(Baonghean) - Là người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, người chế tạo thành công chất huỳnh quang trong thẻ căn cước của Quân đội Việt Nam Cộng hòa để phục vụ công tác tình báo, từng 42 năm nghiên cứu về biển Đông và đã có 100 công trình nghiên cứu về các vấn đề ngoại giao, đến tuổi “thất thập”, vẫn minh tường và là 1 trong 2 cố vấn uy tín của Bộ Ngoại giao... Ông là Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Mới đây, tôi được thấy ông trên truyền hình trả lời phỏng vấn về vấn đề khủng bố tại Boston Mỹ. Vẫn giọng điệu sang sảng, những lập luận khúc chiết của một người chuyên nghiên cứu về các vấn đề chiến lược trong nước và quốc tế. Ông đã đưa ra những bình luận sắc sảo và cả những nhận định có tính thời cuộc đối với một siêu cường quốc mà ông đã mất hàng chục năm để nghiên cứu trên cương vị một nhà khoa học.

794694_small_96182.jpg

                                              Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Lại nói về một nhà khoa học tự nhiên chuyên nghiên cứu công tác bảo mật phục vụ tình báo. Năm 1967, mới tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp, khoa Sinh hóa, chàng thanh niên Lê Văn Cương lúc ấy được giữ lại giảng dạy tại trường. Trong lúc đất nước lâm nguy, mặt trận nào cũng cần những người con thông minh và quả cảm, ông được Bộ Công an mời về Đội 9 để bảo vệ thức ăn cho Bác Hồ. Đó là những ngày tháng đẹp đẽ vô cùng của chàng trai quê Bác. Có hũ tương, miếng thịt cũng phải nếm trước, rồi mới đưa Bác ăn. Có nghĩa là anh phải nhận hiểm nguy về mình để được bảo vệ Bác Hồ. Ông kể: “Hồi đó, cứ sáng ra là chúng tôi đi chợ mua thức ăn, thức ăn trước khi đưa vào nhà bếp để nấu cho Bác và 7 đồng chí trong Bộ Chính trị, phải được đưa qua phòng sinh hóa, để thử phản ứng xem trong thức ăn có chứa hóa chất độc hại không. Có ai biếu thức gì, chúng tôi cũng phải ăn trước một miếng, rồi mới mời Bác ăn!”.

Ngày đó, tuy ít được gặp Bác nhưng những lần được Bác đến thăm đều để lại trong ông những kỷ niệm sâu sắc, ông kể: “Hồi ấy, anh em trong phòng sinh hóa chúng tôi đều đang ở độ tuổi 20-25, rất nghịch ngợm, có hôm đang làm việc, được cảnh vệ thông báo “Bác Hồ đến thăm!”. Chúng tôi bàng hoàng, nhưng ngay lúc đó Bác xuất hiện, dung dị vô cùng, Bác cười hiền và nói: “Bác đến là để xem các chú làm việc, chứ có phải đến để các chú đón tiếp đâu”. Mọi người cười ồ lên. Hôm ấy, tôi nhớ nhất câu nói của Bác: “Chúng ta làm khoa học thì nhất thiết phải tiếp cận khoa học của các nước tiên tiến. Trong lúc điều kiện của ta chưa thể làm được điều đó, thì chúng ta sẽ vận dụng theo cách của Việt Nam. Bác tin là chúng ta thành công!”.

Câu nói ấy đã theo tôi trên suốt chặng đường làm khoa học”. Năm đó Tết đến, Bác xuống tận phòng sinh hóa của ông, phát cho 2 đồng chí một chiếc bánh chưng. Cả phòng chia nhau vui tất niên, lòng ấm áp vô cùng! Dù không thường xuyên được gặp Bác, trong ông vị lãnh tụ kính yêu là tấm gương sáng về lòng nhân ái, đức vị tha. Sau này, dù gặp nhiều ẩn ức, trắc trở trong đời sống, ông luôn lấy những ngày tháng đẹp đẽ ấy để soi vào.

Sau ngày Bác mất, năm 1970, nhận thấy năng lực của ông, đồng chí Trần Quốc Hoàn - nguyên Bộ trưởng Bộ Công an - mời ông về làm công tác bảo mật phục vụ tình báo. Trước yêu cầu của Bộ Chính trị, đơn vị yêu cầu ông phải nghiên cứu để làm được căn cước giả của lính Mỹ, ngụy. Trước đó, căn cước đã được gửi sang CHDC Đức, Liên Xô để đặt hàng, nhưng không được sự đồng ý của bạn vì đơn đặt hàng của ta lên tới chục vạn chiếc. Bạn chỉ nhận làm tài liệu tình báo trong vòng chục chiếc trở lại thôi. Thẻ căn cước có chất huỳnh quang, chế tạo bằng hợp chất hữu cơ hình năm con cá sấu, sáng lên khi soi đèn tử ngoại. Ngay cả đến bây giờ, Việt Nam vẫn chưa thể chế tạo được hợp chất hữu cơ này.

Sau nhiều tháng mày mò, nghiên cứu, đọc tài liệu 3 tháng và mất 5 tháng để cho ra đời chất huỳnh quang bằng hợp chất vô cơ nhưng vẫn phát sáng khi bị kiểm tra. Ông đã sử dụng công nghệ nghiền nát các nguyên tố kim loại Zn, Fe và hợp chất ZnS thành dạng bột, sau đó nung nóng hàng nghìn độ C. Vậy là hàng trăm thẻ căn cước Việt Nam cộng hòa “dổm” ra đời. Nhờ những căn cước giả mạo đó, quân ta đã trà trộn vào quân ngụy, làm nên nhiều trận thắng lớn. Các chuyên gia của nước bạn nói với ông: “Sao các ông tài thế, trong điều kiện chiến tranh vậy mà các ông cũng có thể chế tạo được chất phát sáng huỳnh quang, mà còn có thể qua mặt được hàng trăm thiết bị đèn tử ngoại ?”

Với 42 năm nghiên cứu về Trung Quốc, ông cho rằng tuyệt đại đa số người dân nước này là người tốt, đa phần những người trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là người tốt. Chúng ta quan hệ với họ, vì những điều tốt đó và lấy những điều tốt đó làm nền tảng. Những chiến lược quân sự bành trướng của người láng giềng, chúng ta cũng bình tĩnh nhìn nhận dựa trên hệ quy chiếu có tính lịch sử từ ngàn đời. Từ đời vua Triệu Đà - Hùng Vương, đến lịch sử chống giặc Minh của nhân dân ta mà thấy rằng, cho dù 2 người láng giềng có “huỵch nhau”, thì cuối cùng cũng phải ngộ ra một chân lý “bạn bè có thể thay đổi, anh em có thể lìa xa nhưng láng giềng thì suốt đời không thay đổi”. Đó là những quan niệm hết sức văn hóa, được dựa trên những nền tảng lịch sử có tính khoa học.

Năm 1970, ông được cử đi học 2 năm ở Đông Đức về công nghệ phân tích siêu vi, một công nghệ tiên tiến hứa hẹn sẽ cho nền khoa học nước nhà. Nhưng trong những năm tháng Mỹ cấm vận, dự án và cả kiến thức khoa học ông tiếp thu được ở nước bạn đành “cất vào rương” vì thiết bị không thể mua được. Từ khoa học tự nhiên, ông rẽ ngang sang nghiên cứu Triết học, niềm say mê từ thuở còn là cậu sinh viên chỉ quen với các nguyên tố, hợp chất hóa học và phòng thí nghiệm. Và chính sự đam mê đó đã thôi thúc ông phải nghiên cứu cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ ở Việt Nam, nghiên cứu về cường quốc Hoa Kỳ và người láng giềng Trung Quốc. Cũng chính từ sự dày công nghiên cứu đó, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Triết học năm 1980. Năm 1987, ông được đề bạt làm Cục phó, năm 1992 là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia, rồi năm 1995 ông được cấp trên tin cậy giao giữ chức vụ Viện trưởng Viện Khoa học chiến lược quốc gia - Bộ Công an, và được phong Thiếu tướng cũng vào năm ấy. 

Trong cuộc đời mình, điều ông luôn đau đáu là 2 chữ “quê hương”, dù một năm ông có thể về quê nhiều lần, dù có tháng ông phải vội vã đi đi về về giữa Hà Nội và Nghệ An để kịp công việc ở quê và công việc của một nhà cố vấn. Thế nhưng, ông vẫn thấy mình mắc nợ với quê hương. Ông tâm sự: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cô giáo làng Minh Phương thuở còn thơ bé, đã dìu dắt tôi từ những nét chữ đầu tiên. Cũng từ cô, những bài học đầu tiên về tình người về hiếu nghĩa đã theo tôi cho đến tận bây giờ. Khi xa quê, đã nhiều năm tình cờ qua một người bạn được biết gia cảnh cô rất khó khăn. Từ đó, nếu có dịp về quê là tôi lại tới thăm hỏi cô, không cần quà bánh, người quê nhiều khi chỉ cần một lời hỏi han cũng đã thấy ấm lòng. Năm nay, cô đã ngoài 80, nhưng không năm nào là tôi không gửi quà cho cô nhân ngày nhà giáo”.

Lần gặp gỡ tướng lĩnh quê hương Nghệ An trung tuần tháng 12/2012, ông được dịp thổ lộ những tâm tư, những gan ruột của một người con xa quê. Cũng qua những tâm tư này, ông có dịp được nêu ra những kiến nghị sắc bén về chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh nhà. Với ông Nghệ An là địa danh “hữu xạ tự nhiên hương”, nơi hội tụ đầy đủ thiên thời địa lợi để phát triển kinh tế theo hướng CNH - HĐH. “Muốn phát triển kinh tế chỉ có cách thu hút đầu tư từ nước ngoài. Đây là thời điểm thích hợp để tỉnh ta thu hút đầu tư từ Nhật Bản vì sự mất đoàn kết giữa Nhật Bản và Trung Quốc - thị trường đầu tư mà từ trước tới nay Nhật Bản thủy chung. Hơn nữa, Nhật Bản đang rất cảm tình với Việt Nam vì tính kỷ luật và tinh thần ham học hỏi. Vậy, chúng ta còn chần chừ gì nữa để phát những tín hiệu tích cực nhất đối với nhà đầu tư nặng ký này”- ông nói.

“Dù xa muôn dăm trùng dương/ Ở đâu cũng có quê hương trong lòng”, đấy là nỗi lòng của người con đã 51 năm xa quê vẫn nặng nợ với quê như một sự tri ân.


Thanh Nga