Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Định Phong - Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; Phòng PA 83 Công an tỉnh; Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và tổ quản lý của một số di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các tài liệu Hán Nôm trên địa bàn Nghệ An, từ năm 2015 Ban quản lý Di tích tỉnh phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình số hóa. Quy trình số hóa được thực hiện qua các bước: Khảo sát và đăng ký; sao chụp; số hóa; lưu trữ sau số hóa.
Kết quả, giai đoạn 1 (2015-2018) tiến hành số hóa tài liệu Hán Nôm tại 231 xã, phường, thị trấn và 473 dòng họ, đền, chùa, miếu thuộc 16 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn với tổng số 70.473 trang. Qua đó cho thấy, Nghệ An là địa phương lưu giữ được nguồn tài liệu Hán Nôm khá đồ sộ, phong phú trên nhiều lĩnh vực.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu đều tập trung khẳng định lợi ích thiết thực của chương trình số hóa tài liệu Hán Nôm đối với công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, nêu những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình và kiến nghị tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, tiến tới xây dựng kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục chế và phổ biến rộng rãi để các tài liệu quý không chỉ được bảo tồn mà còn phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay...
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phạm Định Phong - Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa yêu cầu sau giai đoạn 1, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng triển khai giai đoạn 2. Đồng thời, phát huy các tài liệu đã được số hóa, tiến hành dịch thuật, phổ biến nội dung để quảng bá rộng rãi những giá trị bản sắc văn hóa.
Dịp này, 9 tập thể và 9 cá nhân được Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình số hóa tài liệu Hán Nôm.