Chiều 5.3, ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho biết buổi sáng cùng ngày, đơn vị này đã phát hiện được 4 đạo sắc phong cổ quý hiếm bằng văn tự Hán Nôm thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định năm thứ 2 (1917) và năm thứ 9 (1924). 
images939990_sacphong1.jpg4 đạo sắc cổ quý hiếm thời Nguyễn - Ảnh: Bảo tàng Hà Tĩnh cung cấp
Bốn đạo sắc cổ quý hiếm được đoàn cán bộ của Bảo tàng Hà Tĩnh phát hiện được tại từ đường dòng họ Phạm Văn (tọa lạc ở thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
 
Bốn đạo sắc cổ còn nguyên vẹn, giống nhau về trang trí hoa văn và cùng kích thước (dài 2,1 m, rộng 50 cm), được viết bằng chữ Hán cổ trên nền giấy gió, nét chữ mảnh, sắc nét, giấy màu vàng nghệ, mặt trước trang trí họa tiết hoa văn hình rồng...
 
Trong 4 đạo sắc phong cổ thì có 2 đạo sắc phong niên đại năm Khải Định thứ 2 giống nhau về thời gian (ngày 15 tháng 3 năm 1917) và cùng có nội dung là phong cho vị thủy tổ họ Phạm Văn là Phạm Văn Nghĩa tước hiệu Đông Giang Hầu.
 
Hai đạo Sắc còn lại có niên đại Khải Định năm thứ 9, cũng có cùng thời gian (ngày 22 tháng 7 năm 1924) và cùng có nội dung phong cho vị thủy tổ họ Phạm là Phạm Văn Linh tước hiệu Cao Bình Quận.
 
Theo ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, việc phát hiện 4 đạo sắc phong cổ quý hiếm có ý nghĩa rất lớn, giúp các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt hiểu sâu hơn về lịch sử phát triển của triều Nguyễn.
Hai trong bốn đạo sắc phong cổ thời Nguyễn vừa được phát hiện - Ảnh: Bảo tàng Hà Tĩnh cung cấp
Theo (TNO)