(Baonghean) - Sau bao ngày mong mỏi và chờ đợi, ngày 25/2 (tức ngày 26, tháng Giêng năm Giáp Ngọ) Báo Nghệ An, UBND phường Hòa Hiếu Thị xã Thái Hòa cùng các tổ chức liên quan và gia đình tổ chức lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sỹ Trần Văn Thông. Gần 50 năm, kể từ ngày ông đi xa, đây chắc chắn là buổi gặp mặt đầy đủ, ý nghĩa nhất...
 
Suốt hơn một tháng nay, càng gần đến lễ truy điệu, gia đình ông Trần Văn Điu và con cháu lại càng thấy bồi hồi khi nhắc lại những kỷ niệm của ông Thông với gia đình. Dù thời gian ông sống với mấy anh em không được nhiều, trước đó vì công tác ông cũng thỉnh thoảng mới về nhà nhưng ông Điu và em gái không thể quên được hình ảnh ông cũng như những lần ông nói chuyện với mấy anh em. Trong câu chuyện, ông không bao giờ nói đến sự vất vả, không bao giờ nhắc đến nỗi khó nhọc cũng chưa bao giờ nghe ông nặng lời với các em, với vợ, với con. Bao giờ cũng là lời động viên, cũng bảo các em gắng lên, chiến tranh rồi sẽ kết thúc... Những câu chuyện đã qua lâu lắm rồi, nhưng vẫn như còn hôm qua. Ông mất đi, gia đình ông, bố mẹ ông, vợ con ông mất đi một chỗ dựa lớn, cơ quan, tổ chức mất đi một người đồng chí tận tụy gương mẫu.
image_3642836.jpgNhà báo Trần Văn Thông (thứ hai, từ trái qua) cùng đồng nghiệp của mình. (Ảnh chụp năm 1963).
Cuộc đời của liệt sỹ Trần Văn Thông ngắn ngủi nhưng lắm nỗi thăng trầm. Ông vốn quê gốc ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học và cách mạng, ông được bố mẹ nuôi dạy và theo học tại Trường Pháp – Việt Hà Tĩnh. Là người có tư chất thông minh ông sớm nhận thức được kiếp nô lệ, lầm than khi đất nước mất độc lập, tự do. Không chấp nhận chương trình giáo dục, đào tạo nô dịch, phản dân tộc của Thực dân Pháp, năm 1936, ông Trần Văn Thông bỏ học, trốn gia đình từ Hà Tĩnh sang vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) để đi theo cách mạng. Đi đến Nghĩa  Đàn ông xin vào làm việc tại đồn điền Phan Văn Quý, một trong những đồn điền lớn nhất vùng Phủ Quỳ thời bấy giờ.
 
Cũng tại đây, ông giác ngộ cách mạng, vừa làm công nhân trong đồn điền, vừa làm liên lạc viên với các chiến sỹ cách mạng bên ngoài. Năm 1944, trước thời điểm toàn quốc đứng dậy kháng chiến, ông được tổ chức tin, bầu làm đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam. Sau đó, ông hoạt động trong đoàn thể Việt Minh dưới vỏ bọc là thư ký cho chủ đồn điền cao su. Vì rất được chủ tin cậy nên ông đã khai thác được nhiều thông tin quan trọng, được tổ chức và đoàn thể đánh giá cao. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tiếp tục tham gia vào Đội Tự vệ kháng chiến Thái Hòa rồi vào bộ đội chủ lực chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Năm 1957, ông rời quân ngũ về lại Nghĩa Đàn và được giao nhiệm vụ phụ trách Văn phòng Huyện ủy. Đến năm 1962, sau khi Tỉnh ủy Nghệ An thành lập Ban chỉ đạo miền Tây Nghệ An, biết ông có năng khiếu viết báo, tổ chức điều ông sang làm việc ở  Báo miền Tây Nghệ An. 
Ông Lê Hùng Dung kể về ngày làm việc cuối cùng với nhà báo Trần Văn Thông.
Báo miền Tây Nghệ An khi đó, hoạt động song song với Báo Nghệ An là cơ quan ngôn luận của Ban Chỉ đạo miền Tây, có nhiệm vụ phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến miền núi, đặc biệt là ở 9 huyện miền núi của tỉnh. Đảm nhiệm một khối lượng công việc không nhỏ, nhưng tòa soạn ngày ấy vẻn vẻn chỉ có 9 người, Tổng Biên tập là nhà báo Đặng Loan cùng các nhà báo Kiều Thành Vinh, Tô Quốc Bảo, Lăng Thị Thí, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Hùng Sơn, Hồ Kim Tuấn…, Thời điểm chiến tranh, điều kiện đi lại khó khăn, đây là địa bàn nơi bọn phỉ và thế lực thù địch thường xuyên chống phá nên để báo ra thường xuyên, tòa soạn 9 người phải làm đêm, làm ngày. Bản thảo làm xong, anh em còn phải cắt cử nhau về Vinh để in báo. Làm việc trong điều kiện thiếu thốn, gian nan là thế nhưng đều đặn mỗi tuần báo miền Tây ra 1 số, 4 trang, in hai màu, phát hành bao cấp đến tận tổ đảng, trưởng bản. Cán bộ, phóng viên báo vừa làm công tác chuyên môn, vừa làm công tác dân vận, tuyền truyền, sưu tầm được nhiều truyện cổ tích,  tục ngữ, dân ca của các dân tộc miền núi.
 
Hiện ở Thư viện Nghệ An và phòng lưu trữ của Báo Nghệ An vẫn còn lưu giữ được nhiều số báo miền Tây Nghệ An xuất bản trong những năm tháng ác liệt đó. Nay đã ngả màu vàng, một số tờ vì đã phải di chuyển nhiều lần nay đã không còn nguyên vẹn. Tuy vậy, lần giở lại những tờ báo cũ, dẫu kỹ thuật in, mi báo không hiện đại như hiện nay nhưng những trang viết vẫn còn nguyên hơi thở của cuộc sống. Đó là sự kiện Ấp Bắc trong chiến lược chiến tranh cục bộ mà Mỹ triển khai tại Việt Nam từ năm 1965, là những trận đánh của quân và dân Nghệ An, rồi cả gương chiến đấu, gương lao động giỏi. Tờ báo ra sau ngày 23/5/1965 cũng ghi lại trận bom  Mỹ thả xuống Thái Hòa mà mục tiêu chính là Ban Chỉ đạo miền Tây, Xưởng 250B, Trường Trung cấp nông trường, Nông trường bộ Tây Hiếu, Bệnh viện Hữu nghị, Trung tâm Khảo nghiệm cây nhiệt đới Phủ Quỳ, xưởng chế biến cà phê, cao su... Trong trận bom lịch sử này, Tổng Biên tập Đặng Loan và nhà báo Trần Văn Thông, khi đó đang làm nhiệm vụ ở trụ sở của tòa soạn báo miền Tây cũng bị bom đạn vùi lấp. Trận bom đi qua, ông bị mất tích, nén nỗi đau thương, anh em trong tòa soạn vẫn tiếp tục làm tin, bài kịp thời phản ánh khách quan đến bạn đọc.
 
Tìm lại những người đã sống trong thời điểm đó và may mắn gặp lại đồng nghiệp của nhà báo Đặng Loan, nhà báo Trần Văn Thông chúng tôi đã nghe được nhiều câu chuyện xúc động. Cũng qua câu chuyện của nhà báo Hồ Kim Tuấn mới biết rằng: Đáng lẽ, người trực hôm ấy là ông nhưng vì thấy anh em trong tòa soạn trực chiến nhiều tuần không được về nên nhà báo Trần Văn Thông đề nghị trực thay. Ai ngờ, đó là lần cuối cùng... Sau này, trong điện chia buồn của Sở Báo chí Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam vẫn còn ghi rõ tên người mất là nhà báo Hồ Kim Tuấn chứ không phải là Trần Văn Thông.
 
Cũng không ai nghĩ rằng, ra đi từ năm 1965, nhưng mãi cho đến sau này nhà báo Trần Văn Thông vẫn chưa được vinh danh. Nguyên nhân là do trước đó gia đình liệt sỹ Trần Văn Thông chưa nắm chắc các văn bản để làm đơn đề nghị, các cơ quan liên quan chưa làm các thủ tục cần thiết theo quy định. Mặt khác do tờ báo Miền Tây năm 1967 bị giải thể, từ năm 1976 sáp nhập tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh, công tác tổ chức cán bộ có biến động.
 
Việc làm lại hồ sơ để đề nghị truy tặng liệt sỹ Trần Văn Thông chỉ thực sự bắt đầu kể từ khi Báo Nghệ An và một số tờ báo, tạp chí khác cung cấp thông tin và UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 1931-CV/TU chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận liệt sỹ cho nhà báo Trần Văn Thông. Thực hiện công văn trên, ngày 24/5/2013 Sở LĐ-TB&XH tổ chức buổi làm việc với các cơ quan, ban, ngành liên quan và đại diện thân nhân ông Trần Văn Thông để thông báo về quá trình xác minh, thu thập tài liệu và thống nhất giải pháp, đề xuất cách làm về việc đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét, trình Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sỹ cho ông Trần Văn Thông.
 
Với Báo Nghệ An, đơn vị tiếp nhận Báo miền Tây Nghệ An sau ngày giải tán, việc nhà báo Trần Văn Thông hy sinh đã lâu nhưng vẫn chưa được công nhận liệt sỹ là một sự việc đáng tiếc. Xác định đây là trách nhiệm của toà soạn nên ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên đã trực tiếp cử phóng viên tìm hiểu, Ban Biên tập và các phòng, ban liên quan cũng đã khẩn trương thu thập tư liệu hoàn thiện các  hồ sơ để việc truy tặng được thuận lợi. Sau gần nửa năm làm việc khẩn trương, ngày 26/12/2013 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2570-QĐTTr công nhận Liệt sỹ và cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho nhà báo Trần Văn Thông... Đây không chỉ là niềm vui của gia đình mà còn là niềm vinh dự, niềm tự hào cho các thế hệ lãnh đạo, phóng viên Báo Nghệ An...
 
Mùa xuân Giáp Ngọ này, nhà báo liệt sỹ Trần Văn Thông đã về với gia đình!
 
Bài, ảnh: Thanh Lương – Mỹ Hà