(Baonghean) - Sát Hải đại Vương Hoàng Tá Thốn được xem là vị thần vùng sông biển của Việt Nam, được thờ ở khắp các cửa biển từ miền bắc vào tận nam trung bộ. Tại xứ Nghệ, Ngài là một trong hai vị nhân thần nổi tiếng linh thiêng và được nhân dân lập đền thờ phụng ở nhiều nơi nhất...
Sát Hải Đại Vương là một nhân vật lịch sử được quốc sử ghi chép rõ ràng. Quê gốc của Ngài ở xã Vạn Phần, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) có cửa Vạn là nơi sông Bùng đổ ra biển. Xung quanh thân thế và sự nghiệp của Ngài có rất nhiều huyền thoại, đều gặp nhau ở một điểm, mẹ Ngài là người trần, còn cha thì không thấy có tài liệu nào đề cập đến? Ngài ra đời là kết quả của việc giao hòa giữa mẹ và tinh khí của Thủy phủ. Theo như truyền thuyết, thần tích, văn bia thì Ngài mất vào ngày mồng 1 Tết, tại lạch Trào, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trên đường đi (hiện nay tại xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa còn có đền thờ Ngài). Thông tin này được nhiều sách báo hiện nay dựa theo. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì ngày này không chính xác và xung quanh ngày mất của Ngài có nhiều vấn đề phải xem lại.
Đền thờ Sát Hải đại vương tại Diễn Vạn (Diễn Châu).
Thứ nhất: Triều đại nhà Trần với 3 lần đại thắng đế quốc Mông Nguyên nên uy thế nước Đại Việt ngày càng lớn mạnh, các quốc gia lân bang đều kính nể và kết tình giao hảo. Trong một thời gian dài, đất nước được thái bình, mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt và các nước phương Nam rất tốt, mà đặc biệt là Chiêm Thành. Bằng chứng là Vua Trần Nhân Tông đã gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, cương thổ của Đại Việt lại được mở rộng vào tận Thuận Hóa. Mặc dù sau việc giải cứu đưa Huyền Trân công chúa về nước, vua Chiêm Thành có oán giận nhưng lúc bấy giờ nhà Trần đang rất hùng mạnh, nên Chiêm Thành vẫn không dám phản kháng lại. Chỉ khi cuối triều, nhà Trần suy yếu thì Chiêm Thành mới nhắc lại chuyện xưa và đòi lại Châu Ô, Châu Rí. Như thế thì trong thời gian Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn đang đương chức, không thể có chuyện quân Chiêm Thành sang quấy nhiễu hải phận Đại Việt được? Nếu có gây hấn thì cũng chỉ ngấp nghé ở vùng Thuận Hóa (tiếp giáp với Chiêm Thành). Trong khi các tài liệu đều nói Ngài mất ở Cửa Trào – Thanh Hóa, một nơi cách Châu Thuận, Châu Hóa rất xa.
Thứ hai: Đời Trần có lệ cứ 23 tháng Chạp thì niêm ấn, đến Rằm tháng Giêng năm sau mới khai ấn. Trong khoảng thời gian đó, tất cả mọi công văn giấy tờ, công vụ đều tạm ngừng (tất nhiên là trừ trường hợp khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc gia). Tục lệ này còn lưu mãi đến ngày nay trong lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định. Theo gia phả, lúc mất ngài đã 85 tuổi, vậy thì trong lúc đang nghỉ tết, đất nước thái bình, không có lý do gì mà một lão tướng lại đi công việc trên biển đúng ngày mồng Một Tết Nguyên đán.
Thứ ba: Mới đây chúng tôi may mắn được tiếp cận cuốn Gia phả trung chi 7 họ Nguyễn triệu cơ tại làng Quỳnh Đôi, do tú tài Nguyễn Lân viết trong khoảng những năm 1501-1510, dưới triều Lê sơ. Họ Nguyễn, họ Hồ và họ Hoàng đều là những dòng họ khai canh, khai cơ ra mảnh đất Quỳnh Đôi ngày này. Cả 3 họ lại có mối quan hệ thông gia rất mật thiết. Cuốn gia phả này đã được con cháu họ Nguyễn tái sao và tục biên trong những thế hệ sau. Ngoài ghi chép về lịch sử, thế thứ, lăng mộ của dòng họ Nguyễn còn có những ghi chép về họ Hồ, họ Hoàng và lịch sử làng Quỳnh Đôi. Trong đó có những thông tin rất quan trọng về thân thế của Sát Hải Đại Vương. Chúng tôi xin tạm dịch như sau: “…Hoàng Khánh (một trong ba vị triệu cơ làng Quỳnh Đôi) là cháu của Hoàng Tá Thốn người Vạn Phần. Hoàng Tá Thốn sinh trưởng ở thời Trần, phù Trần Thánh Tông, Nhân Tông đánh giặc, được thụ phong Sát Hải thần, biệt phong là Ngọc Minh Hưng Triều Lão Tướng quân. Ông sinh ngày 15 tháng 4 năm Giáp Dần (1254) mất ngày 15 tháng 3 năm Kỷ Mão (1339). Nhà vua cho thuyền rồng chở thi hài về an táng tại quê nhà Vạn Phần…”.
Thứ tư: Chúng tôi đã trực tiếp gặp ông Hoàng Nam - tộc trưởng họ Hoàng xã Diễn Vạn, hậu duệ của Sát Hải Đại Vương, và được ông cho biết: “Từ bao đời nay, hàng năm tại đền và nhà thờ họ Hoàng ở Vạn Phần đều làm lễ giỗ Sát Hải Đại Vương vào đúng ngày 15/3 âm lịch. Vào ngày này, đông đảo nhân dân địa phương và các nơi, đặc biệt là ngư dân đều về đây chiêm bái và xin lộc của Ngài. Và cứ 3 năm 1 lần, đều làm đại lễ trong đó có nghi lễ tống thuyền...”.
Từ những suy luận trên, ta thấy các tài liệu viết Ngài mất vào đúng mồng Một Tết Nguyên đán trên đường đi là không chính xác. Điều đáng tiếc, là ngày mất của Ngài lại không được quốc sử ghi chép đầy đủ. Cuốn Gia phả của trung chi 7 họ Nguyễn triệu cơ tại làng Quỳnh Đôi được viết sau khi Ngài mất 162 năm, có thể xem đây là tài liệu sớm nhất ghi chép về Ngài (ngoài quốc sử). Đây là một thông tin vô cùng quan trọng để nghiên cứu về Sát Hải Đại Vương. Xác định đúng ngày mất của Ngài để dòng họ và các đền thờ Ngài khắp nơi trên cả nước tổ chức lễ kỷ niệm đúng ngày húy kị. Điều này cũng bổ sung cho chính sử và đính chính những thông tin còn chưa thống nhất trên sách, báo hiện nay.
Phần ghi chép về Sát Hải Đại Vương trong Gia phả họ Nguyễn.
Một điều nữa khiến nhân dân địa phương và du khách không khỏi chạnh lòng là đền thờ Ngài ở khắp các nơi trên cả nước đều uy nghi tráng lệ, nhưng ngôi đền thờ chính và mộ của Ngài tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu hiện nay còn chưa xứng với tầm vóc của một danh nhân. Khuôn viên đền nhỏ hẹp, đìu hiu, cây cỏ mọc um tùm và các hạng mục công còn ngổn ngang dang dở do chưa giải phóng được mặt bằng. Ngôi mộ thân mẫu của Ngài hiện đang nằm dưới chân đê Vách Bắc, hằng ngày người, xe, trâu bò qua lại... Điều này rất phản cảm và thiếu tôn trọng đối với người đã khuất, đặc biệt lại là người có công với nước. Kính mong các cấp chính quyền quan tâm để mở rộng khuôn viên và tu bổ đền thờ trang nghiêm xứng đáng với những công lao của Ngài. Hy vọng trong tương lai, đền thờ chính của Sát Hải Đại Vương tại quê hương Vạn Phần sẽ to đẹp và tôn nghiêm, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với đấng anh hùng, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước!