(Baonghean) - Chương IX “Chính quyền địa phương”, của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, được đổi tên từ Chương IX “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” của Hiến pháp năm 1992. Mục đích của việc đổi tên chương, theo Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp là “Để làm rõ hơn tính chất của hệ thống cơ quan ở địa phương trong mối quan hệ với Trung ương, thể hiện tính gắn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong chỉnh thể của chính quyền địa phương”. Theo tôi, việc sửa đổi tên Chương “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành Chương “Chính quyền địa phương” như trong dự thảo lần này là hoàn toàn phù hợp. Đây không chỉ là việc đổi tên   chương thuần túy về mặt kỹ thuật lập hiến, mà còn là vấn đề mang tính nguyên tắc về cơ cấu tổ chức nhà nước.

Khái niệm “Chính quyền địa phương” được sử dụng nhiều trong các văn bản của Nhà nước, nghị quyết của Đảng (và chúng ta ngầm hiểu đó là Hội đồng nhân dân và Ủy bản nhân dân các cấp) nhưng trong Hiến pháp hiện hành – văn bản có hiệu lực pháp lý tối cao quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước lại không đề cập đến khái niệm này. Do đó, theo tôi việc Hiến pháp quy định rõ chính quyền địa phương là những cơ quan nào và có địa vị pháp lý như thế nào trong bộ máy nhà nước là hết sức cần thiết.

So với quy định của Hiến pháp hiện hành, chương “Chính quyền địa phương” trong Dự thảo sửa đổi đã ngắn gọn, cô đọng hơn, khắc phục được hạn chế là không sa vào những quy định quá chi tiết về nhiệm vụ của HĐND, UBND và chủ tịch UBND, bởi lẽ những quy định này sẽ được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức HĐND và UBND. Tôi thấy rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm rõ hơn tính chất của hệ thống cơ quan ở địa phương trong mối quan hệ với Trung ương, thể hiện tính gắn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong chỉnh thể của chính quyền địa phương.

Ngoài việc thay đổi tên chương, về cơ bản, Dự thảo tiếp tục kế thừa các quy định của Chương IX của Hiến pháp năm 1992 về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đồng thời có một số quy định được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như về đơn vị hành chính lãnh thổ. Điều 115 của Dự thảo tiếp tục giữ quy định tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992: “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; quận chia thành phường”. Bên cạnh đó, Dự thảo không quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương mà quy định theo hướng: “Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý” (Khoản 2, Điều 115). Quy định như vậy có ưu điểm là tạo ra sự linh hoạt hơn khi xây dựng tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta đã tiến hành thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành phố (theo Nghị quyết số 26/2008/NQ-QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội). Đến nay, việc thí điểm đã kết thúc, vì vậy theo quan điểm của tôi cần có tổng kết, đánh giá dứt điểm về sự cần thiết duy trì hay bỏ HĐND ở cấp quận, huyện, phường trên cả nước và điều này cũng cần phải được thể hiện rõ ngay trong Hiến pháp.

Thực tế cho thấy rằng không nên tổ chức Hội đồng nhân dân rập khuôn ở ba cấp chính quyền địa phương như hiện nay vì đã bộc lộ nhiều hạn chế, đó là hoạt động còn mang tính hình thức và hiệu quả chưa cao. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI cũng đã xác định: “Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp”. Do đó, trong Hiến pháp cần phải thể hiện rõ việc có nên tổ chức Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp hay không đồng thời cũng nên làm rõ mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của chính quyền nông thôn và chính quyền ở đô thị, bởi trong điều kiện phát triển đất nước như hiện nay xu hướng đô thị hoá rất nhanh, sẽ có sự khác biệt giữa phương pháp quản lý của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Về địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sắp xếp, sửa đổi, bổ sung các Điều 119, 120, 123 và 124 của Hiến pháp 1992 thành Điều 116 và làm rõ hơn tính chất, trách nhiệm, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để phù hợp với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất và mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong tình hình mới.

Tại Khoản 2, Điều 116 (dự thảo) quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các thành viên Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban nhân dân và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”. Với quy định này ta đã thấy rõ hơn trách nhiệm của cá nhân là thành viên UBND nhưng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương chưa được đề cao theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI (là phải “quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu”). Tôi cho rằng việc quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương sẽ khắc phục được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, dựa giẫm tập thể, thiếu tính quyết đoán làm giảm hiệu quả của hoạt động quản lý, điều hành.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của cá nhân tôi nhằm hoàn thiện hơn nữa quy định về Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Lê Văn Nghĩa (VP Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)