(Baonghean.vn) - Sáng nay 01/3, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tham gia hội nghị có đại diện các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Thường trực HĐND một số huyện, thành, thị; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện các nhà khoa học và cử tri.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã khẳng định, Dự thảo sửa đổi lần này về bố cục và nội dung chặt chẽ, cụ thể, sát thực tiễn hơn. Tuy nhiên, ở một số nội dung dự thảo chưa rõ ràng, chưa thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ. Nhiều ý kiến tập trung nêu: “Lời nói đầu” còn dài, còn liệt kê, kể lể thành tích và công lao nhiều mà chưa nói lên được tư tưởng cơ bản của hiến pháp là gì, chưa xác định rõ chủ thể thiết lập hiến pháp. Vì vậy, cơ quan soạn thảo Dự thảo Hiến pháp cần phải cân nhắc để nêu được sự cần thiết, yêu cầu khách quan, chủ quan của việc sửa đổi Hiến pháp tại thời điểm này.
Về các nội dung cụ thể, một số đại biểu cho rằng: cần khẳng định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bổ sung thêm các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động theo Hiến pháp và Điều lệ Đảng; bổ sung MTTQ Việt Nam và các thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Hiến pháp sửa đổi lần này cũng cần mở rộng thêm quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân với việc có cơ chế để trưng cầu ý kiến nhân dân như thể nào; quyền bầu cử trực tiếp của nhân dân. Đề nghị bỏ cụm từ “thiểu số” được viết trong điều 5 “tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước; bỏ chữ “nhân dân” thay vào chữ “cử tri” để thành cơ quan HĐND do cử tri ở địa phương bầu ra chứ không phải nhân dân....
Nội dung được nhiều đại biểu tập trung góp ý vào quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; chính quyền địa phương; hội đồng hiến pháp, hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước; liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đất đai... Ngoài ra các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi, chỉnh sửa một số câu, từ ngữ để đảm bảo văn phong chặt chẽ, khúc chiết hơn.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh chân thành cảm ơn các ý kiến góp ý đầy trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu. Đồng thời đề nghị các ban, ngành, đoàn thể và cấp huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có chất lượng cao hơn. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình lấy ý kiến. Các ý kiến đóng góp sẽ được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Mai Hoa