(Baonghean) - Những ngày tháng Tư, nhân dân huyện Yên Thành lại nhớ đến những người con ưu tú góp phần quan trọng trong việc nhen nhóm và trao truyền tinh thần chống giặc cứu nước ngay từ buổi đầu. Trong đó có vị võ tướng lẫy lừng của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp: cụ Tác Bảy - Nguyễn Văn Ngợi (1860 - 1895).

Tấm gương nghĩa sĩ
 
Ông Lê Doãn Lộc – Bí thư Đảng ủy xã Lý Thành (Yên Thành) không giấu được niềm tự hào khi kể về liệt sĩ phong trào Cần Vương Tác Bảy –Nguyễn Văn Ngợi. Từ nhỏ, Nguyễn Văn Ngợi đã sớm biểu thị lòng yêu nước căm thù giặc Pháp bằng cách vào núi lập trại mộ binh luyện võ tại vùng Lèn Voi, Lèn Rùa, Lèn Cờ (còn gọi là vùng Ba Lèn) nay thuộc các xã Lý Thành, Trung Thành và Nam Thành. Nguyễn Văn Ngợi được đông đảo nhân dân và các hào phú, điền chủ có tinh thần dân tộc trong vùng hỗ trợ tích cực về sức người, lương thảo và tiền của để mua sắm binh khí.  
 
images1152476___p_b_u_trang___noi_tuong_truy_n_t_c_b_y_nh_y_qua.jpgĐập Bàu Trang - nơi tương truyền Tác Bảy nhảy qua.
 
Khi biết cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn cáo quan dựng cờ nghĩa ủng hộ phong trào Cần Vương, Nguyễn Văn Ngợi đã mang theo 400 nghĩa sĩ gia nhập đội quân của cụ Nghè Ôn và được phong chức “Tác vi lãnh binh”, tên gọi Tác Bảy hoặc Lãnh Ngợi có từ đó. Dưới cờ nghĩa của cụ Nghè Ôn, Tác Bảy đã phát huy cao độ tài năng võ nghệ tổ chức các cuộc khởi nghĩa diễn ra sâu rộng hơn. 
 
Công trạng của Tác Bảy – Nguyễn Văn Ngợi được ghi rõ trong nhiều sách sử như: “Lịch sử Nghệ Tĩnh”, “Lịch sử Yên Thành”, hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng di tích lịch sử mộ và nhà thờ của cụ Tác Bảy – Nguyễn Văn Ngợi ở xóm Chùa Me (xã Lý Thành). Ông Lê Công Khầm (sinh năm 1930) ở xã Đại Thành, kể với chúng tôi rằng những trận đánh của cụ Tác Bảy vẫn được người dân vùng này kể vanh vách như chuyện mới hôm qua. Đó là những trận vang dội của nghĩa quân Tác Bảy trước quân Pháp ở Động Sỏi, Ngọc Thượng, Bảo Nham, Truông Lứng, Khe Chạc Chìu, Cồn Voi... Với thực dân Pháp, Tác Bảy là nỗi khiếp sợ với biệt danh “cọp xám Ba Lèn”, còn với người dân, ông như vị anh hùng cái thế. 
 
Ngày 25/7/1887, sau khi cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn - lãnh tụ phong trào Cần Vương bị bắt, Tác Bảy vẫn tiếp tục giương cao ngọn cờ yêu nước với các trận đánh giành thắng lợi trước quân Pháp như trận Động Sỏi, Khe Am, Dốc Dài, tiếp tục tạo niềm tin cho nghĩa quân và nhân dân về khả năng chống Pháp. 
 
Ông Nguyễn Văn Trinh – thành viên hội đồng gia tộc họ Nguyễn Văn ở làng Chùa Me - kể rằng biết không thể dùng vũ lực để khuất phục được Tác Bảy, bọn địch đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc khác. Một lần, Tác Bảy bị vây chặt trong một hang đá, bọn giặc đã bắt toàn bộ dân làng ra quỳ lạy trước cửa lèn làm con tin. Tuy nhiên Tác Bảy đã gửi tín hiệu rằng ông không còn trong lèn nữa, dân làng không phải đánh đổi. Và khi bọn lính vào hang thì không tìm đâu ra Tác Bảy. Giờ lèn này vẫn còn, nhân dân gọi là Lèn Tác Bảy (xã Lý Thành).
 
Thực dân Pháp điên cuồng đốt cháy nhà cửa trong làng, đẩy dân làng tứ tán khắp nơi. Tác Bảy vẫn không nao núng. Sau này, vì mến mộ tấm lòng yêu nước của Tác Bảy, bà Tú Lường Phan Thị Tảo đã đứng ra xin lập lại làng, tập hợp lại dân.
 
Năm 1895, một lần biết Tác Bảy sẽ đi ra ngoài và ngủ lại tại một địa điểm cơ mật không có canh phòng ở làng Hậu Trạch, thực dân Pháp đã dàn trận giăng bẫy bắt ông. Chúng khiêng lồng sắt đưa ông đi khắp nơi hòng làm nhụt khí thế của nhân dân, nhưng khí phách của ông vẫn không hề suy chuyển và càng gieo vào lòng dân niềm căm hận sâu sắc. Để tránh hậu họa, chúng đã bí mật dìm Tác Bảy xuống dòng sông Hang (nay thuộc xã Viên Thành). Tháng 7/1993, khi đi làm thủy lợi tiêu úng, nhân dân xã Viên Thành đã phát hiện được di cốt của Tác Bảy và báo với các cấp chính quyền. UBND huyện Yên Thành và xã Lý Thành đã tổ chức lễ truy điệu và rước di cốt của ông về an táng trọng thể tại động Chùa Me. 
 
Đi vào huyền thoại
 
Là một nhân vật lịch sử, tuy nhiên, khi đi vào chuyện kể của nhân dân địa phương, nhân vật Tác Bảy lại trở thành con người phi thường, có sức mạnh và hành động siêu phàm. Ông Nguyễn Văn Trinh – thành viên hội đồng gia tộc Nguyễn Văn và là người trông coi di tích nhà thờ Lãnh Ngợi ở xóm Chùa Me (xã Lý Thành) kể với chúng tôi rằng các bậc cao niên đời trước kể lại cụ Tác Bảy có dáng người dị thường, cao 2 mét, tay dài đến gối, sức khỏe vô song.
 
Tác Bảy được chính những người xung quanh ông ngưỡng mộ với vẻ đẹp của một “anh hùng thảo dã”. Thời trẻ ông là một đô vật “vô địch thiên hạ”, nổi tiếng khắp các sới vật khắp vùng. Khi còn nhỏ Tác Bảy đã bền bỉ luyện sức bằng cách đeo nhiều đá núi vào chân để nhảy từ lưng con trâu này sang lưng con trâu khác, từ gò đất này sang gò đất khác. Đến khi theo cụ Nghè Ôn đánh Pháp, Tác Bảy có thể nhảy từ nhà này qua nhà khác nhanh và nhẹ như sóc để vượt qua vòng vây của quân Pháp. 
 

Thời tráng niên, Tác Bảy có thể dùng sức để “hàng trâu, giết cọp”, “xuất quỷ nhập thần”. Cả một vùng rừng núi điệp trùng bao la nơi ông luyện binh làm thế trận đánh giặc, ông vào ra xuất nhập không ai có thể đoán lường được. Chuyện ông Tác Bảy giết tên thiếu úy Coóc – viên sĩ quan chỉ huy trận Cồn Voi như chuyện kể tiểu thuyết chương hồi. Pháp mở trận đánh lớn để tìm diệt Tác Bảy, nhưng khi vừa đến cửa rừng tên thiếu úy Coóc đã bị lưỡi gươm Tác Bảy đưa một nhát khiến tên này chết ngay trên lưng ngựa trước sự bàng hoàng khiếp đảm của quân giặc, sự vui sướng hả lòng hả dạ của quân và dân ta.  

Cụ Lê Công Khầm - 86 tuổi - người dân xã Đại Thành kể chuyện về Tác Bảy

Cụ ông Lê Công Khầm kể với chúng tôi rằng, ở khu vực truông vắng qua đoạn Dòi Dài, Đập Mới (nay thuộc xã Đại Thành) là nơi ngài Tác Bảy thường thình lình xuất hiện với một cây mác nhọn mỗi khi bọn cường hào ác bá, bọn có tư tưởng thân Pháp khinh dân, chỉ điểm cho Pháp... đi qua. Nhiều tên phải bỏ mạng, nhiều tên được tha mạng, vì kinh hồn bạt vía mà hoàn lương. 

Ông Khầm cho biết, tại đập Bàu Trang (xã Đại Thành) còn lưu dấu chân của Tác Bảy. Theo ông Khầm thì nhân dân trong vùng này vẫn quả quyết rằng cụ Tác Bảy từng nhảy từ bên này sang bên kia đập Bàu Trang để thoát khỏi vòng vây của thực dân Pháp.
 
Những câu chuyện về vị liệt sĩ của phong trào Cần Vương - Tác Bảy Nguyễn Văn Ngợi vẫn được lưu truyền và có sức sống mãnh liệt. Các mẩu chuyện về ông tuy còn rời rạc, đan xen thực và ảo, nhưng vẫn kết nối với nhau bằng sợi chỉ xuyên suốt là tấm lòng trung hiếu với non sông đất nước có sức lan tỏa mãnh liệt từ xưa đến nay.
 
Ngô Kiên