn quả sum suê nào chanh, nhãn, ổi, kết hợp trên 300 con gà nuôi thả trong vườn, đều từ công sức lao động của vợ chồng anh làm nên. “Từ vùng đất bãi cỏ mọc dày, chỉ trồng được cây phi lao, thế mà hôm nay gia đình tôi có được trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cuộc sống đã được ổn định, khá giả so với người dân trong xã. Nếu không có chủ trương của Đảng và Nhà nước, những nông dân nghèo như chúng tôi không biết đến bao giờ mới “đổi đời” được. Chủ trương của Đảng bộ đã giữ chân thanh niên nông thôn như chúng tôi ở lại với quê hương”- anh Hải chia sẻ.
 
Từng là công nhân thủy lợi, đi đây, đi đó nhiều, nhưng khi Đảng bộ xã có chủ trương khoán đất, anh Nguyễn Thanh Hải sẵn sàng bỏ tất cả về quê làm trang trại. Anh tin vào chính mình, quyết đoán khi lựa chọn con đường lập nghiệp,  mạnh dạn nhận thầu 3 ha vùng đất Bãi Soi kém hiệu quả làm mô hình trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Thời gian đầu, đất bãi trồng ngô, lạc hiệu quả kinh tế không cao. Xoay chuyển tình thế, anh tự mình học hỏi kinh nghiệm,  đi đến tận Vĩnh Long, Cần Thơ, Bắc Giang tìm giống cây trồng, thí nghiệm các loại cây ăn quả trên đất bãi. Cuối cùng cây chanh “bén duyên” với vùng đất này. Anh trồng thêm 600 gốc chanh, 100 gốc nhãn, 100 gốc cam, 100 gốc ổi. Cùng với trồng cây ăn quả, 1,5 ha trồng rừng, anh kết hợp chăn nuôi gà, lợn. Đầu ra không phải lo lắng, các sản phẩm được thương lái vào mua tận trang trại. Từ hai bàn tay trắng, mô hình trang trại cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Cùng với gia đình anh Sơn, anh Hải nhiều hộ nông dân ở xã Nam Tân nhờ chủ trương chuyển đổi ruộng đất đã có điều kiện phát triển kinh tế. 
 
Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất theo tinh thần Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết 10 của Huyện ủy Nam Đàn, Đảng bộ xã Nam Tân đã có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi ruộng đất, nâng cao hiệu quả giá trị sử dụng đất trên địa bàn. Xã tổ chức khoang vùng, khoanh lô chuyển đổi 25 ha vùng Bãi Soi thuộc xóm 7 và vùng Bàu Láng bỏ hoang định hướng cho người dân phát triển theo hướng kinh tế trang trại tổng hợp. Đồng thời, xã thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh để người dân nắm rõ chủ trương. Trên cơ sở đó, các chi bộ, ban cán sự xóm tổ chức họp dân thông báo đến tận người dân tham gia đấu thầu. Xã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Để hỗ trợ bà con, trong 2 năm đầu, xã không thu tiền thuê đất, đồng thời đứng ra thế chấp với Ngân hàng Công thương Nghệ An cho người dân có điều kiện vay vốn làm kinh tế. Diện tích đất hoang hóa trước đây của xã đã được các hộ dân nhận thầu làm kinh tế trang trại tổng hợp. 
 
Từ mô hình chuyển đổi ruộng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao của các hộ dân này đã mở ra hướng đi mới cho địa phương. Là xã bán sơn địa, chủ yếu là đất đồi, núi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 320 ha, xã Nam Tân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất hiệu quả trên từng đơn vị diện tích. Vùng đất đồi trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như cam, chanh. Đất bãi trước đây chỉ trồng ngô, đậu xanh thì nay chuyển đổi trồng rau màu các loại, dưa hấu, bí xanh. Bình quân mỗi năm  toàn xã có trên 60 ha trồng dưa hấu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/sào. Hầu hết các gia đình biết tăng gia sản xuất, thu nhập bình quân đầu người 17,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,7%, (năm 2013). Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Nam Tân, Phạm Văn Khánh cho biết: “Tạo điều kiện cho các hộ dân nhận khoán đất hoang hóa làm trang trại là cách làm hay, hợp lý của Đảng bộ Nam Tân được người dân đồng tình ủng hộ. Điều quan trọng là chủ trương của Đảng bộ đã từng bước thay đổi cung cách làm ăn, tư duy phát triển kinh tế của người dân. Vượt qua tư tưởng ngại khó, ngại khổ, sức lao động của những người nông dân đã biến những vùng đất hoang hóa trở nên trù phú, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
 
Nhờ chủ trương đúng đắn, Đảng bộ Nam Tân đã khơi dậy được sức dân, tâm huyết của những gia đình trẻ phát triển kinh tế bằng chính tiềm năng, thế mạnh của xã.
 
Bài, ảnh: Thanh Lê