(Baonghean) -Cái tên Lệ Tân Sitek đã được biết đến khá nhiều ở Việt Nam qua hai tác phẩm "Một mình trên đường" và "Ngã ba đường". Nhiều sử gia, nhà phê bình, nhà văn... có uy tín đánh giá cao những tác phẩm này và trân trọng gọi bà là nhà văn Lệ Tân Sitek. Với tôi, Lệ Tân Sitek đơn giản là người Nghệ viết sách ở Oslo (Nauy). Bởi tôi cảm nhận, cái đáng quý nhất trong bà là dù đã xa xứ gần trọn cả cuộc đời nhưng cốt cách người Nghệ thật là đậm nét...

1. Nhận được thông tin từ Thư viện tỉnh Nghệ An mời dự buổi giới thiệu hai tác phẩm của bà Lệ Tân Sitek, tôi đặc biệt lưu tâm đến lời giới thiệu của chính tác giả tại cuốn Một mình trên đường. Bà viết:

Cuộc đời, dù có sóng gió hay êm ả, phức tạp hay đơn thuần, đều mang những kho tàng phong phú, cá biệt. Với cái tuổi bảy mươi của tôi hôm nay, chỉ có mười năm tôi  được sống ở quê cha đất tổ, năm sáu năm  ở nơi chôn rau cắt rốn vùng sông Dương Tử, còn nữa là ở châu Âu. Cả thời gian đó, ngoài hình thức trao đổi thư từ với gia đình và  những người thân – tôi không dùng tiếng mẹ đẻ, nhất là thời gian hơn bốn mươi năm sống ở Nauy, quan hệ với người đồng hương cũng như với báo chí, sách vở bên đó bị hạn chế vì những lý do khách quan, và do chiến tranh đã tạo ra.

...Trước tuổi bảy mươi vài ba năm, tôi quyết định chia tay thật sự với nghề kiến trúc của mình, mặc dầu tôi rất yêu nghề để thực hiện những mong muốn  đã có từ lâu, đó là tập trung vào việc viết sách, dựa trên vốn đời của mình làm đề tài...

...Hôm nay, một phần của ý định đã được thành hình qua quyển Một mình trên đường. Đây không hoàn toàn là một hồi ký, càng không phải là một quyển sách lịch sử. Địa danh cũng như nhân vật nơi thực nơi không, có thêm có bớt.

Trước hết, tôi viết cho những người thân nhưng cũng cho cả những người tôi không quen biết.

Tôi viết cho những người vẫn còn và những người đã mất.

Tôi viết cho quê cha đất tổ, nơi đã tạo ra con người mình hôm nay.

Tôi viết cho cả chính mình, để ôn lại một quãng đời đã thuộc về quá khứ…".

Một phụ nữ chỉ có 10 năm được sống ở quê cha, đất tổ, có đến trên 40 năm gần như không dùng tiếng mẹ đẻ lại viết sách ở độ tuổi gần 70 hẳn phải có nhiều điều đáng tìm hiểu!.

794296_small_95707.jpg

Bà Lệ Tân Sitek trong buổi giới thiệu sách tại Thư viện Nghệ An (ngày 26/4).

2. Người Việt kiều gốc Nghệ sống ở Oslo - thủ đô của đất nước Nauy có một cuộc đời đầy những trắc trở. Sinh năm 1939, năm nay 75 tuổi, bà Lệ Tân Sitek đã từng sống tại 4 quốc gia gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Ba Lan và Na uy. Hai vị thân sinh của bà là hai "hạt giống đỏ" của cách mạng Việt Nam. Bố là ông Bùi Hải Thiệu, sinh năm 1908, quê tại làng Phổ Đông, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn. Ông Bùi Hải Thiệu được sang Trung Quốc học Trường Quân chính Hoàng Phổ, mang bí danh là Lý Quốc Lương. Mẹ là bà Nguyễn Thị Tích, sinh năm 1906, quê ở thôn Phan (nay thuộc xã Hưng Tân), huyện Hưng Nguyên, được đoàn thể gửi đi học ở Lào, Thái Lan, tại trường do Bác Hồ (với bí danh hồi đó là Lý Thụy) thành lập. Bà Nguyễn Thị Tích thường mang bí danh là Lý Sâm hoặc Lý Phương Thuận. Ông Bùi Hải Thiệu và bà Nguyễn Thị Tích gặp gỡ và cùng nhau xây dựng hạnh phúc tại Trung Quốc và đã sinh hạ Bùi Lý Lệ Tân (tên Việt Nam đầy đủ của bà Lệ Tân Sitek) ở tỉnh Hồ Nam. Lên 6 tuổi, ông Bùi Hải Thiệu bị bệnh qua đời, Bùi Lý Lệ Tân cùng hai em theo mẹ về nước.

Năm 1945, lần đầu tiên bà được mẹ đưa về thăm quê nội và sau đó sống với bà nội tại làng Phổ Đông, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Trong sự hỗn loạn của chiến tranh, hệ thống giao thông bị đứt đoạn, Bùi Lý Lệ Tân đã không thể trở ra Hà Nội để cùng sống với mẹ, và vì thế đã có 9 năm sống tại quê hương với bà nội cùng các cô, các chú. Sau 9 năm "mất cha, xa mẹ", khi hòa bình ở miền Bắc, Bùi Lý Lệ Tân mới được gặp lại mẹ, nhưng chưa được bao lâu, bà  lại phải chia tay mẹ sang Ba Lan du học. Vì chiến tranh và một số lý do khách quan, bà đã ở lại Ba Lan, sau đó cùng gia đình định cư tại Oslo chứ không quay về nhà xây dựng đất nước, không đi tiếp được con đường của bố mẹ mình là những lão thành cách mạng. Và những sóng gió phải nếm trải trong cuộc đời đã được bà thể hiện tại các tác phẩm Một mình trên đường và Ngã ba đường với nhân vật chính - cô bé An - nguyên mẫu chính là Lệ Tân Sitek.

3. Một mình trên đường và Ngã ba đường được nhiều người, trong đó có những nhà văn, nhà phê bình, nhà sử học có uy tín đánh giá rất cao. Nhà sử học Chương Thâu đánh giá: "Những người làm công tác nghiên cứu lịch sử như chúng tôi đã tìm được nhiều tư liệu trong đó, quý giá và đáng tin cậy, cải chính cho tôi nhiều điều tôi đã hiểu sai. Cảm ơn tác giả đã đưa ra dẫn chứng lịch sử mà trong hồ sơ lịch sử nước nhà chưa có, để chúng tôi có dịp chính thức hóa những tên gọi về địa danh, về các tên tuổi trong lịch sử”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết: "Tôi  đã có cảm giác thật hồi hộp khi dõi theo An qua từng trang sách. Thực sự rung động về quá trình sống và tìm hiểu cuộc sống của nhân vật An. Cuốn sách còn làm tôi ngạc nhiên hơn về khả năng tiếng Việt của một người mấy chục năm không sử dụng nó. Chỉ có thể lý giải điều này là: Có một dòng máu Việt luôn chảy trong Lệ Tân Sitek”. Với họa sỹ Lê Huy Tiếp thì: "Tình thương yêu, nhân đạo đầy ắp trong từng trang sách của Lệ Tân, điều này khó gặp ở những nhà văn bây giờ đầy những âm mưu, thủ đoạn ly kỳ.

Chắc chắn thế hệ trẻ được đọc quyển này sẽ hiểu về một thời con người luôn quan tâm, chia sẻ với nhau. Tôi không thể khẳng định thế kỷ XXI dở hơn thế kỷ XX nhưng khi con cháu ta đọc sẽ hiểu hơn giá trị cuộc sống thời đó, một cuộc sống đầy tình cảm con người…”. Còn với nhà văn Đỗ Chu: "Cuốn sách máu thịt của chị được viết ra không phải  để kinh doanh, để đánh bóng mình, mà là để tìm bạn, để chia sẻ với mọi người về đất nước Việt Nam. Một mình trên đường không phải là hồi ký, không phải tiểu thuyết, nhưng đây là một tác phẩm hay mà phải lắng nghe thì mới hiểu. Ở Lệ Tân, tâm hồn Việt và lương tâm Việt luôn đầy ắp”.

4. Với tôi, tác giả Lệ Tân Sitek có một nghị lực thật đáng kinh ngạc. Ở độ tuổi của bà, con người ta ngoài sức khỏe, gia đình thì gần như không còn khát vọng gì khác. Vậy mà, dù xa xứ gần trọn cuộc đời, hơn 40 năm không sử dụng ngôn ngữ Việt, bà đã viết nên 2 cuốn sách dày trên 1000 trang, đã được NXB Hội Nhà văn và NXB Trẻ ấn hành và được độc giả đánh giá cao. Tại sao bà làm được như vậy? Có lẽ, chỉ có một lý giải duy nhất, đấy là trong bà cốt cách của một người xứ Nghệ vẫn vẹn nguyên, điều này đã giúp bà luôn nhớ về nguồn cội, đã thôi thúc bà phải viết "cho những người thân, cho quê cha đất tổ, cho những người đang còn hoặc đã mất, cho mình và cả những người không quen biết", và đây thật là điều đáng quý trọng nhất.

Tôi đã trò chuyện với bà qua điện thoại, sau đó trao đổi qua Email. Bà Lệ Tân Sitek đã viết thư trả lời: Nghệ An là nơi đầu tiên tôi muốn được giới thiệu quyển sách Một mình trên đường, vì đây là quyển sách viết về tuổi thơ khi tôi sống với bà nội và các cô chú tại làng Phổ Đông, thuộc huyện Nam Đàn trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Vì mọi người trong gia đình xa cũng như gần của tôi đã rời làng đi di cư ở nơi khác, và người bạn học duy nhất tôi có quan hệ thì lại không liên lạc được, nên tôi đã không thể... Và bà cũng không giấu diếm tình cảm của mình trong buổi giới thiệu sách ngày 26/4: "Đây là lần giới thiệu sách mà tôi chờ đợi và hồi hộp nhất. Ở đây, gần như tôi không quen biết ai, hơn nữa, lần giới thiệu này còn có thêm tập hai: Ngã ba đường... Nhưng khi tôi thấy sự nhiệt tình của Ban tổ chức, rồi sau đó, một vài bè bạn đã từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ra tham dự, nên tôi bắt đầu thấy yên tâm.

Trong cuộc gặp, có nhiều nhân vật trong ngành văn hóa, lịch sử cũng như đông đảo học giả nhiều thế hệ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, sinh viên tham gia và đã có những lời phát biểu sâu sắc, đầy sự đồng cảm, đầy những lời cổ vũ chân thành... Những yếu tố đó đã làm tôi hết sức sung sướng, xúc động và thấy, mình đã được đón nhận như một người Nghệ thật sự. Xin cho tôi gửi lời cảm ơn tất cả mọi người!".


Bài, ảnh: Nhật Lân